Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 03/01/2022
Ngày cập nhật:
6/1/2022
Nuôi ong lấy mật không phải là nghề mới, tuy nhiên với sự tìm tòi, sáng tạo, nông dân Trần Minh Nìm, ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), đã nghĩ ra những cách làm độc đáo, khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương đem lại nguồn thu nhập cao với chi phí đầu tư không lớn.
Sản phẩm mật ong nguyên sáp, hay còn gọi là mật ong tầng cơi của anh Trần Minh Nìm vừa đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Đưa ong “chạy đồng”
Đến ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, không khó để tìm nhà của anh Trần Minh Nìm, chủ cơ sở mật ong hương tràm Trần Nìm, anh nông dân nuôi ong lấy mật “thứ thiệt” ở vùng quê này. Anh Nìm kể, sau khi tốt nghiệp phổ thông, cứ ngỡ anh sẽ gắn liền với công việc sửa xe gắn máy, thế nhưng trong một lần tình cờ được người bạn “chỉ dẫn” cách nuôi ong lấy mật, thấy công việc vừa hiệu quả kinh tế vừa thân thiện môi trường nên anh bắt đầu bén duyên. Nhờ cần cù, chịu khó mà từ 2 thùng ong ban đầu, nay anh đã có trong tay 400 thùng ong với khoảng 800 đàn. Không chỉ khai thác mật theo cách truyền thống mà anh Nìm còn tìm tòi những cách làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra.
Anh Trần Minh Nìm nhớ lại: “Lúc đầu, tôi nuôi ong bình thường, năm 2016-2017, chủ yếu là quay mật để bán cho thương lái, những người có nhu cầu, còn đóng chai thì thuê người ta. Khi thấy nhu cầu người dân sử dụng mật ong nhiều, muốn chất lượng hơn nữa nên tôi suy nghĩ nuôi mật ong tầng cơi, nuôi theo công nghệ châu Âu, gọi là mật ong nguyên sáp. Sản phẩm được thị trường đón nhận rất tốt”.
Vì chưa biết kỹ thuật nên khi bắt đầu nuôi ong mật tầng cơi (mật ong nguyên sáp), anh Nìm gặp nhiều khó khăn. Sau này, nhờ biết cách nhân đàn, chia đàn ong, sàng lọc đàn ong cẩn thận nên hiệu quả ngày càng cao. Mật nuôi theo cách này đậm đặc, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn mật ong thông thường.
Điểm đặc biệt trong cách nuôi ong của người nông dân này là đưa ong “chạy đồng”. Sau khi kết thúc mùa mật tại Hậu Giang, khoảng tháng 11 đến tháng 4 âm lịch, những thùng ong được anh Nìm di chuyển đến vùng có mật ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Vậy là bầy ong thỏa sức đánh mật hoa nhãn từ tháng 4 sang tháng 5. Bước qua tháng 6 thì chuẩn bị đánh mật hoa chôm chôm và mật hoa bần ở cồn Mỹ Hòa, tỉnh Vĩnh Long.
Làm riết thành quen, chỉ cần “nghía” là anh Nìm biết chỗ nào làm điểm đặt thùng ong. Có hộ thì cho thuê chỗ đặt thùng ong, có hộ đổi lại bằng vài lít mật. May mắn là những vùng anh đi qua, hầu hết bà con rất đồng tình, ủng hộ. Bà con ở các điểm đặt ong thay đổi thói quen canh tác, chuyển từ sử dụng phân, thuốc hóa học sang các loại thân thiện với môi trường, từ đó mật làm ra cũng chất lượng hơn. Có hộ còn nhã ý mua ong của anh Nìm để “làm vốn” và tất nhiên, được anh Nìm sẵn lòng hỗ trợ.
“Khi muốn đánh mật ở nơi đó, tôi phải chuẩn bị trước từ 1 đến 2 tháng. Phải xem đàn ong mạnh, đủ tuổi đi lấy mật chưa mới tiến hành. Khi chọn được đàn ong, tôi di chuyển các thùng ong vào buổi chiều, ong đi làm về hết. Cửa thùng ong sẽ được đóng lại, chỉ chừa mở cửa sổ để làm mát. Những thùng ong sau đó được đặt lên xe tải và di chuyển đến điểm mới. Sáng sớm, người thợ sẽ mở thùng cho ong bắt đầu hành trình của mình tại điểm mới”, anh Trần Minh Nìm chia sẻ.
Hướng đi mới
Hiện tại, cơ sở mật ong hương tràm Trần Nìm đã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh đó là mật ong nước đóng chai (500ml) và mật ong nguyên sáp (mật ong tầng cơi). Mật ong nước có 2 dạng là 180ml, giá 60.000 đồng và 200.000 đồng/500ml. Mật ong nguyên sáp được bán với giá 200.000 đồng/khoảng 500gram. Sản phẩm có mặt tại Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ và Vĩnh Long. Hiện tại, trừ tất cả các chi phí, anh thu lời 150-200 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Nìm còn sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, công ăn việc làm cho người dân địa phương, những người nghèo trên địa bàn, mua con ong để phục vụ lấy mật, phát triển kinh tế. Một thùng ong có 6-7 cầu ong, được bán với giá 2.000.000 đồng/thùng.
Anh Trần Minh Nìm chia sẻ: “Người dân từng mua ong của mình rồi thì tới mùa họ đến mua ong. Còn người mới nuôi, tôi hướng dẫn kỹ thuật cho họ, chọn đàn ong mạnh, lấy mật tốt. Người dân lựa chọn xong có thể đến nhận trực tiếp hoặc được giao về tận nhà. Thông qua điện thoại, tôi hướng dẫn cho người ta cách nuôi lấy mật như thế nào để mang lại hiệu quả. Khi vô mùa đỉnh điểm lấy mật, chỉ cần 1 tháng thôi là họ có thể lấy vốn được thùng ong, 10-15 ngày thu hoạch 1 lần, 7 cầu ong thì khoảng 2 lít và họ lời được trong khoảng 4-5 tháng sau khi bắt đầu lấy mật”.
Nói về những dự định sắp tới của mình, anh Nìm cho biết sang năm nếu có xúc tiến thương mại của tỉnh, anh sẽ tham gia để giới thiệu, quảng bá nhiều hơn để sản phẩm mật ong quê hương được nhiều người biết đến, giúp phát triển kinh tế cho bản thân và các hộ nuôi ong.
“Tôi đang nghiên cứu để sản xuất sản phẩm sữa ong chúa, chiết xuất từ sữa ong chúa. Sản phẩm này có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn mật ong, rất tốt cho sức khỏe. Tôi sẽ tiếp tục đưa sản phẩm này đăng ký sản phẩm OCOP, đa dạng sự lựa chọn khách hàng với những sản phẩm an toàn, chất lượng”, anh Trần Minh Nìm ấp ủ.
Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.