Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 27/12/2022
Ngày cập nhật:
29/12/2022
Cận Tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm sẽ tăng. Chính vì vậy, người chăn nuôi đã sớm chủ động nguồn cung phục vụ thị trường đợt cao điểm.
Người chăn nuôi chuẩn bị nguồn cung gia súc, gia cầm phục vụ đợt cao điểm tết.
Chăn nuôi nông hộ không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho xã hội, mà còn tạo công ăn việc làm, giúp tăng thu nhập thêm cho người dân khu vực nông thôn. Ở Hậu Giang, chăn nuôi nông hộ chiếm số lượng khá lớn. Thông thường, dự đoán nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trước và trong đợt Tết Nguyên đán sẽ tăng cao, người chăn nuôi đã chủ động chọn thời điểm khoảng tháng 8, tháng 9 để gây nuôi, tái đàn gia súc, gia cầm bán tết, mong thu về lợi nhuận cao. Điều này góp phần cung ứng một lượng thực phẩm lớn ra thị trường tết.
Chị Nguyễn Thị Nguyên, ở phường III, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Như thông lệ, gia đình vẫn chuẩn bị liên tục và đầy đủ nguồn cung trứng gia cầm vào 2 tháng cuối năm, bởi mặt hàng này thường hút hàng sớm do nhu cầu làm nguyên liệu chế biến các loại bánh phục vụ tết. Cao điểm tiêu thụ là từ 20 tháng 12 âm lịch”.
Ông Trần Văn Tèo, ở ấp Thạnh Đông, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, cho biết thêm: “Trong khâu chăm sóc nuôi dưỡng những ngày này rất quan trọng, nguồn thức ăn cho vịt phải đầy đủ mới đảm bảo lượng trứng như mong đợi. Thông thường vào giữa tháng Chạp, những tiểu thương bán lẻ trứng ở ngoài chợ gọi đặt hàng chỗ tôi với số lượng tăng gấp đôi, gấp ba lần ngày thường, giá trứng cũng tăng hơn. Lúc này mình phải chăm đàn kỹ, thức ăn đầy đủ để vịt đẻ sai”.
Ngoài trứng gia cầm, các loại thịt gia cầm là mặt hàng thực phẩm có sức tiêu thụ cao vào dịp Tết Nguyên đán. Nắm bắt nhu cầu này, bà Nguyễn Thị Phương, ở xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, cũng chủ động gây nuôi đàn gà nòi hơn 200 con để bán tết. Bà Phương cho biết, những tháng cuối năm, việc nuôi gà sẽ gặp nhiều rủi ro do ảnh hưởng bởi thời tiết giao mùa. Do vậy, bà đã sớm làm kín chuồng trại để bảo vệ đàn tránh thất thoát trong lúc này.
Nhìn chung, năm nay việc tái đàn đón tết của bà con khá thuận lợi, đàn heo khôi phục và phát triển ổn định, ít xuất hiện dịch bệnh. Vào dịp Tết cổ truyền, thịt heo là mặt hàng thực phẩm có sức hút mạnh nhất. Nắm bắt nhu cầu này, cứ “đến hẹn lại lên” người chăn nuôi đón thời điểm xuất bán để mong được giá cao.
Tuy nhiên, nuôi heo bán vào dịp tết phải trải qua giai đoạn chuyển mùa. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh. Theo kinh nghiệm chăn nuôi của chị Đặng Thị Cẩm Hường, ở xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, người nuôi heo nên chủ động phòng tránh dịch bệnh trong thời gian này bằng cách tiêm phòng cho vật nuôi, vệ sinh phòng bệnh đúng cách. Những ngày chuyển mùa, thay đổi thời tiết, mình phải thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi. Có như vậy mới chủ động quản lý dịch bệnh trên heo được hiệu quả.
Về nguồn cung heo hơi cho thị trường tết năm nay được đánh giá là khá dồi dào. Nhưng trong khi chi phí đầu vào tăng thì giá heo hơi vẫn giữ mức thấp. Do vậy, ngay từ thời điểm tái đàn, tăng đàn đón tết, người chăn nuôi cũng cân nhắc, chọn lọc chuẩn bị đàn ở mức độ phù hợp.
Theo tiểu thương Lê Thị Bé Hai, bán thịt heo ở chợ Nàng Mau, huyện Vị Thủy, giá heo hơi lúc này chỉ dao động từ 51.000-53.000 đồng/kg. Để chuẩn bị nguồn cung cho đợt tết, chị sớm tìm mua và đặt cọc heo hơi, sau đó bán dần, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở các quầy kệ, nhất là thời điểm từ 27 đến 30 tết. Năm nay, thấy nguồn cung heo hơi khá dồi dào, giá bán heo thịt tính đến thời điểm này cũng khá thấp, phù hợp túi tiền người tiêu dùng.
Như vậy, để chuẩn bị cho thị trường thịt gia súc, gia cầm phục vụ Tết cổ truyền, người chăn nuôi và cả những tiểu thương đã chủ động đảm bảo nguồn hàng đủ cung ứng. Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, đánh giá nguồn cung các sản phẩm trứng, thịt gia súc, gia cầm khá dồi dào. Riêng nguồn cung heo hơi phục vụ tết dự đoán tăng khoảng 10-15% so với tết năm trước. Tình hình chăn nuôi những tháng cuối năm có nhiều thuận lợi, không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm. Tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi khá cao, dẫn đến chi phí đầu vào của người chăn nuôi cao, lợi nhuận chưa như mong đợi.
Bài, ảnh: KỲ ANH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.