Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 17/03/2022
Ngày cập nhật:
21/3/2022
Tận dụng đất đồi rừng rộng, gia đình anh Lý Văn Minh, thôn Khuổi Diễn, xã Cốc Đán (Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) đã đầu tư nuôi lợn rừng bán hoang dã. Mô hình không chỉ giúp gia đình anh có thu nhập, việc làm mà đang từng bước xây dựng thương hiệu bằng việc liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX).
Gia đình anh Minh nuôi khoảng 100 con lợn rừng to, nhỏ.
Anh Minh chia sẻ về cơ duyên nuôi lợn rừng: Trước đây gia đình tôi nuôi lợn trắng nhưng chi phí cho thức ăn lớn, giá thành không ổn định nên giữa năm 2018 đã quyết định chuyển sang nuôi thử lợn rừng. Hai vợ chồng mua sắt B40 về quây gần 1ha đồi, mua 3 con nái, 01 con đực giống lợn rừng để nuôi. Sau khoảng 3 năm, tiếp tục đầu tư thêm 7 con nái để nhân đàn. Đến nay, gia đình duy trì nuôi hơn 10 nái lợn rừng, vừa bán lợn giống, vừa nuôi lợn thương phẩm nên trong chuồng luôn có khoảng 100 con lợn rừng, có thời điểm nhiều trên 150 con.
Lợn rừng có sức đề kháng tốt, ít bệnh, nguồn thức ăn phong phú như cây chuối, cỏ voi, dây khoai lang… nên nuôi theo hướng bán hoang dã tiết kiệm được nhân lực, chi phí thức ăn. Để bảo vệ môi trường, gia đình anh Minh xây dựng chuồng trại khép kín, hệ thống biogas xử lý chất thải để hạn chế mùi hôi, tận dụng khí ga đun nấu, chất thải qua xử lý dùng tưới cỏ voi, chuối.
Đối với lợn rừng, thời gian nuôi đến khi xuất bán từ 8 tháng đến 1 năm. Bình quân mỗi năm gia đình anh Minh xuất bán trên dưới 50 con, mỗi con có trọng lượng khoảng 50kg trở lên, giá bán phụ thuộc vào từng thời điểm, dao động từ 100.000 – 120.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ cơ bản ổn định bởi thời gian nuôi lâu nên chưa đủ số lượng lợn thương phẩm để mở rộng thị trường.
Dù lợn rừng có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt và bệnh dịch khá tốt nhưng gia đình anh Minh luôn tiêm vắc xin đầy đủ cho đàn lợn, phun tiêu độc khử trùng thường xuyên khu vực chăn nuôi. Ngoài thức ăn thô thì thêm thức ăn tinh như ngô, thóc để bổ sung dinh dưỡng, giúp đàn lợn lớn nhanh, chất lượng thịt ngon.
Để đáp ứng đa dạng nhu cầu thị trường, gia đình anh Minh còn nuôi thêm lợn đen địa phương theo hướng bán chăn thả, xây dựng thêm chuồng để tăng đàn lợn nái, đáp ứng nhu cầu con giống, lợn thương phẩm cho thị trường.
Xác định phát triển chăn nuôi lợn rừng, lợn lai rừng, lợn đen địa phương là nguồn thu nhập chính đem lại hiệu quả kinh tế, gia đình anh Minh đã từng bước xây dựng thương hiệu, tìm hướng đảm bảo ổn định đầu ra, giá cả và hạn chế dịch bệnh cho đàn lợn. Cuối năm 2021 anh Minh đứng ra thành lập HTX OCOP Cốc Đán với 10 thành viên. Hiện nay các thành viên đang tập trung xây dựng chuồng trại để tiến tới đầu tư con giống, nhân đàn. Với định hướng phát triển chăn nuôi có sự liên kết, HTX sẽ từng bước mở rộng quy mô nuôi, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng./.
Hà Nhung
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.