• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Lan tỏa mô hình chăn nuôi dê thâm canh bằng đệm lót sinh học

Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 29/03/2022
Ngày cập nhật: 31/3/2022

Có thể nói, mô hình chăn nuôi dê thâm canh bằng đệm lót sinh học của hộ bà Nguyễn Thị Minh Vẫn ở thôn Phú Ân, xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên là mô hình có sức lan tỏa mạnh mẽ đến bà con nông dân trong vùng. Chỉ tính riêng tại thôn Phú Ân hiện nay đã có 10 hộ dân phát triển và nhân rộng đàn dê theo mô hình của gia đình bà Vẫn.

Đây là một trong những mô hình điển hình về sự lan tỏa tính hiệu quả mà hàng năm Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã chuyển giao cho bà con nông dân tại các địa phương.

Bà Nguyễn Thị Minh Vẫn cho biết, tận dụng đất đồi, cây cỏ xung quanh, gia đình bà bắt đầu nuôi 25 con dê từ năm 2018. Gia đình bà nuôi dê theo kiểu chăn thả tự nhiên, cứ sáng thả cho đàn dê đi ăn, tối về lại cho vào chuồng. Chuồng được dựng bằng những thanh cây, che tạm bợ trên nền đất.

Vợ chồng bà Vẫn nhớ lại: “Nghĩ lại cảnh chăn nuôi trước đây, thấy quá khổ, quá vất vả mà lại không hiệu quả mấy so với bây giờ, đặc biệt là việc dọn vệ sinh chuồng trại, mất rất nhiều thời gian, công sức, chuồng trại lúc nào cũng có mùi hôi, dơ bẩn, làm cho đàn dê thường xuyên bị bệnh,…”

Ông Hòa, chồng bà Vẫn hồ hởi chia sẻ: “Tui thấy mô hình đệm lót sinh học của Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn vô cùng hiệu quả, nhờ tham gia mô hình, thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của Trung tâm mà gia đình tôi chăn nuôi ngày càng hiệu quả, đỡ được biết bao nhiêu công lao động và chi phí, đặc biệt là số dê bị nhiễm bệnh giảm đi rất nhiều”.

Tháng 8/2019, gia đình bà Vẫn được Trung tâm Khuyến nông đồng ý cho tham gia triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi dê thâm canh thuộc dự án: “Xây dựng vùng chăn nuôi dê thâm canh ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Yên”. Trong quá trình triển khai mô hình, gia đình bà được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm hướng dẫn thêm về cách làm đệm lót sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường; hướng dẫn cách sử dụng lớp đệm lót sau 1 thời gian nuôi đem đi ủ, tạo thành phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng (trồng cỏ làm thức ăn nuôi dê), giúp hạn chế sử dụng phân bón hóa học, làm đất không bị bạc màu, đồng thời làm cho đất tơi xốp hơn.

Nhận thấy mô hình đệm lót sinh học có nhiều lợi ích đối với việc chăn nuôi dê, gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp chuồng trại và phát triển thêm đàn dê của mình. Qua những lần tham gia các lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông, được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, vợ chồng bà tiến hành xây dựng lại chuồng trại, ngăn ô, nâng cao nền chuồng và sử dụng trấu, mùn cưa, vỏ lạc, thân cây bắp nghiền,… chế phẩm sinh học Balasa-N01 để làm đệm lót. Nhờ vậy mà dù không quét dọn mỗi ngày như trước kia nhưng chuồng nuôi dê luôn được thoáng mát, sạch sẽ, không còn mùi hôi, số lượng dê bị nhiễm bệnh giảm đi rõ rệt.

Đến nay, gia đình bà Vẫn đã nâng tổng đàn dê từ 25 con lên đến 60, 70 con dê thịt, chưa tính đến số lượng hàng chục con dê con mà gia đình bà bán mỗi năm. Để giúp dê phát triển tốt, vợ chồng bà Vẫn còn trang bị hệ thống âm thanh để mở nhạc cho dê nghe khi ăn, ngủ, giúp dê giảm “stress”, kích thích dê ăn, ngủ tốt, nhanh phát triển. Nhờ chủ yếu cho dê ăn thức ăn tự nhiên, ít cho ăn thức ăn công nghiệp, nuôi bằng đệm lót sinh học nên chi phí không nhiều; dê nuôi bán chăn thả nên thịt dê ngon, săn chắc, giống tốt nên nhiều nơi đã tìm đến mua dê giống, dê thịt, dê con,… Vì vậy gia đình bà luôn có nguồn thu mua ổn định, bán được quanh năm.

Bà Vẫn cho biết, nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật do TTKN tỉnh hướng dẫn, gia đình bà có thu nhập ổn định từ đàn dê

Bà Vẫn cho biết thêm, tuy thời gian qua dịch COVID đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất, kinh doanh mua bán của xã hội nói chung, gia đình bà nói riêng, nhưng nhờ có được nguồn thu mua ổn định nên số lượng dê xuất bán của gia đình bà vẫn được đều đặn. Với giá bán buôn dê từ 120 – 140 nghìn đồng/kg thịt hơi, có thời điểm giá lên đến gần 200 nghìn/kg; dê giống có giá cao hơn dê thịt từ 10 – 20 nghìn đồng/kg nên bình quân lợi nhuận thu được từ chăn nuôi dê của gia đình bà đạt từ 100 đến 150 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Bá Thọ, cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình triển khai tại Hợp tác xã DVNNTH Tây An Phú, xã An Phú, tp Tuy Hòa, cho biết: Thấy được hiệu quả cao và nhiều lợi ích từ việc chăn nuôi dê thâm canh bằng đệm lót sinh học của gia đình bà Vẫn, bà con nông dân trong thôn và cả các vùng lân cận như một số hộ ở xã An Thọ, huyện Tuy An đã tìm đến tham quan, học tập và áp dụng cho gia đình mình. Tính đến thời điểm hiện nay, riêng thôn Phú Ân của xã An Phú đã có 10 hộ chăn nuôi dê bằng đệm lót sinh học; trong đó có những hộ có số lượng dê nhiều nhất là 90 con như hộ của ông Phạm Ngọc Vũ, hộ ông Nguyễn Trường Niên 80 con, hộ ông Nguyễn Văn Hòa 75 con, hộ thấp nhất cũng 30 con,...

Có thể nói, mô hình chăn nuôi dê thâm canh bằng đệm lót sinh học mà hàng năm Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã chuyển giao cho bà con nông dân không những giúp bà con nông dân tận dụng được thời gian nhàn rỗi, mang lại hiệu quả cao về kinh tế mà còn mang đến động lực, niềm tin, sự phấn khởi để giúp bà con mạnh dạn, tự tin đầu tư tăng gia sản xuất; đồng thời góp phần xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao theo chủ trương mà ngành Nông nghiệp đã đề ra./.

Hoàng Oanh - Trung tâm Khuyến nông Phú Yên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang