Nguồn tin: Báo Bình Phước, 26/04/2022
Ngày cập nhật:
29/4/2022
Dịch bệnh trên đàn gia súc thời gian qua đã gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi, trong đó chủ yếu là hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Để tái và tăng đàn bền vững, thời gian qua, rất nhiều hộ chăn nuôi đã đầu tư quy mô lớn gắn với áp dụng các giải pháp an toàn sinh học đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình chăn nuôi khép kín gắn với bao tiêu sản phẩm đang được các nông hộ ở huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) triển khai thành công. Mô hình được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi khi muốn tái đàn, mở rộng quy mô trong giai đoạn hiện nay.
Liên kết với 1 công ty có trụ sở tại Hà Nội, gia đình ông Phạm Đình Tuyến ở thôn 7, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng đầu tư toàn bộ chuồng trại khang trang, hiện đại, khép kín để nuôi heo rừng. Theo hợp đồng 2 bên ký kết, ông Tuyến đầu tư hệ thống chuồng trại theo quy trình khép kín với số tiền 650 triệu đồng. Chi phí đầu tư ban đầu khá cao, tuy nhiên, ngoài được bao tiêu sản phẩm, với hệ thống biogas 4 ngăn đã giúp xử lý toàn bộ nước thải phục vụ tưới cây trồng, giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh chuồng trại.
Trang trại nuôi heo của hộ ông Chu Văn Cữu ở thôn 5, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng được đầu tư theo quy mô khép kín với tổng chi phí 2,5 tỷ đồng
Ông Tuyến cho hay, hệ thống biogas 4 ngăn đầu tư khá tốn kém nhưng xử lý nước thải rất tốt. Nước qua xử lý không ô nhiễm nên có thể sử dụng ngay để tưới cây hồ tiêu. Ngoài ra, phải trang bị lưới chống côn trùng và phun khử khuẩn phòng bệnh nghiêm ngặt. Thức ăn cho heo chủ yếu tận dụng thân, lá các loại cây quanh nhà, không chỉ giúp nâng cao chất lượng thịt mà giá thành chăn nuôi cũng rẻ.
Ông Chu Văn Cữu, thôn 5, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng: Các hạng mục trong hợp đồng như bờ rào phải khép kín, hệ thống bảo vệ, phòng bệnh, tránh các tác nhân từ bên ngoài... phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Trên địa bàn có nhiều trang trại hở nên công ty yêu cầu phải khép kín để tránh lây lan dịch bệnh, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Công nhân lao động được ăn, ở tại chỗ, với thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng, nhưng bù lại tính an toàn cho trang trại cao hơn.
Thay vì xây dựng hệ thống chuồng trại hở để tiết kiệm chi phí, khi ký hợp đồng chăn nuôi gia công với doanh nghiệp, ông Chu Văn Cữu ở thôn 5, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín với số tiền 2,5 tỷ đồng. Lao động làm việc cho cơ sở được ăn, ở, sinh hoạt tại chỗ. Chuồng trại luôn duy trì 270C và không bị tác động bởi yếu tố bên ngoài. Chi phí chăn nuôi rất cao nhưng theo ông Cữu, việc tuân thủ chặt chẽ những quy định này đã giúp gia đình ông thu về hơn 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Lượng phân xả thải 20m3/năm, được xử lý đảm bảo nguồn phân bón hữu cơ cho 15 ha cây công nghiệp, cây ăn trái của gia đình.
“Lợi kép” là điều có thể nhận thấy khi chăn nuôi được triển khai theo quy trình khép kín, vận dụng các giải pháp an toàn sinh học. Mô hình được nhân rộng trong giai đoạn hiện nay sẽ giúp giải quyết được bài toán khó về đầu ra cho sản phẩm và ổn định thu nhập cho người nuôi. Đồng thời, vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi heo cũng được xử lý triệt để nhờ tuân thủ quy trình chăn nuôi không xả thải.
Trần Cảnh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.