• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thời tiết bất ổn, đề phòng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 10/06/2022
Ngày cập nhật: 12/6/2022

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xuất hiện một số loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi. Theo ngành chức năng, tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi có xu hướng giảm nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại. Do đó, người chăn nuôi cần quan tâm chăm sóc tốt đàn heo và các loài vật nuôi của gia đình nhằm tránh thiệt hại.

DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI XUẤT HIỆN NHIỀU NƠI

Hiện toàn tỉnh có khoảng 210.000 con heo, 12.900 con trâu, bò, dê và gần 2,9 triệu con gia cầm. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 13.300 con gia súc, gia cầm mắc các loại dịch bệnh. Đáng chú ý, dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại nhiều nơi, có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Gần đây nhất, ngành chức năng đã ghi nhận thêm 6 ổ dịch mới tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình) và xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long). Tổng số heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 47 con với trọng lượng 2.332kg. Bà Lê Thị Quyền - hộ chăn nuôi ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long), cho biết: “Tôi chăm sóc heo rất kỹ, thường xuyên vệ sinh chuồng trại nhưng heo vẫn mắc bệnh. Sau khi phát hiện, tôi đã báo cho chính quyền cùng ngành chức năng tiến hành tiêu hủy với số lượng gần 20 con”.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 75 trường hợp hộ chăn nuôi tại 11 xã thuộc các huyện Hòa Bình, Hồng Dân, Phước Long và Đông Hải có đàn heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi. Số heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 662 con, tổng trọng lượng 50.653kg.

Theo ngành chức năng, heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi có nhiều triệu chứng và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thông thường, thời gian heo ủ bệnh từ 4 - 19 ngày, ở thể cấp tính ủ bệnh 3 - 4 ngày. Khi mắc bệnh, heo bỏ ăn, sụt cân, ủ rũ, sốt đột ngột, sốt rất cao, vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng xuất huyết có màu sẫm xanh tím, tiêu chảy, sảy thai, heo chết nhanh, tỷ lệ chết rất cao…

Phun thuốc sát trùng định kỳ phòng, chống các loại dịch bệnh trên đàn heo nuôi.

CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH

Hiện nay, thời tiết có ảnh hưởng bất lợi cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh nghiêm ngặt và tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm cho vật nuôi đúng quy định; thường xuyên vệ sinh và khử trùng chuồng trại ít nhất 1 lần/tuần. Hạn chế tối đa người ra vào khu vực chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ nguồn nước, đảm bảo nguồn nước sạch; xử lý phân và nước thải chăn nuôi đúng quy trình, không thải phân và chất thải trực tiếp ra môi trường. Diệt các con vật trung gian truyền bệnh như côn trùng, chuột; không nuôi chung gà, vịt trong chuồng, trại nuôi heo. Đặc biệt, khi nghi heo mắc bệnh thì báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, tiến hành tiêu hủy số heo mắc bệnh theo quy định.

Về phía ngành chức năng, tăng cường công tác kiểm dịch ở các trạm kiểm dịch động vật, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đảm bảo, đúng quy trình; phân công trực 24/24 giờ để kiểm tra các xe vận chuyển heo giống, heo thương phẩm ra vào địa bàn tỉnh. Các trường hợp vận chuyển heo không giấy tờ, chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y thì xử lý nghiêm theo quy định...

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi có xu hướng giảm nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại. Ông Lê Văn Đẳng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: “Hiện vắc-xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi mới chỉ tiêm thí điểm ở một số tỉnh, thành, Bạc Liêu chưa được triển khai tiêm thí điểm. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát trên địa bàn tỉnh, chúng tôi khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; kiểm soát chất lượng con giống đầu vào, đặc biệt là triển khai các giải pháp khi có dịch bệnh xảy ra thì kịp thời khoanh vùng dập dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng…”.

MINH CHÂU

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang