Nguồn tin: Báo Nam Định, 08/07/2022
Ngày cập nhật:
11/7/2022
Trong 11 năm đầu tư sản xuất vào con nuôi đặc sản, phải mất hơn 8 năm quyết tâm, ông Nguyễn Văn Thắng (52 tuổi) ở thôn Mỹ Lộc, xã Yên Phương (Ý Yên, Nam Định) mới thuần hoá thành công đàn chồn hoang dã. Từ đấy, bình quân mỗi năm, ông thu về được hơn 1 tỷ đồng từ con nuôi đặc sản này.
Anh Nguyễn Văn Thắng (bên trái) kiểm tra chất lượng chồn hương giống.
Nhắc đến ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn Mỹ Lộc, người dân ở nơi đây không ai là không biết. Bởi ông là người đầu tiên tại địa phương đưa con chồn về nuôi và cũng là người duy nhất thuần hoá, nhân giống thành công con nuôi này tại địa phương. Hiện tại, gia trại nuôi chồn hương của gia đình ông có quy mô lớn nhất tỉnh với tổng đàn hơn 200 con; trong đó, có 60 con mẹ và hơn 190 con hậu bị, thương phẩm. Để có được thành công như ngày nay, hơn 11 năm qua, ông đã vượt qua rất nhiều khó khăn bủa vây, nhưng ông vẫn biết cách đứng dậy và vươn lên thuần hoá con nuôi đặc sản khó tính này. Trao đổi với chúng tôi, ông Thắng cho biết: Chồn hương là loài động vật hoang dã, được sử dụng như một loại dược liệu quý hiếm. Không chỉ vậy chồn hương còn là món ăn đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng. Chồn hương thường có dáng dài thon, lông ngắn xám đen và có khoang màu trên thân, dọc sống lưng có các vết sọc dưa xám đen thành hàng chạy từ vai xuống đến mông, đầu mõm nhọn, chân ngắn, đuôi dài với 7 vòng trắng xen kẽ 7 vòng đen. Ông bén duyên với loài chồn hương từ năm 2011. Lúc đó, ông lặn lội vào tận Nghệ An để tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm nuôi; mua 8 đôi chồn với tổng trị giá 50 triệu đồng để nuôi thử nghiệm. Chỉ 10 ngày sau, đàn chồn bị chết hơn 1 nửa, và “xóa sổ” hoàn toàn trong một thời gian sau đó. “Một số tiền lớn mất đi trong thời gian ngắn, khiến vợ chồng tôi đều rất hụt hẫng”. Mất trắng lứa đầu tiên ông Thắng vẫn tin là mình sẽ nhất định nuôi thành công. Ông tiếp tục bỏ tiền đi mua chồn về nuôi tiếp. Nhưng trớ trêu thay, các năm tiếp theo cũng không khá hơn mấy, đầu tư ra bao nhiêu là thua lỗ bấy nhiêu. “Tôi gần cả đời gắn bó với nghề chăn nuôi, nhưng chưa có con gì mà mất tiền nhanh và nhiều bằng con chồn. Giai đoạn ủ bệnh của chồn chỉ trong vòng 10 ngày, 1-2 ngày phát bệnh là chết ngay, gần như không có thời gian để kiểm nghiệm các loại thuốc chữa. Vì thế, cứ mỗi lứa chồn chết, gia đình tôi bị mất một vài chục triệu, hay tiền trăm triệu là chuyện như cơm bữa. Nhưng đổi lại nếu nuôi thành công thì cũng nhanh giàu, bởi giá chồn hương trên thị trường khá cao. Đây là động lực cho tôi cố gắng thuần hoá, gắn bó với nó”. Bẵng đi hơn 8 năm gây nuôi chồn hương thất bại liên tiếp, tiền mất nhiều không đếm xuể. Thậm chí, ông còn phải bán đất nhà để dồn tiền mua tái đàn chồn; tính theo giá đất hiện hành, ước tính ông Thắng đã mất mấy mảnh đất có giá tiền tỷ vì con chồn.
Sau 8 năm miệt mài phấn đấu, bao nhiêu công sức, tốn bao tiền của nhưng cuối cùng ông Thắng cũng chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Quãng thời gian này, ông rơi vào trạng thái tuyệt vọng, chán nản... không biết có nên nuôi chồn hương tiếp hay không? Đến năm thứ 9, ông đã rút ra những kinh nghiệm “xương máu”, dần ông cũng hiểu ra nguyên nhân dẫn đến thất bại và biết cách khắc phục. Ông tự tin vào bản thân của mình hơn, từ những con chồn còn sót lại và đi mua thêm, ông Thắng quyết tâm gây dựng lại từ đầu. Đàn chồn không còn bị chết hàng loạt như các năm trước; tỷ lệ đẻ, nuôi con thành công ngày càng cao, đạt hơn 80%. Ông Thắng cho biết, ông mới nuôi chồn thành công được khoảng 3 năm nay, bắt đầu cho thu nhập từ năm ngoái. Cuối năm tổng kết lại nuôi chồn hương cũng giúp cho gia đình ông thu nhập vài trăm triệu đồng.
Theo đó, ông đang nuôi hai loại chồn là chồn hương và chồn mốc, đây là hai loại chồn có giá trị kinh tế tương đối cao. Đối với chồn thương phẩm có giá từ 2,3 triệu đến 2,6 triệu đồng/kg tùy theo loại, còn chồn giống khoảng 3 tháng tuổi đạt trọng trọng lượng trên 1kg có giá từ 5-6 triệu đồng/con. Thức ăn của chồn hương chủ yếu là chuối chín và cháo cá, cháo gà thải loại, mỗi ngày cho ăn một lần vào các buổi chiều do tập tính hoang dã, ban ngày chồn thường ngủ, chỉ thức dậy vào tầm chiều và ban đêm để kiếm ăn. Nước uống phải sạch và qua xử lý kỹ. Chồn mẹ một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 3-5 con, mùa sinh sản kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7. Chồn sinh sản cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là canxi, để phòng ngừa chồn mẹ sau khi sinh thiếu chất sẽ ăn con non. Chồn con nuôi khoảng 10-12 tháng là có thể xuất bán thương phẩm hoặc giữ lại nuôi làm chồn sinh sản. Chuồng nuôi chồn là dạng lồng sắt cao khoảng 70cm, rộng từ 1m2 cho đến 5m2 tùy vào số lượng nuôi nhốt, đồng thời được thiết kế cách trên nền từ 1-1,5m để thông thoáng và tiện vệ sinh chuồng trại. Mỗi ô chuồng đều được bố trí rộng rãi giúp chồn có không gian vận động; phải dọn vệ sinh hàng ngày, đảm bảo chuồng luôn sạch, khô, thoáng, tránh ẩm thấp. Chồn khá dễ thích nghi, nhiệt độ dao động từ 8-40 độ C, đều có thể sống tốt. Tuy nhiên, người nuôi cần đặc biệt lưu ý bệnh liên quan đến đường ruột. Khi mới bị mắc bệnh, chồn ít biểu hiện ra bên ngoài, khi bệnh nặng thì triệu chứng mới rõ ràng. Khi chồn đã bị tiêu chảy thì hầu như không thể chữa trị, rất dễ lây lan sang con khác. Vì vậy, ông Thắng phải thường xuyên phòng các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa cho chồn, đặc biệt là thức ăn. Để đảm bảo phòng ngừa bệnh, gia đình ông luôn phối hợp với chặt chẽ với chính quyền địa phương, cán bộ thú y và đăng ký kiểm dịch, kiểm soát động vật hoang dã với Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Năm 2021, gia trại nuôi chồn hương của ông Thắng xuất bán được hơn 100 con giống và 50 con chồn thịt, đem lại thu nhập cho gia đình gần 1 tỷ đồng.
Hiện tại, nhu cầu thị trường tiêu thụ chồn hương rất lớn nên thương lái từ các nơi đã liên hệ đặt mua chồn giống trước 10 tháng nhưng gia đình ông Thắng vẫn không đủ bán. Để đáp ứng nhu cầu mua chồn giống, ông Thắng đang xin cấp phép đầu tư mở rộng quy mô gia trại. Đồng thời, khi đáp ứng được nguồn chồn giống trang trại sẽ mở rộng cung ứng thêm nguồn chồn thịt để tạo sự đa dạng trong đầu ra, tăng thêm thu nhập, thu hút thêm khách hàng gần xa. Có thể khẳng định, mô hình nuôi chồn hương của ông Thắng là mô hình có triển vọng phát triển với chi phí thấp, ít tốn công chăm sóc, đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế cao... cần được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.