• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nam Định: Hỗ trợ người nuôi ong ở Vườn quốc gia Xuân Thủy

Nguồn tin: Báo Nam Định, 12/08/2022
Ngày cập nhật: 14/8/2022

Từ tháng 8-2020 đến tháng 11-2021, Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) triển khai thực hiện dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy”. Dự án nhằm xây dựng cơ chế quản lý, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho các hộ khai thác, kinh doanh và các bên liên quan trong việc quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy”; đồng thời hỗ trợ phát triển thương mại, nâng cao chất lượng cho sản phẩm.

Người nuôi ong ở Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy) kiểm tra chất lượng mật ong sú vẹt.

Nằm ở phía nam cửa sông Hồng, Vườn quốc gia Xuân Thủy đặc trưng cho hệ sinh thái đất ngập nước cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam với diện tích bãi triều lầy có rừng ngập mặn lên tới trên 1.500ha. Hệ sinh thái rừng ngập mặn nơi đây có vai trò to lớn trong việc điều tiết không khí, chống xói lở bãi bồi, ngăn ngừa tác động của thiên tai và đặc biệt là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực. Bên cạnh những giá trị tài nguyên được tạo ra dưới tán rừng thì hàng năm rừng ngập mặn tại khu vực còn mang lại trữ lượng mật ong lớn từ nguồn hoa tự nhiên. Quá trình khai thác mật ong từ rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy xuất hiện từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX. Cứ vào đầu tháng 4 đến cuối tháng 7 hàng năm, các chủ thể nuôi ong di chuyển đàn ong của mình đến sát bìa rừng ngập mặn để thuận tiện cho việc khai thác mật. Trong đó, từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7 là thời điểm hoa vẹt nở rộ nhất tại khu vực nên chất lượng mật ong sẽ đảm bảo, mật ngon hơn, đặc hơn, thơm hơn, để lâu không bị xuống màu và không bị thâm, đen. Ban đầu do hệ thống giao thông tại khu vực còn nhiều khó khăn cộng với việc mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy chưa được người tiêu dùng quan tâm nên chỉ có một vài hộ tham gia khai thác mật với khoảng trên dưới 100 thùng. Sản lượng mật ong trong một vụ chỉ đạt khoảng trên dưới 1 tấn. Sản phẩm mật ong khai thác ban đầu chủ yếu để các hộ nuôi ong sử dụng hoặc bán lại cho các hộ dân tại khu vực. Theo thời gian, khi hệ thống giao thông đã được kiên cố hóa, việc đi lại thuận tiện kết hợp với việc phát triển hoạt động du lịch sinh thái tại khu vực nên sản phẩm mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy đã được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, được các tổ chức, cá nhân thu mua để cung cấp ra thị trường. Số liệu thống kê của Vườn quốc gia Xuân Thủy cho thấy từ năm 2016 đến năm 2019, số lượng đàn ong tại khu vực đã tăng từ 2.000 đàn lên tới trên 4.500 đàn. Sản lượng mật thu được trung bình hàng năm khoảng 70 đến 80 tấn. Hiện tại có trên 20 hộ tham gia, trung bình 200-300 đàn/hộ. Anh Bùi Văn Bắc, quê xã Hải Vân (Hải Hậu) là người đã nhiều năm gắn bó với nghề nuôi ong cho biết, vụ hoa Sú Vẹt năm nay, anh đưa 300 đàn ong về Vườn quốc gia Xuân Thủy. Cứ 10 ngày quay mật 1 lần, cả mùa hoa, anh thu được khoảng 8 tấn mật.

Mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy thường có độ đường đạt 62,2mg/kg, hàm lượng nước từ 25% đến 28%. So với các loại mật ong khác trên thị trường thì hàm lượng nước trong mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy là quá cao so với tiêu chuẩn xuất khẩu cũng như nhu cầu tiêu dùng truyền thống tại Việt Nam. Tuy nhiên, do được khai thác hoàn toàn từ nguồn hoa tự nhiên nên Mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy có ưu điểm vượt trội là thơm, chứa nhiều dưỡng chất, vitamin tự nhiên và không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy khi sử dụng kết hợp với các dược liệu khác như chanh đào, nghệ tươi, tỏi, gừng... có tác dụng rất lớn trong việc chữa các bệnh liên quan tới đường hô hấp, dạ dày, đại tràng và có tác dụng trong việc làm đẹp...

Trước tiềm năng phát triển của sinh kế nuôi ong lấy mật từ rừng ngập mặn trong khu vực, đồng thời nhận diện được những nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của sản phẩm, năm 2014 dưới sự hỗ trợ của Quỹ Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF), Vườn quốc gia Xuân Thủy đã thúc đẩy chương trình xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy. Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận ngày 6-9-2016. Đây là loại nhãn hiệu thông thường mới mang tính chất nhận diện hàng hóa. Việc Vườn quốc gia Xuân Thủy xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy bước đầu góp phần khẳng định một phần giá trị sản phẩm, người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn. Tuy nhiên quá trình quản lý, sử dụng nhãn hiệu thông thường này còn có những khó khăn, bất cập như: Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chưa cụ thể, rõ ràng nên việc chia sẻ quyền sở hữu cho các tổ chức, cá nhân khai thác và kinh doanh mật ong trên địa bàn còn hạn chế. Chỉ có một lượng nhỏ sản phẩm đã được Ban quản lý Vườn quốc gia kiểm định được gắn nhãn mác “Mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy”; cộng đồng địa phương và các tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan chưa thực hiện được việc dán nhãn sản phẩm. Cùng với đó, vào mùa hoa sú, hoa vẹt các chủ thể nuôi ong di chuyển đàn ong của mình đến sát bìa rừng ngập mặn Vườn quốc gia Xuân Thủy để khai thác mật. Hoạt động này diễn ra thường xuyên hàng năm và đa phần mang tính chất tự phát, chưa có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong khu vực; các chủ ong khai thác mật theo kinh nghiệm do chưa có quy trình khai thác mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy chuẩn được xây dựng và ban hành.

Những năm gần đây, nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy tăng cao. Lợi dụng điều này, một số người nuôi ong trong khu vực đã pha trộn, không tuân thủ đầy đủ các quy định về cấp và thu hồi nhãn hiệu làm ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy. Quá trình này tiếp diễn dự báo nguy cơ phát triển không bền vững, tác động tiêu cực đến những lợi thế phát triển của địa phương và khu vực. Ngoài ra, với quy trình hiện nay, sản phẩm mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy mới chỉ dừng ở mức sơ chế. Các hộ kinh doanh sau khi thu mua mật ong từ các chủ thể khai thác mật ong tại khu vực chỉ cần sang, chiết vào các chai, can có thể tích nhỏ hơn là có thể cung cấp đến tay người tiêu dùng. Điều này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới chất lượng và thời gian bảo quản mật ong, chưa phát huy được hết giá trị sử dụng cũng như giá trị gia tăng về mặt kinh tế của sản phẩm. Chính vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy” sẽ góp phần khẳng định các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của sản phẩm. Điều này cũng góp phần nâng cao giá trị, tính cạnh tranh trên thị trường đối với sản phẩm “Mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy”. Mặt khác, việc xây dựng, hoàn thiện các quy trình khai thác, chế biến, đa dạng hóa mẫu mã, bao bì sản phẩm, phát triển thương hiệu và hạ thủy phần sẽ góp phần đưa sản phẩm “Mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy” tiến ra các thị trường lớn trong nước và quốc tế.

Từ việc triển khai thực hiện dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy”, các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, sản xuất, kinh doanh mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy được tham gia vào toàn bộ các hoạt động của dự án như: Cung cấp thông tin về thực trạng, tham gia góp ý hoàn thiện các quy định có liên quan về quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, tham gia xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, tham gia các lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận... Đây cũng chính là các đối tượng được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy” để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm mật ong do họ sản xuất ra./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang