Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 17/01/2022
Ngày cập nhật:
19/1/2022
Còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thời điểm này, các nông hộ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung chăm sóc đàn gia cầm để cung cấp cho thị trường Tết sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Anh Nguyễn Ngọc Điệp, thôn Quảng Giao, xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) là một trong những người nuôi gà trống thiến có nhiều kinh nghiệm, đạt hiệu quả cao.
Sau khi xuất bán lứa vịt thứ tư vào tháng 11/2021, gia đình chị Lê Thị Thi, ấp 1, xã Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc) vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng tiếp tục thả nuôi 2.500 vịt thịt trên sàn lưới phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Theo chị Thi, bên cạnh cách nuôi vịt truyền thống như chăn thả trên đồng hay ao hồ, hiện nay nông dân còn áp dụng những hình thức chăn nuôi mới giúp bảo đảm vệ sinh môi trường, tăng năng suất, hạn chế dịch bệnh.
“Gia đình tôi bắt đầu nuôi vịt theo mô hình này từ năm 2018, mỗi năm nuôi được từ 5 – 6 lứa, mỗi lứa khoảng 2.500 con. Vịt được đưa từ trại giống đưa về nuôi đã được tiêm ngừa đầy đủ, nuôi trên sàn lưới nên tỉ lệ hao hụt thấp, chuồng trại sạch nên hầu như chẳng bị bệnh tật gì, nuôi khoảng 50 ngày, trọng lượng bình quân mỗi con khi xuất chuồng đạt từ 3-3,3kg. Giá bán vịt cho thương lái hiện nay 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, tôi thu lãi 25.000 đồng/con vịt. Mặc dù gia cầm được nuôi quanh năm thế nhưng tôi chú trọng nhất vào dịp Tết, bởi đây là thời điểm bán được giá nhất trong năm”, chị Thi chia sẻ.
Theo ông Trần Phú Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hưng, hiện đàn gia cầm của xã có số lượng gần 33.000 con. Để việc tái đàn, tăng đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán đạt hiệu quả kinh tế cao, UBND xã đã tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi nâng cao ý thức việc chăm sóc, bảo đảm chất lượng đàn gà, đàn vịt; chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường chăn nuôi, áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn để đàn gia cầm sinh trưởng và phát triển tốt; đồng thời, phát triển quy mô nuôi để đáp ứng yêu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Châu Đức là một trong những huyện phát triển chăn nuôi gia cầm mạnh trên địa bàn tỉnh, hiện toàn huyện có tổng đàn gà, vịt thịt hơn 800.000 con. Bên cạnh các trang trại chăn nuôi gà thịt quy mô lớn, nhiều hộ nông dân trong huyện cũng đẩy mạnh chăm sóc gà ta thả vườn, gà trống thiến để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết.
Với gần 10 năm kinh nghiệm nuôi gà trống thiến, anh Nguyễn Ngọc Điệp (SN 1980), thôn Quảng Giao, xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) cho biết, hằng năm, anh đều duy trì khoảng 600 con gà trống thiến phục vụ cho dịp Tết, bởi đây là thời điểm nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao. Nhưng năm nay, tình hình dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp nên anh chỉ chăm sóc hơn 300 con gà trống thiến. So với nuôi gà ta thả vườn thông thường, việc nuôi gà trống thiến ít tốn công chăm sóc, giảm bớt các chi phí về phòng, chống dịch bệnh do gà thiến thường có sức đề kháng cao.
“Cái khó nhất khi nuôi gà trống thiến là khâu tuyển chọn gà để thiến. Gà cần đảm bảo khỏe, đẹp mã, chân không bị tật, lông óng mượt, mào đẹp…Khâu này chủ yếu lựa chọn bằng cảm quan và kinh nghiệm của người nuôi. Gà trống khoảng 2kg thì có thể thiến được, nuôi khoảng 4 – 5 tháng thì xuất chuồng. Để thịt gà săn chắc, da vàng óng và chất lượng thịt cao hơn so với gà thịt thông thường, mỗi ngày phải cho gà ăn bắp, rau xanh các loại”, anh Điệp chia sẻ thêm.
Anh Vũ Đình Ngọc, ấp 1, xã Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc) vệ sinh chuồng trại mỗi ngày để lứa vịt phát triển tốt, xuất bán trước Tết Nguyên đán.
Được biết, hiện giá gà trống thiến bán tại trại của anh Điệp là 150.000 đồng/kg (mỗi con gà có trọng lượng từ 4 – 5,5kg), sau khi trừ các khoản chi phí, anh thu lãi 150.000 đồng/con.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, cuối năm là thời điểm hầu hết các hộ chăn nuôi tổ chức tái đàn, tăng đàn, nên công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được chú trọng. Đây cũng là thời điểm người chăn nuôi chịu nhiều rủi ro do những tác động bất lợi của thời tiết. Bởi đây là thời điểm giao mùa, nắng, mưa xen kẽ, kết hợp với các đợt không khí lạnh nên đàn gia cầm không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm, tạo cơ hội để dịch bệnh phát triển, nhất là cúm gia cầm.
“Ngành nông nghiệp huyện đã và đang phối hợp với Trạm Chăn nuôi - Thú y tỉnh và Hội Nông dân các cấp tăng cường thông tin, tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi chủ động chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm. Cùng đó, hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêm phòng cho gia cầm và khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trong việc áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Khuyến cáo người dân không tái đàn, tăng đàn ồ ạt mà giữ ở mức độ phù hợp với quy mô chuồng trại, bảo đảm chăn nuôi đạt hiệu quả cao, nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”, ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết.
ĐINH HÙNG - NGUYỄN THẮNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.