• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Ninh: Phát triển chăn nuôi hàng hóa

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 16/08/2022
Ngày cập nhật: 19/8/2022

Trong bối cảnh giá thức ăn, thuốc thú y và vật tư phục vụ chăn nuôi tăng cao; giá bán các sản phẩm chăn nuôi không ổn định; dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp; tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong dân cư... khiến người chăn nuôi chưa thực sự tạo được giá trị kinh tế cao và bền vững. Phát triển chăn nuôi theo quy trình sản xuất tốt và tương đương, ưu tiên các nhóm sản phẩm chủ lực là hướng đi trọng tâm trong giai đoạn mới, nhằm tạo giá trị sản xuất hàng hóa, chiếm vị trí mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi công nghiệp tạo giá trị hàng hóa cao.

Chăn nuôi được xác định là lĩnh vực chiến lược trong sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm các nhu cầu thiết yếu về thực phẩm cho thị trường trong tỉnh và một số khu vực lân cận, tiến tới xuất khẩu. Ngành nông nghiệp xác định rõ sản phẩm chăn nuôi chủ lực là lợn giống, gà giống, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm; ổn định đàn trâu, bò để có định hướng phát triển bền vững. Theo đó, tiếp tục nuôi giữ và phát triển đàn vật nuôi bản địa, đặc sản có giá trị cao, theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và dịch bệnh; đẩy mạnh chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn; khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ; khai thác có hiệu quả các vùng chăn nuôi tập trung hiện có, tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại ngoài khu dân cư theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc thú y và các chất phụ gia trong chăn nuôi, chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Thúc đẩy phát triển lĩnh vực sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hạn chế sử dụng hóa chất trong chăn nuôi; nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi sử dụng thức ăn tự nghiền, phối trộn hạn chế nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giảm đáng kể chi phí đầu vào. Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi cho nhu cầu trồng trọt, sản xuất năng lượng tái tạo,… hướng đến các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh khẳng định: Một nền nông nghiệp thông minh đang được hình thành, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng mạnh mẽ, tạo năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường, đòi hỏi ngành chăn nuôi phải đổi mới, linh hoạt, năng động để trở thành ngành sản xuất hàng hóa thực sự. Hiện nay, tổng giá trị sản xuất chăn nuôi đạt khoảng hơn 3.000 tỷ/ năm; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 90.000 tấn/năm; tổng đàn lợn khoảng hơn 300.000 con; 5, 7 triệu con gia cầm; 28.000 - 29.000 con gia súc, gia cầm.

Ngành chăn nuôi nỗ lực duy trì phát triển ổn định đàn vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nhằm nâng cao nâng suất, chất lượng sản phẩm. Khai thác tối đa các chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển chăn nuôi để hình thành các vùng chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng kết nối chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chủ động ứng phó và kiểm soát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi; gắn sản xuất với nhu cầu tiêu dùng thị trường để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá.

Toàn tỉnh hiện có 72 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín có hệ thống làm mát, máng ăn, uống tự động; nhiều cơ sở chăn nuôi lớn đầu tư công nghệ tự động hóa, công nghệ di truyền, công nghệ sinh học vào sản xuất, nhất là trong quá trình lai tạo giống, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, giảm chi phí lao động thủ công, nâng cao mật độ chăn nuôi trên một đơn vị diện tích và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn... góp phần đưa tỷ trọng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng hơn 40% tổng giá trị sản xuất chăn nuôi.

Để sản xuất chăn nuôi chiếm khoảng 48% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tỉnh đang quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, ổn định thị trường đầu ra cho người sản xuất; ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới về nhân giống, công nghệ chuồng nuôi thông minh, công nghệ 4.0 trong quản lý các trại giống; áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, hữu cơ trong phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Những giải pháp khoa học sẽ là tiền đề cho chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững.

Hoài Anh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang