Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 18/01/2022
Ngày cập nhật:
19/1/2022
Từng làm nhiều nghề để có thu nhập ổn định, khi đã có "của ăn, của để", anh Nguyễn Quang Đạt, thôn Đoàn Kết, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) trở lại với nông nghiệp để "khởi nghiệp". Mạnh dạn đầu tư "tiền tỷ" để nuôi gà đẻ trong chuồng lạnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào chăn nuôi..., anh Đạt đã trở thành tấm gương vượt khó, vươn lên làm giàu điển hình ở địa phương.
Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Quang Đạt mỗi năm mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng
Nhắc tới anh Nguyễn Quang Đạt, người dân thôn Đoàn Kết không ai xa lạ với khu trang trại chăn nuôi lợn, gà được đầu tư quy mô, to, rộng nhất thôn. Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lại đông anh em, ngay từ nhỏ anh đã tự lập, không ngại khó, ngại khổ với mong muốn tương lai có cuộc sống tốt đẹp.
Năm 2003, sau khi lập gia đình, anh bàn với vợ kinh doanh đồ điện tử, chăn nuôi thêm gà đẻ với diện tích mặt bằng khoảng 1.000m2.
Bên cạnh công việc kinh doanh, để có kiến thức trong chăn nuôi gà, anh Đạt dành nhiều thời gian đi thăm quan học hỏi các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Đồng thời, tìm đọc nhiều loại sách báo, lên mạng Internet để tìm kiếm thông tin. Khi có được kiến thức, cũng là lúc anh Đạt nhận thấy nuôi gà ứng dụng công nghệ cao sẽ là hướng đi đúng đắn cho người nông dân.
Năm 2017, với số tiền tích lũy được sau thời gian dài kinh doanh hàng điện tử, anh chuyển sang đầu tư mô hình nuôi gà lấy trứng và lợn theo hình thức khép kín.
Với chi phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, đến nay tổng diện tích trang trại của gia đình anh đã mở rộng lên đến gần 16.000m2, nuôi 45.000 gà đẻ, mỗi ngày xuất bán từ 25.000 - 30.000 trứng, cùng đàn lợn thường xuyên duy trì 200 con lợn nái và khoảng 3.500 con lợn thịt xuất bán mỗi năm.
Mô hình chăn nuôi của gia đình anh hiện đang tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.
Thăm quan khu vực chuồng nuôi của gia đình, từng lồng nuôi gà đẻ được đặt cách mặt đất ít nhất 1m giúp đảm bảo an toàn dịch bệnh; được trang bị quạt đối lưu nên không khí trong chuồng nuôi rất thông thoáng; hệ thống máng dẫn thức ăn, dẫn nước uống và làm mát tự động,... giúp tiết kiệm nhân lực lao động.
Điểm đặc biệt ở mô hình này là ứng dụng 100% chế phẩm sinh học vào chăn nuôi, hoàn toàn không sử dụng kháng sinh và chất kích thích tăng trưởng trong thức ăn cho đàn vật nuôi. Vì vậy, vừa qua mô hình chăn nuôi gà của gia đình anh đã được Sở NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận sản phẩm VietGap đối với trứng gà.
Để có được thành công như hôm nay, anh Đạt cho rằng đó là kết quả sau những lần thất bại và sự tự tìm tòi học hỏi không ngừng.
Anh Đạt chia sẻ: "Nhiều người hỏi vì sao tôi lại lựa chọn quay lại với nông nghiệp khi kinh doanh đồ điện tử đang vững vàng, ổn định; làm nông nghiệp thì vất vả, lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo "được mùa mất giá..., với tôi đó là niềm đam mê.
Vì thế, dù thời gian đầu khó khăn vô cùng nhưng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc. Tôi sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi của gia đình lên hơn 20.000 m2 và tiếp tục tăng đàn để tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Đồng thời, tích cực áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; đăng ký mã vạch, mã QR để cung ứng sản phẩm vào các chuỗi siêu thị, phù hợp với xu thế chuyển đổi số của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay".
Ông Chu Đức Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạo Tú nhận xét: Điều đáng ghi nhận ở anh Nguyễn Quang Đạt là đức tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm. Anh luôn tìm tòi học hỏi, áp dụng những kiến thức đã học và nắm bắt nhu cầu của thị trường cùng điều kiện về đất đai, thiên nhiên ở địa phương để lựa chọn phát triển mô hình kinh tế phù hợp.
Anh còn sẵn sàng trợ giúp về kỹ thuật, hướng dẫn cách thức chăn nuôi an toàn sinh học cho bà con nhân dân ứng dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình mình để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bài, ảnh: Ngọc Lan
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.