Nguồn tin: Báo Nam Định, 29/08/2022
Ngày cập nhật:
2/9/2022
Trải qua nhiều thất bại, đến nay ông Lê Văn Cần, thôn Bóng, xã Yên Thọ (Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã xây dựng thành công trang trại tổng hợp quy mô hơn 2ha, lợi nhuận hàng năm đạt 1,7 tỷ đồng. Năm 2021, ông Cần vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã phát triển thành công mô hình sản xuất kinh doanh ổn định, hiệu quả; không chỉ vươn lên làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trang trại tổng hợp của ông Lê Văn Cần, xã Yên Thọ (Ý Yên) mỗi năm cho lợi nhuận 1,7 tỷ đồng, tạo việc làm cho gia đình và 4 lao động địa phương.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại vùng quê chiêm trũng, thuần nông phía bắc huyện Ý Yên, ông Cần luôn ấp ủ ước mơ làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Năm 1988, ông đã vay Ngân hàng NN và PTNT Chi nhánh huyện Ý Yên 30 triệu đồng cùng với số vốn của gia đình để “hiện thực hóa” ước mơ của mình. Sau thời gian đầu nuôi lợn thịt với quy mô 10 con/lứa phát triển ổn định và cho thu nhập khá, ông chuyển sang nuôi lợn nái ngoại và dần tăng đàn, phát triển quy mô sản xuất lên 3 con lợn đực giống, 130 con lợn nái ngoại, 100 con lợn thịt. Tuy nhiên “đời không như mơ”, đang “xuôi chèo mát mái” thì việc làm ăn của ông gặp “cú sốc” dịch tai xanh. Đầu năm 2007, đàn lợn của ông bị mắc bệnh buộc phải tiêu hủy toàn bộ, ước tính thiệt hại hơn 300 triệu đồng (!). “Tôi bị sốc nặng, cảm giác như rơi xuống vực thẳm. Cả gia tài tích lũy trong gần 20 năm bị dịch bệnh mất trắng trong chớp mắt”, ông Cần hồi tưởng lại. Giữa lúc muốn gục ngã vì thất bại, được sự động viên của chính quyền địa phương và người thân, ông cùng các thành viên trong gia đình quyết tâm “giành lại những gì đã mất”. Mỗi người một việc lao vào làm để vượt qua nỗi buồn; người thì vệ sinh chuồng trại, người thì phun thuốc khử trùng... Đến giữa năm 2007, ông bắt đầu tái đàn lợn trở lại. Sau cú vấp, ông đặc biệt chú trọng áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên dần dần cơ sở chăn nuôi đi vào hoạt động ổn định và phát triển; thu nhập từ chăn nuôi giúp gia đình ông dần trả hết nợ.
Nhờ chính sách khuyến khích phát triển sản xuất và chủ trương chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém năng suất sang phát triển các loại cây, con có giá trị kinh tế cao, được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, năm 2015 ông Cần đã thuê lại 2,1ha đất ruộng kém hiệu quả ở khu vực Đình Kênh, xã Yên Thọ để đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi tổng hợp khép kín: nuôi lợn, trồng cây và đào ao thả cá. Toàn bộ trang trại lợn rộng hơn 1,3ha được xây theo công nghệ chuồng kín có quạt thông gió điều hòa tiểu khí hậu chuồng nuôi, duy trì thường xuyên 4 con lợn đực giống, 100 con lợn lái, 400 con lợn thịt và 300 con lợn con. Cùng với nuôi lợn, ông đã xây dựng vườn cây 1.500m2 với 200 cây bưởi, 150 cây mít, 1.000 cây đinh lăng và 5.000m2 ao nuôi thả các loại cá truyền thống như chép, trôi, trắm, mè… Mọi việc trôi chảy ngỡ tưởng sắp “đổi đời” thì cơn “bão giá” cuối năm 2016, đầu năm 2017 lại một lần nữa đẩy gia đình ông đối mặt nguy cơ phá sản. “Lúc đó, giá lợn hơi lao dốc không phanh, chỉ còn 15-17 nghìn đồng/kg. Tôi thật sự “tiến thoái lưỡng nan”, bán thì lỗ mà giữ lại nuôi thì lợn ngày càng to, ăn càng nhiều khiến mức lỗ càng sâu hơn. Sau vụ đó tôi cũng bị “âm” tới hơn 2 tỷ đồng”, ông Cần nhớ lại!
Từng trải qua những thất bại lớn nên lần này suy nghĩ của ông cũng tích cực hơn. Nhiều năm làm ăn luôn giữ chữ tín, “lý lịch” tín dụng đẹp nên năm 2018 ông Cần tiếp tục được vay vốn để đầu tư tái đàn trở lại sau khi giá lợn hơi trên thị trường có chiều hướng tăng nhẹ. Để đảm bảo an toàn cho đàn lợn, ông đã áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng khuyến cáo và hướng dẫn của Ban Nông nghiệp xã. Trong quá trình chăn nuôi, ông ứng dụng khoa học kỹ thuật mới đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, giảm chi phí sản xuất. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi “tấn công” nhiều cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh khiến nhiều hộ điêu đứng song trang trại của ông Cần vẫn “sống khỏe” nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, giúp ông gỡ lại vốn, trả các khoản nợ.
Ông Cần cho biết: hiện nay, trang trại đang chăn nuôi lợn theo mô hình chuồng kín, thực hiện nghiêm quy tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” kiểm soát chặt chẽ các hoạt động ra vào tiếp xúc với khu vực chăn nuôi nên ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ dịch bệnh tấn công. Toàn bộ hệ thống máng ăn, vòi uống nước đều tự động, đảm bảo nhu cầu ăn uống của đàn lợn. Đặc biệt, lợn được chăn nuôi theo công nghệ sinh học, không sử dụng chất kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi nên sức đề kháng tốt, chất lượng thịt thơm, ngon. Một bí quyết để trang trại “tránh” được dịch bệnh đó là đàn lợn luôn được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin. Tính từ thời điểm nhập con giống đến lúc xuất chuồng, mỗi con lợn sẽ được tiêm khoảng 8 mũi vắc-xin. Ngoài ra, trang trại thường xuyên phun thuốc khử trùng phòng chống bệnh dịch; một tháng phun 4 lần trong chuồng nuôi và 2 lần bên ngoài trang trại. Năm 2018, trang trại chăn nuôi lợn của ông Cần được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAHP. Hiện tại, trang trại đang liên kết với HTX Thanh niên Tân Tiến, xã Yên Tân (Ý Yên) để tiêu thụ lợn thịt, cung cấp sản phẩm thịt sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Lợn sau khi giết mổ được lấy mẫu thường xuyên để đưa đi kiểm định chất lượng. Ngoài hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, ông còn tận dụng diện tích để đào ao thả cá. Trang trại lớn, ông luôn phải nhập nhiều thức ăn chăn nuôi nên ông kết hợp kinh doanh thức ăn chăn nuôi để nhập hàng với giá tốt bán cho người chăn nuôi nhỏ trên địa bàn. Theo ông Cần, mỗi năm trang trại xuất bán ra thị trường 80 tấn thịt lợn, 250 tấn thức ăn chăn nuôi, 5 tấn cá cùng các loại quả mít, bưởi, nhãn… Cộng vào, doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh mỗi năm của trang trại đạt 1,7 tỷ đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với người dân vùng nông thôn. Trang trại của ông Cần còn tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập cơ bản là 4,5-7 triệu đồng/người/tháng và hỗ trợ chi phí ăn uống, sinh hoạt, có thưởng theo hiệu quả công việc hàng tháng. Người lao động ở trang trại đều được trang bị quần áo bảo hộ, có khu vực sinh hoạt cách xa khu chăn nuôi, đảm bảo sức khỏe. Không chỉ phát triển sản xuất tại trang trại của gia đình, ông Cần còn tư vấn trực tiếp cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn về kỹ thuật như chọn con giống, thức ăn, khẩu phần ăn và các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Với các hộ gặp khó khăn về vốn, ông Cần giúp đỡ về chi phí mua thức ăn chăn nuôi theo phương thức trả chậm không tính lãi. “Thời gian tới, trang trại sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để có chỗ đứng vững trên thị trường. Đồng thời, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận...”, ông Lê Văn Cần chia sẻ.
Không ngừng nỗ lực, không đầu hàng trước khó khăn, ông Cần đã gặt hái được nhiều mùa “quả ngọt”, được tặng nhiều Bằng khen của các cấp trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, năm nay, ông Cần được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là Nông dân xuất sắc năm 2022./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.