• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển chăn nuôi theo lối ‘làm ăn lớn’

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 19/09/2022
Ngày cập nhật: 20/9/2022

Chăn nuôi theo quy mô trang trại giúp gia đình ông Đàm Văn Thủy (xóm Đồi Chè, xã Cổ Lũng) thu được hiệu quả kinh tế cao hơn.

Những năm gần đây, số mô hình chăn nuôi nông hộ với quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đang có xu hướng giảm dần. Thay vào đó là sự phát triển nhanh của các trang trại chăn nuôi có quy mô từ nhỏ đến lớn. Đây là xu hướng tích cực, góp phần phát triển ngành Chăn nuôi địa phương theo hướng bền vững.

Năm 2015, ông Đàm Văn Thủy, ở xóm Đồi Chè, xã Cổ Lũng, bắt đầu xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gà với quy mô khoảng 500 con. Sau một thời gian, nhận thấy những hạn chế của việc chăn nuôi nhỏ lẻ nên từ năm 2019, ông đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi lên gần 4.000 con gà/lứa.

Ông Thủy chia sẻ: Khi chuyển sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, tôi thấy thuận lợi hơn nhiều. Giờ đây, tôi có thể nhập thức ăn, con giống, thuốc thú y trực tiếp từ các công ty với giá thành rẻ hơn so với mua tại cửa hàng, đại lý nhỏ lẻ như trước. Hằng năm, tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi; được hỗ trợ chế phẩm sinh học để xử lý chuồng trại, làm hồ sơ chứng nhận chăn nuôi theo quy trình VietGAHP. Từ đó, tôi đã có thêm kiến thức về phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ngoài ra, khi tổng đàn tăng, tôi không cần phải chở con gà ra chợ bán vì đã có thương lái đến tận nơi thu mua với số lượng lớn. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi ngày càng cao. Trung bình mỗi năm, tôi xuất bàn 4 lứa gà, mỗi lứa khoảng 4.000 con, lợi nhuận thu được đạt gần 100 triệu đồng/lứa.

Không chỉ hộ ông Thủy, những năm gần đây, thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn khoa học kỹ thuật và kiến thức đầu tư phát triển kinh tế, tư duy sản xuất của các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Lương đã dần thay đổi.

Cụ thể, giai đoạn 2017-2022, huyện đã tổ chức và phối hợp tổ chức trên 100 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi; tuyên truyền về quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi…

Bên cạnh đó, huyện Phú Lương cũng phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn các trang trại làm hồ sơ chứng nhận chăn nuôi theo quy trình VietGAHP; thực hiện các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Nhờ đó, tính từ năm 2020 đến nay, toàn huyện có 9 trang trại chăn nuôi được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cấp giấy chứng nhận VietGAHP.

Trên địa bàn huyện còn có 165 cơ sở chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm (tăng 56 cơ sở so với năm 2020). Hiện, Phú Lương có 254 trang trại chăn nuôi tập trung (tăng 26 trang trại so với năm 2020). Trung bình mỗi trang trại giải quyết việc làm cho 2-3 lao động.

Việc chuyển dịch theo xu hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại đã đáp ứng đúng định hướng phát triển ngành Chăn nuôi của huyện Phú Lương. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ chăn nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Năm 2021, giá trị sản xuất ngành Chăn nuôi của huyện đạt 471,3 tỷ đồng (tăng 149,3 tỷ đồng so với năm 2015); tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 10.912 tấn (tăng 1.687 tấn so với năm 2015). Bên cạnh hiệu quả kinh tế, việc phát triển các trang trại còn giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi.

Ông Lương Xuân An, Phó Chủ tịch UBND xã Phấn Mễ, cho hay: Trước đây, tình trạng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xả nước thải ra đường, vứt xác động vật bừa bãi thường xuyên xảy ra tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết trang trại trên địa bàn đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải tiên tiến, tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi đã giảm khoảng 60%.

Nói về định hướng phát triển chăn nuôi của địa phương, ông Ma Tiến Kốp, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; kiểm tra và đôn đốc các trang trại chăn nuôi xây dựng và duy trì vận hành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn; chú trọng xây dựng một số mô hình trang trại điểm về ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo chuỗi giá trị…

Phan Trang

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang