Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 26/09/2022
Ngày cập nhật:
28/9/2022
Để đàn gà khỏe mạnh, ông Vũ Văn Quang luôn coi trọng chất lượng dinh dưỡng và công tác phòng bệnh.
Về xã Nam Hòa (Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), hỏi đường đến nhà ông Vũ Văn Quang, xóm Bờ Suối, tôi được một số bà con nói vui: Anh phải hỏi là tìm nhà ông "Quang gà". Sở dĩ ông Quang có cái tên này là bởi gần 15 năm nay, gia đình ông nuôi gà trang trại, giàu lên nhờ nuôi gà. Không chỉ vậy, nhiều bà con trong vùng được ông giúp vốn liếng, kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi gà cũng đã thoát nghèo bền vững.
Sở hữu hơn 6.000m2 đất sản xuất, nhưng nhiều năm trước đây, gia đình ông Quang phải lận đận sống cảnh khó nghèo. Dù chăm chỉ làm lụng, có kinh nghiệm cấy trồng, chăn nuôi, nhưng sản phẩm gia đình thu được hằng năm chỉ đủ chi dùng đến ngày giáp vụ.
Nghĩ lung lắm, ông “khăn gói quả mướp” đến tham quan một số mô hình làm kinh tế giỏi trong vùng. Đến đâu, ông cũng được chủ hộ chia sẻ nhiệt tình, thậm chí sẵn sàng hỗ trợ vốn vay không lấy lãi, kinh nghiệm sản xuất và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Ông bảo: Mô hình kinh tế nào cũng hay, nhưng tôi quyết định đầu tư theo hướng phát triển chăn nuôi gà trang trại và nuôi bò thương phẩm.
Năm 2007, ông Quang chính thức khởi nghiệp bằng cách nhận chăn nuôi gia công gà lông màu cho một công ty ở Hà Nội, với quy mô 8.000 con/lứa, nuôi 70 ngày được xuất trại. Vì nuôi gia công, nên con giống, cám chăn, thuốc phòng bệnh đều do công ty cấp. Đến kỳ xuất chuồng, công ty thu mua lại toàn bộ sản phẩm, ông Quang lãi tiền công 5.000 đồng/con. 1 năm nuôi 4 lứa, ông thu lãi 160 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi gần chục con bò, cứ vỗ béo, bán đi sẽ lãi gần 100 triệu đồng/năm.
Sau 3 năm chăn gà gia công, trải nghiệm thực tế với 12 lứa gà, ông Quang thấy mình đủ năng lực để tự đứng độc lập. Từ năm 2010, ông xây dựng, cải tạo, mở rộng chuồng trại, đầu tư chăn nuôi 10.000 con/lứa. Vẫn là gà lông màu, song là giống gà nuôi đủ 120 ngày mới xuất bán. Vì tự làm, tự lo, nên ông chủ động được toàn bộ quy trình chăn nuôi, từ khâu lựa chọn giống, thuốc tiêm phòng, cám, cách chăn và lựa chọn đối tác để bán sản phẩm. Do có kỹ thuật, kinh nghiệm, đàn gà ông nuôi không bị dịch bệnh, lớn mau, lứa nào cũng mang lại cho ông lợi nhuận từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/con.
Ông Quang tâm sự: 12 năm nay, công việc chăn nuôi gà cũng có lúc thăng, lúc trầm theo “thời tiết” thị trường. Nhưng cả lúc gà mất giá, tôi vẫn có lãi hàng trăm triệu đồng/lứa. Để giảm chi phí đầu vào, tôi mở thêm cửa hàng dịch vụ cung cấp thức ăn chăn nuôi phục vụ cho một số trang trại tại địa phương. Đồng thời, tôi tích cực vận động bà con trong vùng đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà thương phẩm, tạo vùng hàng hóa, cùng xây dựng thương hiệu “Gà Bờ Suối”.
Cùng với chăn nuôi gà trang trại, ông Quang dành một khu đất rộng hơn 2.000m2 để trồng cỏ voi, cỏ ngọt làm thức ăn cho bò. Ông cũng chuyển từ nuôi bò ta sang đầu tư nuôi 15 con bò BBB/lứa từ 5 năm trở lại đây. Ông nói vô tư: Bò bán 1 con thì mua bổ sung 1 con, cứ như thế tôi có thêm tiền tích lũy để mở rộng sản xuất, “tậu” thêm đất đai. Mới rồi, tôi bỏ ra vài tỷ đồng để mua thêm 2 lô đất ở TP. Thái Nguyên. Sau này khi có điều kiện, tôi sẽ mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm gà, bò xóm Bờ Suối.
Để duy trì công việc chăn nuôi của gia đình, ông thuê 7 nhân công làm việc thường xuyên, với thu nhập 5-8 triệu đồng/người/tháng. Lúc cao điểm, ông thuê thêm 5 lao động thời vụ. Các công đoạn phục vụ chăn nuôi đều có máy móc, phương tiện hỗ trợ. Ông Quang khoe: Tôi nuôi gà theo cách riêng, khi gà nhỏ nuôi nhốt trong trại, được 70 ngày, tôi chuyển sang nuôi thả ra vườn cho đến lúc xuất bán. Chính vì thế các thương lái luôn trả giá mua cao hơn so với một số trang trại khác.
Hỏi về thu nhập, ông khiêm tốn: Trừ chi phí đầu tư và tiền nhân công, cả gà và bò cộng lại được 700 triệu đồng/năm.
Nhiều người dân trong vùng cho biết thêm: Ông Quang là người “truyền cảm hứng” làm kinh tế từ chăn nuôi gà trang trại, gia trại cho bà con. Riêng xóm Bờ Suối đã có 40 hộ được ông giúp đỡ về kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi. Một số hộ được ông giúp đỡ về vốn để mua con giống, thức ăn chăn nuôi không lấy lãi.
Phạm Ngọc Chuẩn
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.