Nguồn tin: VOV, 09/10/2022
Ngày cập nhật:
12/10/2022
Mô hình chăn nuôi dê thương phẩm được đánh giá rất phù hợp với những hộ dân vùng biên giới, giúp tăng thu nhập và ổn định kinh tế nông hộ.
Tân Hồng là huyện biên giới đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Cách đây hơn 1 năm, từ dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi dê hướng thịt tại một số tỉnh ĐBSCL” đã giúp cho một số hộ dân ở huyện Tân Hồng có thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế nơi vùng biên.
Được giới thiệu về mô hình chăn nuôi dê thương phẩm từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Luận, ở ấp Công Tạo, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng chuồng trại và được chuyển giao 60 con dê từ dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi dê hướng thịt tại một số tỉnh ĐBSCL” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai. Khi tham gia vào mô hình, ông sẽ được hỗ trợ 50% con giống, 50% thức ăn tinh và vaccine cho dê, còn lại gia đình ông Luận và những hộ dân khác sẽ đối ứng 50% chi phí mua con giống, chi pí làm chuồng trại.
Mỗi lứa dê nuôi từ 3-4 tháng là xuất bán, khi đó trọng lượng dê đạt khoảng 30 - 40kg/con, với giá bình quân dao động trên thị trường như hiện nay từ 115.000 - 125.000 đồng/kg, tính ra mỗi con dê thịt thu lời khoảng 1,5 triệu đồng.
Theo ông Luận, trước đây gia đình làm ruộng và ương cá tra giống nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, khi được giới thiệu về mô hình chăn nuôi dê thương phẩm ông đã quyết định tham gia ngay. Qua những lứa dê được xuất bán, ông thấy rõ hiệu quả kinh tế từ mô hình mang lại. Hàng ngày hai vợ chồng ông Luận thay phiên nhau cắt cỏ và khi cho dê ăn thì thêm thức ăn công nghiệp để mau lớn.
“Nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao, mỗi con dê sau khi xuất bán gia đình lãi 1,5 triệu. Công mình bỏ ra với cỏ ở nhà nên cũng tốn ít thức ăn nên đây là mô hình kinh tế phù hợp với người dân địa phương”, ông Luận bày tỏ.
Thu nhập hơn 100 triệu đồng từ mỗi lứa dê xuất bán
Với 100 con dê được chuyển giao từ mô hình, đến nay tổng đàn dê của gia đình chị Phan Thị Bích Tuyền, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng đã lên đến 450 con. Chị đã xuất bán 3 lứa dê, mỗi lứa nuôi từ 3 - 4 tháng cho trọng lượng trung bình từ 30-40kg/con. Từ những lứa dê xuất bán gia đình chị Bích Tuyền lãi hơn 120 triệu đồng.
Theo chị Phan Thị Bích Tuyền, tính ra mỗi con dê sau khi trừ hết chi phí, công chăm sóc sẽ lời từ 500.000 - 700.000 đồng. Nếu như nuôi bằng cỏ, ít sử dụng thức ăn công nghiệp, mỗi con dê có lời từ 1 - 1,5 triệu đồng. Mô hình chăn nuôi dê thương phẩm đã giúp gia đình chị thu nhập ổn định và khấm khá hơn trước. Thấy rõ hiệu quả mang lại, chị Tuyền đang xây dựng thêm chuồng trại để nhân rộng đàn dê trong thời gian tới, dự kiến từ 600 - 700 con dê vừa sinh sản, vừa thương phẩm.
“Dê chủ yếu ăn thức ăn công nghiệp, hèm bia và cỏ chỉ là phụ. Nếu cho dê ăn thêm hèm bia sẽ nhanh đạt trọng lượng, thịt dê chất lượng nên được giá cao hơn. Mô hình nuôi dê này thực sự hiệu hơn những mô hình khác.
Mô hình nuôi dê tăng thu nhập cho người dân vùng biên giới
Mô hình chăn nuôi dê thương phẩm được triển khai tại huyện Tân Hồng năm 2021, có 10 hộ dân trên địa bàn 6 xã của huyện Tân Hồng tham gia ban đầu với 400 con dê giống, quy mô từ 10 -100 con/hộ. Qua hơn 1 năm thực hiện, các hộ được hỗ trợ đã thu hoạch từ 3 - 4 lứa dê thương phẩm, lợi nhuận đạt dao động từ 1 - 1,5 triệu đồng/con. Hiện nay mô hình đã có tổng đàn hơn 750 con.
Theo ông Nguyễn Trí Tuệ, Trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp, mô hình chăn nuôi dê thương phẩm là hướng đi mới cho người dân trên địa bàn huyện Tân Hồng, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng biên giới.
“Mô hình nuôi dê đã tận dụng được công lao động của các hộ gia đình, đặc biệt với những mô hình nuôi lớn có tận dụng phụ phẩm bổ sung thức ăn công nghiệp. Mô hình này có thể mở rộng cho các hộ vùng biên giới, vùng khó khăn”, ông Tuệ cho biết.
Mô hình chăn nuôi dê thương phẩm được Trung tâm khuyến nông quốc gia, Bộ NN&PTNT triển khai thí điểm tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021-2023, sau đó tổng kết và tiếp tục triển tại một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Qua đánh giá bước đầu, đây là mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sinh kế mới cho người dân./.
Phạm Hải/VOV-ĐBSCL
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.