Nguồn tin: Báo Bình Phước, 19/10/2022
Ngày cập nhật:
21/10/2022
Khi dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống người nuôi dê trên địa bàn tỉnh Bình Phước gặp nhiều khó khăn trong thời gian dài vì giá thấp, thậm chí không thể bán được do nhu cầu thị trường không có. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, khi dịch bệnh ổn định thì giá dê bắt đầu tăng trở lại và giữ ổn định ở mức trên 100 ngàn đồng/kg, nhờ đó người nuôi dê cũng sống khỏe.
Giá dê tăng trở lại
Giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh, gia đình ông Ngô Đức Nhật ở ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh tồn hàng trăm con dê thịt không thể bán được dù giá thấp chỉ vài chục ngàn đồng/kg, thì từ tháng 3-2022 đến nay đã xuất bán 4 đợt thu hơn 140 triệu đồng. Hiện nay, chuồng dê của hộ ông luôn giữ ổn định đàn dưới 60 con, mỗi đợt thương lái đến mua xuất bán từ 5-10 con dê thịt. So với đầu năm, giá dê dù có giảm nhưng vẫn giữ mức tương đối cao và ổn định, dao động từ 110-145 ngàn đồng/kg. Trong đó, dê tơ từ 15-20kg/con giá bán khoảng 143 ngàn đồng/kg, từ trên 20kg đến hơn 30kg có giá 105-125 ngàn đồng/kg; đối với dê giống giá lên đến 180-190 ngàn đồng/kg. Ông Nhật chia sẻ: Đợt dịch diễn biến phức tạp, người nuôi dê rất khó khăn, muốn xuất bán dù với giá thấp nhưng không ai mua. Giờ người nuôi dê khỏe hơn rồi, dễ bán, giá ổn định, nhờ đó bà con nuôi dê ở đây cũng “dễ thở”.
Giá dê ổn định, gia đình bà Vũ Thị Dệt tranh thủ tăng đàn để nâng cao thu nhập
Cách gia đình ông Nhật vài trăm mét là chuồng dê của hộ bà Nguyễn Thị Vân với số lượng hơn 70 con. Từ đầu năm đến nay, gia đình bà Vân xuất bán 5 đợt, thu gần 170 triệu đồng, chưa kể thu gần 50 triệu đồng từ bán phân dê. Bên cạnh giá dê tương đối ổn định ở mức khá thì gia đình bà Vân cũng không còn lo đầu ra, bởi luôn được thương lái và người tiêu dùng đón nhận.
Bà Vân cho hay: “So với những năm trước khi xảy ra dịch Covid-19 tuy có thấp hơn nhưng năm nay giá dê tương đối ổn định và dễ bán. Giá dê trên thị trường đôi lúc lên xuống nhưng chênh lệch không quá lớn như trước. Vì thế, thu nhập cũng ổn định, cuộc sống người nuôi dê khấm khá hơn. Mong rằng từ nay giá dê giữ mức ổn định như vậy là chúng tôi mừng rồi”.
Tăng đàn, mở rộng chăn nuôi
Nhờ giá ổn định ở mức khá, thêm vào đó dê dễ nuôi và ít tốn kém nên từ đầu năm nhiều hộ chăn nuôi đã mở rộng đàn. Điển hình như gia đình bà Vũ Thị Dệt ở ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp, cuối năm 2021, đàn dê chỉ trên dưới 10 con thì từ đầu năm 2022, vợ chồng bà tăng đàn, đến nay giữ ổn định hơn 30 con. “Thấy giá dê lên thì mình cũng tăng đàn dần để có thêm thu nhập. Thức ăn cho dê có sẵn, dễ chăm sóc, vấn đề rủi ro cũng không lớn, người chăn nuôi chịu khó là có lời. Vợ chồng tôi đã lớn tuổi, tăng đàn sao cho vừa sức là được” - bà Dệt chia sẻ.
Giá dê tăng và tương đối ổn định là tín hiệu vui, tạo động lực cho người chăn nuôi tiếp tục duy trì và mở rộng đàn, nâng cao thu nhập sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Qua đó, hoạt động sản xuất dần được khôi phục, đời sống người dân nói chung và người nuôi dê nói riêng ngày được nâng cao, ổn định. Tuy nhiên, việc tăng đàn ồ ạt với số lượng lớn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đầu ra chưa được đảm bảo ổn định, cung vượt quá cầu. Do đó, việc tăng đàn sao cho hợp lý, phù hợp với điều kiện về cung cấp thức ăn và khả năng chăm sóc được nhiều người nuôi dê quan tâm.
Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi dê Lộc Hiệp Trần Thị Ngọ chia sẻ: “Xã Lộc Hiệp có đến vài trăm hộ chăn nuôi dê với nhiều quy mô, riêng hợp tác xã có 40 thành viên. Sau dịch Covid-19, giá dê tăng trở lại và khá ổn định nên hầu hết người nuôi dê đều tăng đàn. Tuy nhiên, người chăn nuôi ở đây tăng đàn nhưng không tăng nhiều như trước. Những hộ đã duy trì đàn ổn định từ 60-80 con thì giữ nguyên, còn những hộ có số lượng ít hơn thì chỉ tăng thêm một ít, tránh tình trạng tăng nhiều lại bán không được như những lần trước”.
Văn Đoàn
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.