Nguồn tin: Lao Động, 21/11/2022
Ngày cập nhật:
24/11/2022
Mặc dù mô hình nuôi chồn mới được khởi đầu nhưng thành công của ông Lê Hồng Cường (52 tuổi, trú thôn Vĩnh Phong, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã khẳng định mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều người học hỏi, nhân rộng.
Sau nhiều năm buôn cá, nuôi gà vất vả nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu nên ông Lê Hồng Cường (52 tuổi, trú thôn Vĩnh Phong, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) quyết định táo bạo với nghề nuôi chồn.
Ông Cường kể, sống ở vùng xã bãi ngang gia đình ông nhiều năm theo nghề buôn cá rồi chăn nuôi lợn, gà nhưng kinh tế gia đình vẫn không mấy khá giả. Bao đêm trằn trọc suy nghĩ phải kiếm nghề gì đó nhẹ nhàng phù hợp với tuổi ngày càng cao mà lại có thu nhập ổn định hơn, ông Cường tự tìm hiểu rồi quyết định thử sức với nghề nuôi chồn thương phẩm.
Bởi ông cho rằng, đây là một nghề mới mẻ, nhu cầu thị trường cao nên đi tiên phong hẳn sẽ thành công.
Giữa năm 2021, sau khi tìm hiểu trên mạng về cách làm chuồng và hoàn thành các thủ tục, giấy phép theo quy định, ông Cường lặn lội vào miền Nam mua 4 cặp chồn giống.
Sau khi nuôi thử ít tháng, nhận thấy chồn dễ nuôi, ăn ít mà nguồn thức ăn dễ kiếm, chủ yếu là cá, chuối chín, đầu gà với bình quân mỗi ngày một con chồn ăn hết từ 3.000 - 4.000 đồng trong khí giá bán cao nên ông Cường đã quyết định đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây chuồng quy mô hơn 100 ô và mua thêm chồn giống về nhiều hơn.
Những con chồn lớn đạt trọng lượng từ 6-8kg nhưng ông Cường không bán chồn thịt mà nuôi bán chồn giống. Ảnh: Trần Tuấn.
Từ 8 con chồn giống ban đầu, hiện nay ông Cường đã nhân đàn chồn lên hơn 100 con, trong đó có khoảng 30 con chồn mẹ đã sinh sản.
Theo ông Cường, chồn cái mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 3 - 4 con. Chồn con ông nuôi khoảng 3 tháng là có thể xuất bán chồn giống với giá từ 5 - 6 triệu đồng/con.
Chồn con là chồn cái, sau khoảng 10 tháng nuôi thì trưởng thành đến tuổi sinh sản.
Chuồng nuôi chồn được làm thép thành những ô kín liền nhau, mỗi ô thường nuôi 1 con. Ảnh: Trần Tuấn.
Sau hơn 1 năm nuôi chồn, dù nhu cầu thị trường về chồn thịt rất lớn với giá 2 triệu đồng/kg nhưng ông Cường không bán chồn thịt do có 5 hộ dân trong xã đặt hàng chồn giống của ông để học tập mô hình nuôi chồn từ ông.
“Giá chồn giống cao nên tôi ưu tiên bán con giống để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhiều nhà hàng đặt hàng để mua chồn về làm thực phẩm bán cho khách nhưng tôi chưa có để cung cấp cho họ. Sau này khi nhu cầu chồn giống giảm tôi sẽ bán chồn thịt cho các nhà hàng” - ông Cường chia sẻ.
Theo ông Cường, dù bỏ vốn 300 triệu đồng nhưng đến nay lợi nhuận từ việc bán chồn đã giúp ông hoàn thành thu hồi vốn đầu tư. Trong khi trong chuồng ông còn sở hữu hơn 100 con chồn có giá trị hàng trăm triệu đồng.
Ông Hoàng Hải Đường - Phó chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho rằng mô hình nuôi chồn của gia đình ông Cường dù mới khởi đầu nhưng đã khẳng định mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Từ hiệu quả của mô hình nuôi chồn này, chúng tôi rất ủng hộ bà con trong xã học tập để nhân rộng nhằm mang lại hiệu quả cao cho kinh tế gia đình, từ đó góp phần đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển”, ông Đường nói.
TRẦN TUẤN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.