Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 30/01/2022
Ngày cập nhật:
2/2/2022
Những năm gần đây, chăn nuôi của Vĩnh Phúc có tốc độ tăng trưởng cao, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Trước những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi tỉnh cần xây dựng những cơ chế, chính sách riêng cho ngành chăn nuôi trong giai đoạn tới, tạo cho chăn nuôi bước phát triển mới theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, tạo ra sản phẩm chủ lực, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Mô hình chăn nuôi bò 3B vỗ béo theo quy trình VietGAP của gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng
Ngành chăn nuôi gặp khó
Từ tháng 8/2021, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh bắt đầu đà giảm và ở mức 55 - 57 nghìn đồng/kg. Theo ông Nguyễn Văn Tám, hộ chăn nuôi lợn lâu năm ở xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, với mức giá này, các trang trại hoặc hộ chăn nuôi tự chủ động được con giống vẫn có lãi.
Tuy nhiên, từ tháng 9/2021 đến nay, giá lợn hơi tăng, giảm thất thường và hiện ở mức từ 47 - 50 nghìn đồng/kg, trong khi giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao nên người chăn nuôi liên tục phải bù lỗ.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính cản trở trong chăn nuôi là dịch bệnh, môi trường và VSATTP. Giai đoạn 2011-2018, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, một số ổ dịch bệnh nhỏ như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc... được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không lây lan diện rộng đã góp phần giúp cho chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định.
Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào nước ta và hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã tác động trực tiếp, hạn chế đến việc đầu tư vào phát triển sản xuất của doanh nghiệp, các trang trại, hộ nông dân và khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng chăn nuôi sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn và đã có mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi - giết mổ công nghiệp - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; các trang trại quy mô lớn đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Tuy nhiên, nhìn chung, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, phân tán (chăn nuôi nông hộ chiếm 96,5%, chăn nuôi trang trại chỉ chiếm 3,5%), nằm xen kẽ trong khu dân cư, nhất là tại các phường, thị trấn gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh và mất ATTP.
Chăn nuôi chưa thực sự phát triển theo chiều sâu, chưa có sản phẩm chủ lực, chất lượng và sức cạnh tranh chưa cao, phát triển theo phong trào dẫn đến một số thời điểm xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu; trong khi đó, sản phẩm chăn nuôi hiện nay chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh và xuất bán đi Thủ đô Hà Nội, các tỉnh lân cận thông qua các hộ tư thương chuyên kinh doanh buôn bán, việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào tư thương nên có nhiều thời điểm, giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất, người chăn nuôi bị thua lỗ. Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tâm lý người sản xuất chăn nuôi...
Quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững
Thời gian tới, ngành chăn nuôi của tỉnh sẽ đối mặt với nhiều thách thức, đó là yêu cầu về chất lượng sản phẩm, VSATTP ngày càng cao và cạnh tranh sản phẩm ngày càng gay gắt; dịch bệnh và rủi ro từ thiên tai ngày càng phức tạp; xử lý môi trường ô nhiễm từ chăn nuôi chưa có phương pháp hữu hiệu cho tất cả các vùng, các đối tượng nuôi.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và để phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, bền vững, tỉnh tiếp tục khuyến khích các hộ chăn nuôi, chủ trang trại, doanh nghiệp phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Trong đó, phát triển chăn nuôi lợn với các giống cao sản tại các trang trại, vùng chăn nuôi lợn trọng điểm; mở rộng quy mô, số lượng cơ sở đảm bảo an toàn sinh học và thân thiện với môi trường; duy trì, phát triển các vùng chăn nuôi gà đẻ trứng công nghiệp, vùng chăn nuôi gà thịt, vùng chăn nuôi thủy cầm có lợi thế; phát triển đàn bò cái theo hướng Zebu hóa để nâng cao tầm vóc bò nền, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để sản xuất bò thịt cao sản và duy trì, phát triển các địa điểm, khu vực nuôi bò sữa.
Chuyển dịch sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, liên kết sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi và tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp.
Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và những dịch bệnh có nguy cơ lây sang người.
Quản lý chặt chẽ công tác kiểm soát giết mổ, giảm dần số lượng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm trong các khu dân cư bảo đảm vệ sinh môi trường và ATTP. Chuyển đổi số, số hóa được công tác quản lý dữ liệu ngành chăn nuôi thông qua phần mềm công nghệ thông tin từ khai báo chăn nuôi ban đầu, số lượng biến động đàn vật nuôi, cơ cấu đàn, thông tin dịch bệnh... để cảnh báo chăn nuôi, quản lý, chỉ đạo kịp thời...
Lưu Nhung
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.