• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người nông dân làm giàu từ trồng nấm sò

Nguồn tin: Báo Thái Bình, 09/01/2022
Ngày cập nhật: 12/1/2022

Đó là ông Đinh Văn Tị, sinh năm 1971, ở thôn Vĩnh Truyền, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình). Nhờ cần cù, chịu khó và kiên trì, ông Tị đã xây dựng thành công mô hình trồng nấm sò đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Đinh Văn Tị đang chăm sóc các giá thể nấm sò.

Năm 2009, với mong muốn vươn lên làm giàu, ông Đinh Văn Tị bắt đầu bắt tay vào trồng nấm. Lúc đầu, ông làm quy mô nhỏ, do chưa có kinh nghiệm nên nấm ông trồng hay bị bệnh, thối và hỏng nhiều. Nhưng không vì thế mà ông từ bỏ. Ông quyết tâm đi học tập kỹ thuật trồng nấm ở Viện Di truyền nông nghiệp Trung ương và học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình hiệu quả. Rồi kết hợp giữa tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật với rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, mô hình trồng nấm sò của ông đã thành công. Đến nay, trên tổng diện tích nhà trồng khoảng 400m2, ông Tị duy trì thường xuyên 10.000 bịch giá thể nấm sò, quay vòng một năm trồng 30.000 bịch nấm, thu được trên 15 tấn nấm. Với giá bán khoảng 30.000đ/kg, trừ các loại chi phí, lợi nhuận đem lại gần 200 triệu đồng. Không những thế, gia trại nấm của ông còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 - 6 lao động có thu nhập ổn định từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.

Ông cho biết: Nghề trồng nấm đòi hỏi phải thật sự cần cù, tỉ mỷ và cẩn thận. Tất cả các công đoạn từ làm giá thể đến cấy nấm giống và chăm sóc phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, nhất là khâu khử trùng giá thể. Những người lao động thực hiện công đoạn cấy giống nấm cũng phải khử trùng tay và dụng cụ cẩn thận để đảm bảo các bịch giá thể nấm không bị nhiễm khuẩn. Làm được như vậy cây nấm sẽ phát triển tốt và hạn chế tối đa dịch bệnh…

Nguyên liệu trồng nấm ông Tị thường dùng là rơm, mùn cưa, bông phế thải. Các nguyên liệu này được xay nhỏ, xử lý khử trùng qua nước vôi, đóng vào các túi nilon rồi đem hấp trong lò hấp thanh trùng ở 100oC trong 8 tiếng liên tục, sau đó bỏ ra để nguội rồi mới cấy nấm giống.

Các giá thể nấm sau khi cấy được 20 - 30 ngày, sợi nấm sẽ ăn kín trắng toàn bộ bịch, lúc này mới rạch xung quanh bịch giá thể rồi treo lên để thuận tiện chăm sóc. Khi nấm phát triển đều, đường kính mũ 3 - 4 cm thì tiến hành thu hoạch. Trong quá trình thu hoạch phải cẩn thận, nhẹ nhàng, giữ cho nấm không bị dập nát.

Ông chia sẻ: Loài nấm sò này rất nhạy cảm với thời tiết, nhất là nhiệt độ, độ ẩm và độ thông thoáng của nhà trồng… Môi trường thích hợp để nấm phát triển tốt nhất là nhiệt độ khoảng 27 - 28oC, độ ẩm 70 - 80%. Vì thế, vào mùa hè, mật độ giá thể không nên quá dày; khi thời tiết thay đổi đột ngột phải che chắn nhà trồng cẩn thận, tránh gió lùa. Thường xuyên kiểm tra độ ẩm của các bịch nấm để bảo đảm không quá ẩm cũng không bị khô; nếu thời tiết khô hanh, tưới 3 - 4 lần/ngày, phun trực tiếp vào các giá thể nấm. Nếu thời tiết ẩm, chỉ tưới xuống nền rồi nước tự bốc hơi làm ẩm các giá thể…

Cũng chính vì đặc tính của nấm sò không ưa thời tiết nóng nên vào mùa hè, ông Tị thường chuyển sang trồng nấm rơm để bảo đảm duy trì sản xuất thường xuyên. Với quy mô hiện tại cung không đủ cầu nên ông Tị dự định thời gian tới sẽ tiếp tục nắm bắt nhu cầu thị trường để mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên ông vẫn không khỏi băn khoăn, vì hiện nay trong suy nghĩ của nhiều người vẫn chưa tin tưởng vào độ sạch và sự an toàn của nấm. Thực tế sản xuất, ông Tị chưa bao giờ sử dụng bất cứ một loại hóa chất hay chất kích thích nào để chăm sóc và bảo vệ cây nấm.

Với tâm huyết nhiều năm trong nghề trồng nấm, ông mong muốn sẽ có nhiều người tiêu dùng biết đến sự an toàn và giá trị dinh dưỡng của nấm, góp phần đưa cây nấm trở thành nguồn thực phẩm phổ biến trong các bữa ăn của gia đình người Việt.

Lại Phượng (Hội Nông dân tỉnh Thái Bình)

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang