Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 27/12/2022
Ngày cập nhật:
30/12/2022
Mô hình khảo nghiệm xử lý xuống củ khoai lang mang lại hiệu quả.
Để giúp người dân tìm ra giải pháp an toàn và hiệu quả cho khoai lang (KL) giai đoạn xuống củ, ngành nông nghiệp cũng đã tích cực hỗ trợ nông dân tìm ra các giải pháp, sử dụng các hoạt chất mới không hoặc ít tác động đến môi trường.
Từ đó, giúp nông dân thay đổi dần thái độ, tập quán canh tác cũ nhằm tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Trong đó, mô hình khảo nghiệm xử lý xuống củ KL bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Tìm giải pháp an toàn xuống củ KL
Theo Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, KL được xác định là 1 trong 3 cây trồng chủ lực của huyện Bình Tân. Hàng năm, địa phương này xuống giống từ 12.000 - 13.000ha diện tích KL, năng suất ước đạt bình quân 40 tạ/ha.
Tuy nhiên, 2 năm gần đây do ảnh hưởng dịch bệnh làm giá KL giảm sâu, trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng nên diện tích trồng KL giảm mạnh. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ đòi hỏi ngày càng cao về mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm.
Hiện nhiều nông dân huyện Bình Tân phấn khởi trước thông tin củ KL chính thức được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch.
Song, để làm được điều này, trước tiên người dân phải thay đổi tập quán canh tác truyền thống, sản xuất theo quy trình VietGAP, thực hiện mã số vùng trồng và hạn chế sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, để đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Tuy nhiên, quá trình canh tác KL, người dân gặp không ít khó khăn, nhất là khâu xử lý xuống củ. Trước đây, người dân thường sử dụng glyphosate hay pachlobutrazon để ức chế dây và giúp cây xuống củ dễ dàng.
Nhưng hiện nay glyphosate đã bị cấm sử dụng và lưu hành tại Việt Nam, còn pachlobutrazon có khả năng lưu tồn rất cao và tác động xấu đến hệ vi sinh vật đất.
Qua thực tế trên, nhằm giúp người dân tìm ra giải pháp an toàn và hiệu quả cho KL giai đoạn xuống củ, Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp - PTNT) vừa tổ chức hội thảo báo cáo kết quả phương pháp xử lý xuống củ KL ở huyện Bình Tân.
Mô hình khảo nghiệm được thực hiện tại ấp Hưng Lợi (xã Tân Hưng, huyện Bình Tân) từ tháng 8 - 12/2022 trên giống KL tím Nhật với tổng diện tích là 2.000m2, gồm 5 nghiệm thức và ruộng khoai đối chứng với nông dân.
Trong thời gian 5 tháng thực hiện, sử dụng vật tư nông nghiệp là phân hữu cơ, phân hóa học, thuốc BVTV. Đặc biệt là áp dụng các hoạt chất TE trong quá trình sinh trưởng của KL.
Qua kết quả khảo nghiệm, nghiệm thức xử lý TE nồng độ 1 ml/lít cho năng suất, tỷ lệ củ thương phẩm và hiệu suất kinh tế cao nhất.
Vì vậy, TE nồng độ 1 ml/lít là hoạt chất có thể thay thế hiệu quả cho xử lý xuống củ theo truyền thống của nông dân hiện nay (sử dụng glyphosate), giúp người sản xuất KL ngoài đảm bảo năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn an toàn cho môi trường và hiệu quả kinh tế ở ruộng KL áp dụng hoạt chất TE cao hơn so với ruộng KL đối chứng của nông dân là hơn 11,3 triệu đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, mô hình đã tìm ra giải pháp xử lý xuống củ KL an toàn và hiệu quả thay thế cho phương pháp sử dụng hoạt chất glyphosate.
Đồng thời, làm cơ sở khoa học để tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân trồng KL sử dụng các hoạt chất mới không hoặc ít tác động đến môi trường.
Từ đó, giúp nông dân thay đổi dần thái độ, tập quán canh tác cũ nhằm tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Từng bước nâng cao nhận thức sản xuất an toàn
Theo PGS.TS Lê Văn Bé - Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - Trường ĐH Cần Thơ, mặc dù người nông dân có nhiều kinh nghiệm về trồng cây KL nhưng để hiểu rõ đặc tính cũng như làm sao để loại cây này đạt năng suất tối ưu thì không phải người trồng KL nào cũng biết.
Thời điểm 20 - 25 ngày sau khi trồng, phải hạn chế thân, lá phát triển để củ phình to bằng nhiều kỹ thuật như nhấc dây nhằm đứt rễ khí sinh học theo thân, hạn chế bón dư thừa đạm, tạo độ thông thoáng giữa các liếp trồng và khống chế dây phát triển bằng cách phun những chất ức chế.
Sau 3 tháng trồng, bón phân kali cho củ phát triển nhanh và thân, lá phát triển chậm lại. PGS.TS Lê Văn Bé cũng lưu ý với bà con nông dân các giai đoạn phát triển của KL cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến tạo củ. Do đó, cần thiết phải có giải pháp ức chế an toàn, đạt hiệu quả.
“Trong đó, mô hình xử lý xuống củ KL áp dụng hoạt chất TE đã mang lại hiệu quả, không chỉ bảo vệ môi trường, cải thiện hệ sinh vật đất mà còn tăng năng suất, chất lượng củ KL” - PGS.TS Lê Văn Bé cho biết thêm.
Tham gia thực hiện khảo nghiệm, chú Lê Thanh Phong cho hay: “Trước đây tôi trồng KL theo cách truyền thống, nhất là cách xử lý xuống củ, ức chế dây, đạt hiệu quả không cao, lại ảnh hưởng môi trường.
Thực hiện khảo nghiệm xử lý xuống củ KL qua từng nghiệm thức khác nhau tôi thấy hiệu quả của việc áp dụng hoạt chất TE mang lại rất rõ.
Củ KL đạt chất lượng, tỷ lệ củ thương phẩm cao, an toàn cho môi trường hơn. Tôi cũng sẽ tuyên truyền để bà con cùng thực hiện, đồng thời thực hiện đúng liều lượng, nồng độ để đạt hiệu quả tốt nhất”.
Từ kết quả của khảo nghiệm, ông Nguyễn Vĩnh Phúc kiến nghị chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cần tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người nông dân canh tác KL trong tỉnh áp dụng.
Đồng thời, các ngành chuyên môn cần có các nghiên cứu sâu hơn về cơ chế tác động phương pháp, thời gian xử lý xuống củ bằng TE nhằm nâng cao màu sắc và chất lượng củ KL.
Bài, ảnh: PHI LONG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.