• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Để phát triển bền vững ngành hàng cá tra

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 24/10/2023
Ngày cập nhật: 25/10/2023

Ngành hàng cá tra đang là ngành chủ lực của khu vực ĐBSCL.

Nghề nuôi cá tra thâm canh, chế biến và xuất khẩu ở ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc phát triển nghề nuôi và xuất khẩu trong thời gian tới.

Ngành hàng chủ lực còn khó

Theo Cục Thủy sản, ngành hàng cá tra đang là ngành chủ lực của khu vực ĐBSCL. Hiện sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt trên 140 thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 2,44 tỷ USD.

Đây là một trong những đối tượng chủ lực trong nuôi trồng thủy sản của Việt Nam, đóng góp tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân trong những năm qua.

Tuy nhiên, ngành hàng cá tra đang gặp cũng không ít những khó khăn thách thức từ con giống, hạ tầng vùng nuôi, tiếp cận nguồn vốn tín dụng,…

Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế trong chuỗi sản xuất, chế biến, xử lý môi trường, mối liên kết, tiêu thụ cần phải được cải thiện. TS Phạm Thị Thu Hồng- Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), cho biết, cá tra là đối tượng nuôi chủ lực tại các tỉnh ĐBSCL, tập trung nhiều nhất ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long... tổng diện tích nuôi gần 6.000ha.

Cá tra được nuôi thâm canh trong ao đất, hoàn toàn bằng thức ăn viên công nghiệp. Tuy nhiên, vùng nuôi không tập trung mà chủ yếu là trang trại của doanh nghiệp, hộ nuôi lẻ, hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ nuôi thiếu đồng bộ...

Theo các nghiên cứu, để đạt sản lượng trung bình khoảng 200 tấn cá/ha cần sử dụng lượng thức ăn tối thiểu 320 tấn và lượng chất hữu cơ thải ra môi trường khoảng 256 tấn. Với sản lượng trên 1,5 triệu tấn là thách thức lớn đối với các vùng nuôi tập trung, bởi việc xử lý chất thải từ ao nuôi hiện nay chủ yếu là thay nước, chế phẩm sinh học, hút bùn... định kỳ thường xuyên, chỉ có một số vùng nuôi áp dụng công nghệ hiện đại.

“Hiện cả nước có trên 100 cơ sở chế biến cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm. Các cơ sở được trang bị máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, chế biến phụ phẩm ra sản phẩm cao cấp chưa nhiều, chưa tận thu nên làm tăng ô nhiễm cho nước thải chế biến. Đa phần các hệ thống xử lý nước thải áp dụng công nghệ truyền thống nên chưa đạt hiệu quả tối ưu, tăng chi phí khiến giá thành sản xuất cao...”- bà Hồng cho hay.

Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã tiếp tục thực hiện cơ cấu lại sản xuất thủy sản theo hướng công nghiệp, thâm canh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, phát triển các đối tượng thủy sản có tiềm năng, đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản. 9 tháng của năm 2023, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt gần 111.000 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc nuôi và tiêu thụ cá tra gặp nhiều khó khăn. Ngoài thị trường tiêu thụ kém, nông dân còn bị sụt giảm lợi nhuận do nguồn giống chất lượng khan hiếm, giá thức ăn đầu vào tăng, giá cá tra nguyên liệu ở mức thấp trong thời gian dài khiến người nuôi bị thua lỗ, không còn vốn tái sản xuất.

Cần phải thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Theo các chuyên gia, thời gian qua, chất lượng cá tra nuôi và hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm được thị trường quốc tế đánh giá rất tích cực. Ðể nâng cao sức cạnh tranh của chuỗi ngành hàng cá tra Việt Nam gắn với việc giảm phát thải, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tiếp tục hợp tác công- tư để phát huy tốt sáng kiến, cách làm hay trong phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải.

Tăng cường nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ cải tiến các khâu sản xuất giống, nuôi trồng, thu mua và chế biến... giúp tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, đồng thời quản lý, khai thác tốt các nguồn phụ phẩm để tạo ra giá trị gia tăng cao và giảm phát thải.

Ông Trần Đình Luân- Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết: Theo định hướng ngành chế biến thủy sản và đề án bảo vệ môi trường ngành thủy sản giai đoạn 2021-2030 xác định, kinh tế tuần hoàn là một trong những mục tiêu ngành thủy sản cần hướng tới, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Dưới góc độ của hợp tác công tư (PPP) thủy sản, việc khởi động các nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, thách thức, phân tích điểm mạnh, yếu khi ngành hàng cá tra định hướng theo mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ bước đầu làm cơ sở đưa ra những giải pháp công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải trong chuỗi, giúp ngành hàng cá tra phát triển bền vững.

Theo bà Thu Hồng, các địa phương cần xây dựng quy hoạch chi tiết, các khu vực nuôi cần phải quy hoạch đồng bộ với hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt. Tiến tới hình thành những vùng sản xuất cá tra tập trung, nhân rộng mô hình nuôi cá tra công nghệ cao, tuần hoàn, tận dụng bùn thải thu hồi.

Tăng cường kiểm soát chất lượng cá bố mẹ, con giống, thức ăn, kiểm soát bệnh cá để giảm thiểu chất thải tác động môi trường. Cùng với đó, cần đẩy mạnh đầu tư công nghiệp chế biến phụ phế phẩm để nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm ngành hàng. Doanh nghiệp chế biến cần có sự chuẩn bị và thực hiện tốt nhất trách nhiệm xã hội, nhận thức trách nhiệm xã hội là yếu tố sống còn để tăng sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam…

“Sản xuất cá tra là ngành hàng chủ lực, Việt Nam có lợi thế tuyệt đối đối với sản phẩm này trên thị trường nên cần được ưu tiên phát triển bền vững trong thời gian tới. Mong rằng, ngành hàng sẽ nhận được sự quan tâm, tăng cường đầu tư cả về chất và lượng của các cấp, các ngành và địa phương.

Đặc biệt tận dụng những lợi thế về khoa học công nghệ, nguồn vốn từ hình thức hợp tác công tư trong sản xuất chế biến để đưa ngành hàng cá tra phát triển một cách bền vững trong thời gian tới”- ông Trần Đình Luân cho biết.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang