Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 22/12/2023
Ngày cập nhật:
23/12/2023
Tại Hội thảo tham vấn “Xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi” tổ chức tại Sóc Trăng vào ngày 27/11, các doanh nghiệp, chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước đều có chung nhận định, bước sang năm 2024, ngành tôm vẫn chưa hết khó nên vẫn còn rất nhiều chuyện phải làm, mà trọng tâm là nâng tỷ lệ nuôi thành công và giảm giá thành tôm nuôi.
Thông tin về thị trường tôm, ông Hoàng Thanh Vũ - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, giá tôm ở thị trường Mỹ giao quý I/2024 được chào thấp, chỉ 120.000 đồng/kg cho loại 30 con/kg, trong khi hiện tại trong nước giá khoảng 140.000 đồng/kg trở lên. Loại 40 con/kg chỉ 100.000 đồng/kg và 50 con/kg chỉ 90.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu bán thị trường Mỹ, các nhà máy chế biến hiện bị lỗ từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Biết lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn cứ phải mua, phải bán, nhằm giữ chân công nhân chờ cơ hội, bởi nếu không mua, công nhân không có việc làm, nghỉ việc, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lớn. “Các thông tin còn cho thấy trong 2 - 3 năm tới, giá tôm vẫn còn duy trì ở mức thấp do bị cạnh tranh từ Ấn Độ và Ecuador. Vì vậy, ngay từ bây giờ, ngành tôm cần có phương án giảm giá thành một cách thực chất và hiệu quả nhất” - ông Vũ chia sẻ thêm.
Với nội dung thiết thực, sát thực tế, hội thảo thu hút hàng trăm đại biểu tham dự. Ảnh: TÍCH CHU
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo về tình trạng giá tôm xuống thấp, kéo dài, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, do tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới cùng với việc cung ứng tôm giá rẻ từ Ecuador ngày càng nhiều nên việc tiêu thụ tôm của Việt Nam gặp khó khăn, giá cả xuống rất thấp. Ông Lực cho biết thêm: “Sắp tới, để giảm thiểu rủi ro, có nhiều chuyện phải làm và hiện cơ quan nhà nước đang cố gắng làm sao giảm thiểu rủi ro, hạn chế dịch bệnh trong nuôi tôm, còn người nuôi cũng cần quan tâm đến chuyện ăn chắc, mặc bền, chỉ tổ chức nuôi trong phạm vi khả năng tài chính và kỹ thuật của mình cho phép”.
Riêng vấn đề giảm giá thành, ông Lực đề xuất: “Trước tiên đó là con giống. Muốn cải thiện điều này rất cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất con giống cũng như vai trò kiểm soát chất lượng trong lưu thông. Thứ hai là nước sạch cho vùng nuôi. Chắc chắn là sắp tới cơ quan chức năng sẽ có sự quan tâm chăm lo đảm bảo đủ nước sạch cho vùng nuôi, chứ hiện nguồn nước tại các vùng nuôi đang ô nhiễm rất nhiều”.
Nói về thách thức của ngành tôm, ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) nhận định: “Về thách thức, như chúng ta đều biết giá thành nuôi tôm của Việt Nam rất là cao, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta xác định sai mô hình nuôi cũng như quy trình chưa đảm bảo cho hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, việc sử dụng nguyên, nhiên liệu đầu vào nhìn chung cũng chưa được khoa học, gây tốn kém nhưng hiệu quả thì rất hạn chế”.
Cũng theo ông Phục, hiện Ecuador nuôi tôm thẻ vụ thuận giá thành 60.000 - 70.000 đồng/kg tôm loại 50 con/kg, còn vụ nghịch cũng 80.000 đồng/kg nên không phải là điều gì quá đáng sợ. Ông Phục tự tin tuyên bố: “Nếu chúng ta có mô hình, giải pháp phù hợp và đặc biệt là con giống đảm bảo chất lượng, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh được với Ecuador, thậm chí là còn mạnh hơn họ vì chúng ta có lịch sử, quá trình, nguồn lực từ lâu, còn họ chỉ mới vào nghề nhưng nhờ tận dụng được diện tích, môi trường còn tốt mà thôi. Thực tế ở vụ nuôi năm 2023 này, giá thành tôm nuôi của Vinacleanfood đã rất tốt, không thua gì Ecuador”.
Trước thách thức của vụ tôm nước lợ năm 2024, Tiến sĩ Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, có rất nhiều việc chúng ta cần phải làm. Đầu tiên là tổ chức lại sản xuất để giảm tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, từ đó chúng ta chia sẻ những kinh nghiệm để sản xuất tốt hơn. Vấn đề thứ hai cần tính đến đó là giảm giá thành sản xuất vì có rất nhiều khâu trong quá trình sản xuất mà chúng ta còn có thể tiết giảm, như thông qua ứng dụng các quy trình kỹ thuật, sử dụng điện, vật tư đầu vào hợp lý cũng giúp tiết giảm chi phí. Vấn đề thứ ba là kiểm soát tốt môi trường và dịch bệnh để hạn chế thiệt hại và nâng cao tỷ lệ nuôi tôm thành công.
“Đây là những bước mà người dân và địa phương cần quan tâm, để cùng nắm tay nhau, cùng chia sẻ những kết quả, giải pháp có hiệu quả nhằm giúp nhau có được mô hình nuôi ngày càng hiệu quả hơn. Hiện có không ít mô hình nuôi hiệu quả, nên người nuôi cần học hỏi và tùy tình hình mà có sự vận dụng hợp lý vào khu nuôi của mình, vì không có một mô hình nào hoàn thiện cho tất cả”, Tiến sĩ Trần Đình Luân khuyến nghị.
Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước, Cục trưởng Trần Đình Luân cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát tốt chất lượng con giống, khi xuất khỏi trại giống phải là con giống sạch bệnh, tuân thủ đúng các quy định, nhất là quy định về thú y thủy sản. Thứ hai là kiểm soát chất lượng thức ăn làm sao đảm bảo giá và chất lượng phản ánh đúng để tăng tỷ lệ thành công cho người nuôi. Thứ ba là chuyển giao khoa học công nghệ, các quy trình nuôi tốt, các hình thức sản xuất tốt để từ đó các địa phương và người dân hiểu được sự sống còn của ngành tôm để đồng lòng cùng nhau triển khai. Việc thứ tư là Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng để đảm bảo ngay từ đầu môi trường các vùng nuôi được tốt. Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh: “Một điểm rất quan trọng mà hướng tới ngành tôm phải tính đó là đảm bảo môi trường trong khu vực nuôi, cấp mã số vùng nuôi, để từ đó tạo cơ sở cho việc xây dựng thương hiệu xanh cho tôm Việt Nam nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới”.
TÍCH CHU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới:
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.