Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 28/12/2023
Ngày cập nhật:
29/12/2023
Tại “Hội thảo xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm” do UBND tỉnh Cà Mau tổ chức vào trung tuần tháng 12/2023 trong khuôn khổ Festival tôm Cà Mau, các đại biểu đều có chung nhận định rằng, xây dựng liên kết chuỗi giá trị ngành hàng tôm là quan trọng và phù hợp với xu thế hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là việc làm hết sức khó khăn nếu các nút thắt của ngành tôm vẫn chưa được tháo gỡ.
Trước thực trạng sản xuất nhỏ lẻ thì việc liên kết chuỗi giá trị là hết sức cần thiết, nếu không muốn nói là cấp bách. Tuy nhiên, việc thực hiện liên kết đến nay vẫn còn hạn chế và tính hiệu quả chưa cao. Như nhận định của ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: “Liên kết chuỗi phải nói là một chủ đề rất khó và kết quả thực hiện thời gian qua so với nhu cầu thực tiễn còn rất khiêm tốn là một minh chứng”. Ông Sử cũng cho rằng, ngành hàng tôm vẫn còn nhiều nút thắt cần nhanh chóng tháo gỡ, trong đó, liên kết chuỗi vẫn là bài toán khó và mô hình liên kết chuỗi giá trị vẫn đang gặp những tồn tại, khó khăn nhất định.
Các đại biểu tham quan mô hình liên kết chuỗi tôm sú - lúa của Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú. Ảnh: TÍCH CHU
Với độ khó trên, nên tỷ lệ hộ nuôi tôm tham gia chuỗi liên kết giá trị ngành hàng tôm còn rất thấp và đa số các chuỗi liên kết còn ở quy mô nhỏ, năng lực của các chủ thể trong liên kết chưa thực sự mạnh, nhất là các hợp tác xã, tổ hợp tác... Thực tế cho thấy, việc liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngành hàng tôm thời gian qua chủ yếu là do các doanh nghiệp lớn thực hiện, nên một khi những khó khăn, tồn tại trên được giải quyết thấu đáo mới có lời giải hiệu quả cho liên kết chuỗi ngành hàng tôm như mong muốn.
Trong tham luận về “Thúc đẩy chuỗi giá trị tôm - lúa, tôm - rừng theo hướng chứng nhận hữu cơ, sinh thái”, ông Ngô Tiến Chương, cán bộ cao cấp của Tổ chức GIZ cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến chuỗi giá trị tôm - lúa chưa thể phát huy hết tiềm năng, là do biến động các chỉ tiêu môi trường nước, chất lượng môi trường kém. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực trạng chất lượng đầu vào như: giống, phân bón, vi sinh… chưa được kiểm soát tốt, các tiến bộ khoa học công nghệ chưa được ứng dụng rộng rãi vào mô hình… dẫn đến sản lượng thấp, tỷ lệ sống tôm nuôi thấp và nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp.
Trước những khó khăn đã được nhận diện, cùng sự tham gia của đông đảo các bên có liên quan tại hội thảo lần này, ông Sử mong muốn các vấn đề có liên quan đến phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm sẽ được trao đổi, thảo luận, phân tích để góp phần tích cực, có hiệu quả trong việc tháo gỡ những khó khăn, các điểm nghẽn trong thực hiện liên kết chuỗi ngành hàng tôm. Cảm thông, thấu hiểu và mong muốn đồng hành cùng ngành tôm Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung, các đại biểu đã có nhiều chia sẻ, thảo luận, đề xuất các giải pháp để giúp chuỗi giá trị ngành hàng tôm ngày một hoàn thiện, lớn mạnh hơn, thực chất và hiệu quả hơn, hướng đến mục tiêu vì một ngành tôm Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững.
Theo ông Chương, Cà Mau và các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long có thể tận dụng diện tích vùng nhiễm mặn đang mở rộng, do bị tác động của hạn - mặn đang diễn ra, để có thể chuyển đổi thêm một triệu héc-ta đến 2030 ở các vùng giao thoa. Còn theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, giải pháp trọng tâm vẫn là đẩy mạnh phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để tạo vùng nguyên liệu lớn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm tôm Cà Mau.
Trao đổi với chúng tôi về chủ đề trên, mới đây, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, liên kết chuỗi ngành hàng tôm là hướng đi phù hợp nhất hiện nay. Ông Lực cho biết: “Trong lĩnh vực con tôm hiện nay, các chuỗi liên kết này rất phong phú, các lý thuyết chưa mường tượng và thậm chí đến giờ chưa có sự đúc kết, rút kinh nghiệm những gì đang xảy ra trong 5 năm (khởi đầu năm 2018) vừa qua trong việc hình thành các chuỗi liên kết này. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng, sản lượng tôm nuôi tăng trưởng các năm qua đều có sự đóng góp hết sức to lớn từ các chuỗi liên kết này”.
Với sự phong phú của chuỗi liên kết, nên theo ông Lực, Sao Ta chọn hướng đi riêng trên nền tảng tầm nhìn, khả năng của mình. Đó là tập trung phát triển vùng nuôi riêng để tự chủ từ 30% nhu cầu nguyên liệu, còn lại là sự phối hợp với các hệ thống nhà cung ứng, mà các nhà cung ứng thì đều có chân trong chuỗi liên kết đa dạng nêu trên.
TÍCH CHU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới:
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.