Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 22/12/2024
Ngày cập nhật:
24/12/2024
Trên trang facebook cá nhân, thạc sĩ Nguyễn Trần Vũ (Phú Yên) ghi ở đầu trang: “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường” như là sự nhắn nhủ chính mình. Và lối đi của anh là dồn tâm huyết phát triển những cánh rừng tre kinh tế thân thiện, đem lại thu nhập ổn định cho người trồng.
Giảng viên “Vũ rừng”
Nguyên là Trưởng bộ môn Trồng trọt - Lâm nghiệp, Khoa Nông nghiệp (Trường Đại học Phú Yên), hơn 20 năm giảng dạy, thạc sĩ Nguyễn Trần Vũ đã tham gia chủ trì nhiều đề tài bảo tồn, phát triển cây rừng đặc hữu, có giá trị dược liệu, đem thu nhập kinh tế cộng đồng. Các dự án bảo tồn phát triển cây cam thảo Đá Bia, sim rừng, cây chè Mã Dọ… do anh làm chủ nhiệm nghiên cứu hiện đang phát huy ổn định sinh kế cộng đồng. Mê rừng đến nỗi anh có biệt danh “Vũ rừng”.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Vũ bên một cụm tre giống khổng lồ.
Năm 2024, Nguyễn Trần Vũ chính thức giã từ công việc tại Đại học Phú Yên để tập trung các dự án nghiên cứu và phát triển trồng rừng. Anh hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ (KHCN) nông nghiệp sinh học La Hiêng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Liên Xuân Phát, đối tác của Dự án phát triển 1 triệu ha tre sinh thái ở Việt Nam.
Hiện tại, HTX Liên Xuân Phát đã triển khai trồng hàng chục ha rừng tre lớn tại xã vùng cao An Xuân (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), cùng đó là hai vườn ươm của đơn vị đặt tại An Xuân và xã Hòa Tâm (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) với công suất hàng triệu cây giống tre lớn. Giữa tháng 11/2024, HTX Liên Xuân Phát cũng đã tổ chức gặp gỡ gần 100 đại lý cung cấp tre giống lớn trên 63 tỉnh thành cả nước. Nhiều người đã ngỡ ngàng thú vị khi tham quan các cơ sở nuôi cây mô giống tre lớn và các cánh rừng trồng tre bát ngát. HTX Liên Xuân Phát hiện đã định danh sinh học phân tử chính xác và nhân giống thành công bằng phương pháp cấy mô 4 loài tre khổng lồ, cho năng suất ổn định.
Lúc này, HTX Liên Xuân Phát đang là thành viên tích cực trong dự án “Trồng tre ứng phó với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung”, với mục tiêu trồng tre tại các vùng sạt lở, ven sông, khu dân cư… nhằm góp phần giữ đất, chống xói mòn, định dòng chảy, ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước, không khí. Việc trồng tre số lượng lớn còn góp phần cải tạo đất và bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động thiên tai.
Theo Nguyễn Trần Vũ, điều thiết thân trước hết là thu nhập của người dân trên cánh rừng trồng tre. Việc sản xuất rừng tre lớn được cam kết bằng giải pháp hợp tác năm nhà: nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà băng. Theo đó, HTX Liên Xuân Phát làm chủ trì liên kết, góp vốn cổ phần 50% giá trị cây giống cho chu kỳ kinh doanh 4 năm (gồm 1 năm trồng và 3 năm chăm sóc đến khi thu hoạch), được chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn. Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và cam kết hỗ trợ cây giống 1 đổi 1 khi trồng cây bị chết nhằm bảo đảm mật độ trồng 286 cây/ha (5 m x 7 m). Cam kết giá bảo hiểm khi thu hoạch tre không thấp hơn so với thu hoạch keo trên diện tích liên kết.
Cụ thể, HTX Liên Xuân Phát hiện cam kết thu mua 1 triệu đồng/tấn tre vào mùa khô và 1,2 triệu đồng/tấn tre vào mùa mưa, với mục tiêu xây dựng hệ thống chuỗi gà nướng ống tre, sản xuất các đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ, công trình kiến trúc, hướng đến việc xây dựng nhà máy sản xuất ván ép từ nguyên liệu tre và phụ phế phẩm nông nghiệp. Vừa qua, Giáo sư Thân Tấn Tài, Viện trưởng Viện Y học Phương Đông Moscow đã trực tiếp làm việc với Trung tâm KHCN nông nghiệp sinh học La Hiêng về triển khai dự án nghiên cứu các loại thuốc chữa bệnh từ cây tre.
Đối tác của HTX Liên Xuân Phát lúc này là những người có diện tích đất trồng, đất rừng; muốn chuyển đổi cây trồng cho thu nhập cao. Người trồng rừng tre không cần lo lắng về đầu ra. Hai bên cùng chia phần trăm lợi nhuận. Mô hình này đã và đang tạo thu nhập kinh tế bền vững cho bà con nông dân; tại nhiều tỉnh thành, người trồng rừng tre lớn đang có thu nhập gấp 5 lần trồng keo, bạch đàn.
Như gia đình ông Nguyễn Ngọc Thành (thị xã La Gi, Bình Thuận) đã liên kết với HTX Liên Xuân Phát trồng 10 ha tre khổng lồ và hướng đến phát triển lên 40 ha. Trồng loài tre này đến năm thứ ba là có thể thu hoạch, đến năm thứ năm bắt đầu thu hoạch gỗ nguyên liệu, với lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha. Giống tre này chỉ cần trồng một lần, sau mỗi vụ thu hoạch thì đẻ nhánh và mọc măng nhiều, có thể thu hoạch hàng chục vụ trong những năm tiếp theo.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Vũ cho biết, một số đối tác, bà con nông dân tại Đắk Lắk đã ký kết với đơn vị anh cung cấp giống tre để trồng trên 500 ha. Một doanh nghiệp tại Thái Nguyên cũng đang xúc tiến nhập giống để trồng trên 500 ha rừng tre lớn xen với cây dược liệu. “Tôi rất vui khi tâm huyết phát triển rừng tre lớn đã được nhiều người hưởng ứng. Điều hạnh phúc nhất của tôi là người dân trồng rừng tre sẽ có thu nhập ổn định. Và những cánh rừng tre còn góp phần chống xói lở đất, tô thêm nét quyến rũ, thân thiện cho từng vùng quê”, Nguyễn Trần Vũ chia sẻ.
Hùng Phiên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.