Nguồn tin: Báo Phú Yên, 26/12/2018
Ngày cập nhật:
28/12/2018
Dùng béc phun tưới nước cho cây sắn tại xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) - Ảnh: LÊ TRÂM
Mía và sắn là 2 cây trồng cạn chủ lực của tỉnh. Đối với cây mía, thời gian qua, nhiều nông dân đã áp dụng phương pháp tưới nước để nâng cao năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế. Còn đối với cây sắn, đây là lần đầu tiên ngành Nông nghiệp triển khai mô hình tưới nước bằng biện pháp tưới phun mưa tại xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) trên diện tích 4ha.
Lợi nhuận cao
Mô hình triển khai 4 bộ thiết bị tưới gắn với 23 béc phun, một lần béc phun tưới bao phủ 2.500m2 đất. Qua đó tưới cho 1ha, thời gian khoảng 4,5-6 giờ, mức tiêu hao nhiên liệu trung bình 1 lít dầu diesel/giờ, với mức tưới 400-500m3/ha, đảm bảo cung cấp đầy đủ nước duy trì độ ẩm đất cho ruộng sắn khoảng 70-80%. Trung bình vụ tưới, chi phí dầu, công lao động khoảng 1,5 triệu đồng. Cuối vụ, năng suất sắn của mô hình đạt 35 tấn/ha, ruộng trồng đại trà theo cách truyền thống năng suất chỉ đạt 25 tấn/ha; qua đó lợi nhuận mô hình đạt 15 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng trồng đại trà 8,5 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Lại ở thôn Chí Thán (xã Đức Bình Đông) tham gia mô hình cho hay: Mô hình này sử dụng máy trồng hom đứng. Lâu nay, nông dân trồng sắn hom nằm, khi sắn ra củ thì chỗ phần gốc hom đâm chia ra củ không đều. Còn trồng hom đứng thì củ ra đều xung quanh theo dạng hai bàn tay xòe nên năng suất cao.
Còn bà Lê Thị Ánh Thi ở thôn Tân Lập (xã Đức Bình Đông) tham gia mô hình chia sẻ: Trước đây, chúng tôi trồng sắn chờ nước trời; khi đến thời kỳ bón phân trời nắng, chiều đem phân vãi chờ tối có mù sương phân tan ra nhưng rồi không đủ nước cho phân thấm xuống gốc, vì vậy sắn không hấp thụ hết lượng phân bón cho cây. Còn trồng sắn sử dụng hệ thống tưới nước thì khi vãi phân rồi tưới, sắn “ăn” hết phân nên cây xanh tốt.
Cũng theo bà Thi, trồng sắn sử dụng nước tưới khi thu hoạch thuận lợi, đất mềm nên 10 người trong 1 ngày nhổ “bay” 1ha sắn. Còn trồng sắn theo cách truyền thống khi thu hoạch gặp trời nắng thì phải dùng cuốc đào. Thu hoạch sắn trên đất khô cứng thì 20 người trong 1 ngày có khi đào không xong 1ha sắn.
Ông Nông Văn Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông cho biết: Ban đầu một số hộ còn nghi ngại việc trồng hom đứng sẽ dễ gây chết sắn. Tuy nhiên, kết quả mô hình trồng sắn bằng máy áp dụng tưới nước vừa mang lại hiệu quả tiết kiệm chi phí lao động, năng suất, chất lượng cao so với trồng thủ công.
Trồng sắn tránh bệnh “khảm”
Hiện nay đang là mùa thu hoạch sắn, thường khi nhổ sắn xong thì nông dân cày bừa đất rồi xuống giống trồng niên vụ mới. Thế nhưng thời gian qua, sắn bị bệnh “khảm” (bệnh khảm lá do virus gây ra lan truyền qua hom giống), khi sắn nhiễm bệnh thì không cho năng suất phải nhổ bỏ nên nông dân e ngại trồng sắn thất thu.
Ông Bùi Văn Long, nông dân ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), tham quan mô hình cho hay: Hai đám sắn kề bên, đám trồng có tưới nước nhìn khác đám trồng không tưới. Sắn trồng tưới nước xanh đều, còn trồng khoán trắng cho trời chỗ xanh chỗ đỏ. Thế nhưng hiện sắn đang bị bệnh khảm lá nên nông dân lo ngại.
Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Từ đầu tháng 10 đến tháng 11 vừa qua, bệnh khảm lá hại sắn lây lan nhanh gây hại 85ha trên giống HLS11, KM419. Diện tích nhiễm bệnh khảm lá virus hại sắn tăng nhanh, trong khi đa số người dân vẫn chưa chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn.
Ngành Nông nghiệp và các địa phương tuyên truyền nhận thức cho nông dân thấy được tác hại của bệnh khảm lá cũng như cách phòng trừ bệnh hiệu quả, trong đó quan trọng hiện nay là quản lý và sử dụng nguồn giống. Vì vậy, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân không mua giống từ các địa phương có dịch bệnh khảm lá virus hại sắn, cũng như giống sắn nhiễm bệnh.
Cũng theo ông Nhĩ, khi trồng vụ sắn mới, nông dân chú trọng khâu giống, áp dụng cơ giới hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững như mô hình triển khai tại xã Đức Bình Đông. Mô hình này làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cho bà con nông dân trực tiếp tham gia và tạo điều kiện cho hàng trăm bà con nông dân trong vùng tham quan học tập về việc áp dụng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp bền vững. Thời gian đến, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương tiếp tục nhân rộng theo đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh.
LÊ TRÂM
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.