Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 26/12/2018
Ngày cập nhật:
28/12/2018
Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) vốn có nhiều vùng đất chuyên canh, đặc sản, nhiều trang trại sản xuất cây giống lớn. Sau những đợt dịch bệnh lớn ảnh hưởng đến vùng chuyên canh nhãn; nông dân tiếp tục tìm kiếm những giống cây trồng mới, trong đó có nhiều mô hình được nói vui là“trồng chơi ăn thiệt”, “1 vốn 4 lời”; góp phần vào mức tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua- đặc biệt là bức tranh khởi sắc của nông nghiệp Long Hồ trong 3 năm gần đây.
Ông Võ Ngọc Thành, ấp Phước Lợi, xã Thạnh Quới, thu hoạch đậu rồng.
Từ mấy dây đậu rồng trồng chơi
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Võ Ngọc Thành (ấp Phước Lợi, xã Thạnh Quới). Mặc dù tất bật thu hoạch đậu rồng bán cho thương lái nhưng ông Thành vẫn vui vẻ với câu chuyện đậu rồng bén rễ trên đất nhà mình cách đây cũng ngót nghét 10 năm rồi: “Hồi đầu, quanh nhà chỉ cắm vài cây đậu rồng để cải thiện bữa cơm gia đình, nhưng sau một thời gian đậu rồng bò xum xuê và cho trái quá nhiều, ăn không hết thì hái một mớ cho bà xã đi bán, thấy có hiệu quả mới tính tới chuyện… trồng thiệt tình”.
Dần dần từ vài chục dây rồi tăng lên mấy trăm dây đậu rồng, cho đến nay đậu rồng đã phủ kín diện tích 4 công đất ruộng của ông Thành.
Theo ông Thành, trồng đậu rồng không đòi hỏi kỹ thuật nhiều, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thời điểm trồng phù hợp nhất vào đầu tháng 4 âm lịch, khi bắt đầu mùa mưa, đến giữa mùa mưa cây bắt đầu cho trái là vừa.
Nếu trồng với diện tích lớn ngoài đồng thì lên luống rộng 1,2m, trên luống trồng 2 hàng cách nhau 50cm, cây cách nhau 40cm. Hiện tại 4 công đậu rồng của gia đình ông Thành đã cho thu hoạch, bình quân mỗi ngày từ 10kg- 12kg, giá bán hiện nay là 25.000 đ/kg, tính ra thu nhập mỗi ngày của ông Thành từ 250.000- 300.000đ.
Nói thêm về hiệu quả của mô hình trồng đậu rồng, ông Nguyễn Vĩnh Thanh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Quới- cho biết: “Mô hình trồng đậu rồng này rất hiệu quả, trồng xen vườn, lấy ngắn nuôi dài tăng thu nhập cho gia đình.
Hướng tới, Hội Nông dân xã sẽ triển khai mô hình này rộng rãi ra để tăng diện tích nhiều hơn bởi trồng đậu rồng rất tiện lợi, chỉ tốn công chăm sóc, lại chủ động thời gian, giải quyết được công nhàn rỗi cho mỗi gia đình. Thực tế cho thấy, đậu rồng rất phù hợp trên đất có nhiều chất mùn dinh dưỡng, có độ thoáng và thoát nước tốt. Bà con nông dân nên nghiên cứu mô hình này để phát triển kinh tế cho gia đình”.
Những loại cây ít ai để ý
Có một giống cây ngày xưa người dân miền Tây chỉ hái từ cây mọc hoang ngoài ruộng hay trong vườn nhà và chỉ cho trái vào mùa nước nổi, đó là cây cà na. Cà na chỉ là một loại trái ăn chơi nên không được nông dân trồng thiệt thụ. Những năm gần đây, cà na được chế biến thành nhiều món ăn chơi và mang lại hiệu quả kinh tế khá nên được trồng ở nhiều nơi.
Anh Nguyễn Văn Nhẫn ở ấp Hòa Thuận, xã Hòa Ninh thu hoạch cà na.
Chúng tôi đến tham quan vườn trồng cà na của anh Nguyễn Văn Nhẫn (ấp Hòa Thuận, xã Hòa Ninh) cũng vừa đúng dịp anh đang khẩn trương thu hoạch cho thương lái cân hàng gấp chuẩn bị cho thị trường dịp lễ Giáng sinh.
Vừa hái cà na thoăn thoắt dưới những tán cây cà na xanh um, anh Nhẫn phấn khởi bắt đầu câu chuyện với trái cà na. Anh Nhẫn cho biết, hồi 5 năm trước, trong một lần tình cờ được người quen tặng 3 nhánh cà na Thái về trồng trên đất vườn nhà mình với mục đích trồng để giữ mé, tránh sạt lở.
Sau 2 năm trồng thấy loại cây này thích hợp với vùng đất gần mé sông, bãi bồi lại không tốn công chăm sóc, thu nhập cũng tương đối nên anh Nhẫn đã mạnh dạn chiết nhánh từ 3 cây cà na để trồng xen trên 4 công đất trồng nhãn. Hiện tại cà na đã cho thu hoạch đem lại hiệu quả khá cho gia đình anh.
Nói về việc trồng cà na xen trong vườn nhãn, anh Nhẫn cho biết thêm: “Trước kia, nhà tôi trồng nhãn da bò sau này nhãn bị bệnh chổi rồng thì tôi cũng tìm tòi chuyển đổi mà cũng không biết trồng cây gì nữa, cũng cơ duyên từ 3 cây cà na trồng tình cờ rồi từ từ nhân rộng ra trồng trên đất vườn nhãn. Cà na có kinh tế mà nó lại giữ mé không sạt lở.
Hiện giờ tôi chuyển toàn bộ 4 công đất sang trồng cà na hết. Từ đầu năm 2018 đến giờ, tôi thu nhập cũng được 70 triệu rồi đó. Từ đây đến tết, tệ gì cũng kiếm thêm trên 20 triệu đồng nữa. Tết này gia đình ăn tết lớn hơn mấy năm trước à nghen, chắc chắn sẽ mua sắm nhiều vật dụng gia đình”.
Trước đây, cà na chỉ là loại cây hoang dại, ít ai trồng vì trái cà na không có giá trị kinh tế cao. Nay, loại trái cây này lại trở thành mặt hàng được nhiều người nơi “phố thị” ưa chuộng, vì thế giá bán cũng tương đối cao.
Hiện tại với hơn 100 cây cà na cho trái, mỗi ngày anh Nhẫn thu hoạch từ 200- 300kg với giá bán dao động từ 30.000- 35.000 đ/kg, thu nhập mỗi ngày từ 600.000- 700.000đ, đây là khoản thu nhập khá cao so với mức sống nông thôn mình hiện nay.
Nhạy bén với thời cuộc, dám nghĩ, dám làm, đoàn viên Nguyễn Văn Nhẫn không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp người dân các xã cù lao có thêm hướng lựa chọn cây trồng mới đem lại thu nhập cao đồng thời chống sạt lở đất rất hiệu quả.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng bông súng trên địa bàn huyện Long Hồ trong thời gian qua. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, rất nhiều thương lái đến đặt mua bông súng ở một số xã trên địa bàn huyện Long Hồ, khiến bông súng trở thành mặt hàng nông sản bán rất chạy.
Đến nay, diện tích mặt nước trồng bông súng ở địa phương đã phát triển hơn 35ha. Một công bông súng mỗi ngày có thể thu hoạch từ 50- 70kg. Hiện tại thương lái vào tận nơi mua bông súng với giá từ 1.500- 2.000 đ/kg.
Với mức giá này, mỗi công bông súng người trồng thu được hơn 15 triệu đồng/năm mà không phải tốn bất cứ khoản chi phí nào, ngoài công thu hái. Hơn nữa bông súng có thời gian thu hoạch rất dài, thông thường từ khi cho lứa thu hoạch đầu tiên đến khi tàn, ít nhất cũng từ 3- 4 năm.
Ông Phạm Văn Chính (ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Quới) cho biết: “Trồng bông súng lợi nhuận đảm bảo cho gia đình, thấy trồng bông súng ít kinh phí, có thể thu hoạch hàng ngày nên bà con thích dễ bán”. Đây cũng là loại cây có thể tăng thêm thu nhập gia đình từ những ao mương quanh ruộng, quanh nhà.
Nhiều nông dân ở Long Hồ đang tận dụng diện tích mặt nước trồng bông súng.
Nhiều người nói vui, trồng bông súng không sợ lỗ cũng không mấy lo lắng, vì công việc này chủ yếu là lấy công làm lời, không phải đầu tư vốn. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao thì trồng bông súng trở nên rất hiệu quả và phù hợp với bà con trồng màu. Đối với những gia đình khó khăn, bông súng còn được xem như một thứ cây xóa đói giảm nghèo hữu hiệu.
Sắp đến những ngày đón tết, xin chúc cho những nông dân trên địa bàn huyện Long Hồ ngày càng nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cao, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất đất nông nghiệp trên cùng diện tích đất canh tác.
Hiện tại với hơn 100 cây cà na cho trái, mỗi ngày anh Nhẫn thu hoạch từ 200- 300kg với giá bán dao động từ 30.000- 35.000 đ/kg, thu nhập mỗi ngày từ 600.000- 700.000đ. Đây là khoản thu nhập khá cao so với mức sống nông thôn hiện nay.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.