• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chế biến sâu – Lợi thế cạnh tranh của ngành tôm

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 28/04/2020
Ngày cập nhật: 29/4/2020

Chỉ tính riêng về mặt giá thành thôi thì con tôm Việt Nam đã thất thế trước nhiều cường quốc tôm trên thế giới, nhưng con tôm Việt Nam không chỉ cạnh tranh một cách sòng phẳng, mà thậm chí còn ở “chiếu trên” trong một số phân khúc thị trường so với nhiều nước. Vậy, đâu là lợi thế làm nên sức cạnh tranh cho con tôm Việt Nam trên đấu trường thế giới?

Khi nói về tính cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam, gần như bao giờ cụm từ “giá thành cao” cũng luôn được nhắc đến đầu tiên và nhiều nhất. Đây là thực trạng chung, dù trình độ nuôi tôm của nông dân Việt Nam không hề thua kém các nước nhưng do hầu hết chi phí đầu vào, như: con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… đều cao hơn các nước, nên giá thành tôm nuôi của Việt Nam thường cao hơn 20% – 30%. Đây thực sự là một bất lợi lớn của ngành tôm, khi nó làm giảm đi sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam so với các nước. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, kể cả những thời điểm giá tôm thế giới xuống mức thấp điểm thì ngành tôm Việt Nam vẫn không ngừng tăng trưởng, trở thành một trong số ít quốc gia xuất khẩu tôm lớn trên thế giới. Vậy, bằng cách nào con tôm Việt Nam vượt qua được bất lợi trên?

Do chi phí đầu vào cao nên giá thành tôm nuôi của Việt Nam luôn cao hơn một số nước cạnh tranh trực tiếp 20 – 30%.

Mang thắc mắc trên đến hỏi ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta thì được ông cho biết: “Đó là nhờ ở trình độ chế biến và sự đa dạng sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam”. Cũng theo ông Lực, trình độ chế biến của các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam hiện thuộc hàng “chiếu trên” so với nhiều nước sản xuất tôm lớn trên thế giới. Ông Lực chia sẻ thêm: “Đơn cử như thị trường Nhật Bản luôn có giá khá tốt, nhưng sản phẩm đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ cao trong quá trình chế biến, nên muốn bán được hàng vào thị trường này, ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm phải có tính thẩm mỹ cao, mà điều này thì Sao Ta và nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác rất lợi thế nhờ trình độ tay nghề chế biến của công nhân Việt Nam rất khéo léo”. Ngoài sản phẩm tôm, Sao Ta còn chế biến bánh Kaki-Agi truyền thống của Nhật Bản để xuất khẩu vào thị trường này với doanh số vài triệu đô la mỗi năm.

Không nói đâu xa, ngay tại Sóc Trăng hầu hết các doanh nghiệp chế biến tôm lớn, như: Khánh Sủng, Stapimex, Sao Ta, Vinacleanfood, Tài Kim Anh… đều đã đầu tư máy móc công nghệ chế biến tôm hiện đại để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ các phân khúc thị trường cao cấp trên thế giới. Ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) cho biết: “Nhu cầu tiêu dùng thế giới ngày càng cao, buộc các nhà máy chế biến phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu này. Đối với Vinacleanfood, ngay từ ngày đầu mới thành lập, chúng tôi đã xác định hướng đi chủ lực là sản phẩm chế biến có hàm lượng giá trị gia tăng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính nhờ hướng đi đúng đắn này mà hiện nay sản phẩm của Vinacleanfood đã có mặt được tại hầu hết thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản, Mỹ và cả siêu thị của Hàn Quốc”.

Nhờ tập trung phát triển chế biến sâu, kết hợp đa dạng sản phẩm phục vụ phân khúc thị trường cao cấp nên con tôm Việt Nam vẫn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Các phân khúc thị trường cao cấp tại EU, Mỹ hay Nhật Bản đều có được giá tốt và ổn định, nhưng theo các doanh nghiệp, ngoài Việt Nam và Thái Lan, hiện có rất ít quốc gia đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường này. Chính từ lợi thế trên, nên có những thời điểm giá tôm thế giới xuống thấp, người nuôi tôm một số nước thua lỗ, nhưng toàn ngành tôm Việt Nam vẫn vượt qua, doanh nghiệp và người nuôi tôm vẫn bảo toàn được nguồn vốn, một số có lãi. Đơn cử như liên tiếp 2 năm 2018 – 2019, những tháng đầu năm, giá tôm rớt thê thảm, nhưng các doanh nghiệp tôm vẫn có được thị trường tiêu thụ tốt, giúp ngành tôm nhanh chóng phục hồi và về đích trong những tháng cuối năm. Hay như những tháng đầu năm 2020 này, thị trường tôm thế giới liên tục biến động do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn và nhất là dịch Covid-19, nhưng giá tôm trong nước vẫn được giữ vững và đang tăng trở lại cũng là nhờ một phần ở việc chiếm lĩnh phân khúc thị trường cao cấp từ các sản phẩm chế biến sâu.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Hồ Quốc Lực, lợi thế về các sản phẩm chế biến sâu của Việt Nam sẽ không thể kéo dài mãi được khi hiện một số nước cũng đã đầu tư máy móc, công nghệ chế biến. Do đó, để đảm bảo tính cạnh tranh cho con tôm Việt Nam, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp chế biến, ngành chức năng và người nuôi tôm cần áp dụng các biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao tỷ lệ thành công, diện tích nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế và giảm giá thành trong nuôi tôm.

Tích Chu

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang