• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Dịch Covid-19 tác động xu hướng và kết quả xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

Nguồn tin: VOV, 25/12/2020
Ngày cập nhật: 26/12/2020

Ước tính xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt tương đương năm 2019 với 8,58 tỷ USD. Thủy sản Việt Nam năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19.

Dịch bệnh Covid-19 căng thẳng trên thế giới, nhất là ở những thị trường nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam như EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tác động rõ rệt đến thương mại thủy sản của Việt Nam với các nước.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I và quý II năm nay giảm lần lượt 10% và 7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu giảm sâu nhất vào tháng 3, tháng 5 (giảm lần lượt 48% và 16% so với cùng kỳ năm 2019). Đó là những tháng cao điểm dịch bệnh Covid tại châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) từ tháng 7, xuất khẩu bắt đầu hồi phục và tăng trong 3 tháng gần đây (với mức tăng trưởng 10% đến 13%), điều đó cho thấy các công ty thủy sản ở Việt Nam đang thích ứng, vượt qua thách thức và nắm bắt được các cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid vẫn đang bùng phát trên thế giới.

Xuất khẩu thủy sản hồi phục, nhờ xuất khẩu tôm duy trì tăng ổn định và các sản phẩm hải sản cũng có tín hiệu khả quan từ tháng 8. Nhờ sự hồi phục trong 3 tháng gần đây, xuất khẩu thủy sản đến cuối tháng 11 chạm mức tương đương cùng kỳ năm 2019 là trên 7,8 tỷ USD. Ước tính xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt tương đương năm 2019 với 8,58 tỷ USD.

Xuất khẩu tôm tăng trưởng 2 con số từ tháng 6 và tăng mạnh 25% trong tháng 9 và tháng 10, sang tháng 11 tiếp tục tăng 28%. Tính đến hết tháng 11/2020, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2019. Với mức duy trì tốt như hiện nay, xuất khẩu tôm năm 2020 dự kiến đạt trên 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019. Do dịch Covid vẫn căng thẳng trên thế giới nên xu hướng tiêu thụ tại các thị trường vẫn tập trung vào tôm chân trắng, size cỡ nhỏ cho phân khúc bán lẻ. Do vậy, xuất khẩu tôm chân trắng chiếm 72% giá trị xuất khẩu tôm trong năm nay, ước đạt gần 3 tỷ USD trong năm 2020, trong khi tôm sú chỉ đạt 616 triệu USD, chiếm 16% và tôm biển chiếm 12% đạt 462 triệu USD.

Về thị trường, trong top 6 thị trường chính, trong năm 2020 chỉ có 3 thị trường Mỹ và Trung Quốc còn duy trì được tăng trưởng dương so với năm 2019, tăng lần lượt là 13% và 5%. Xuất khẩu sang các thị trường khác đều sụt giảm so với năm 2019 do tác động của Covid 19 làm ảnh hưởng đến nhu cầu thủy sản và hoạt động giao dịch với các thị trường này.

Thủy sản sẽ tiếp tục đương đầu với nhiều khó khăn

Vì sao có sự khác biệt về xu hướng xuất khẩu các sản phẩm chính trong năm 2020: tôm tăng, cá tra và một số sản phẩm hải sản giảm? Theo đại diện VASEP, vì dịch bệnh Covid làm thay đổi xu hướng tiêu thụ ở các thị trường: giảm tiêu thụ các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, tăng tiêu thụ tại các siêu thị, các kênh bán lẻ.

Cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường chính được tiêu thụ chính cho phân khúc dịch vụ. Trong khi đó, tôm với các loài và size cỡ và dạng sản phẩm, cách chế biến khác nhau vẫn phù hợp tiêu thụ tại các siêu thị và phân khúc bán lẻ, phù hợp cho chế biến tại nhà trong những thời điểm giãn cách xã hội. Một số sản phẩm hải sản cũng tương tự như vậy.

Có nhiều sản phẩm Việt Nam vẫn xuất khẩu tốt như: tôm chân trắng nuôi đông lạnh và chế biến, tôm biển, cá ngừ và các loại cá biển đóng hộp, nước mắm, các loại thủy sản khô như cá, mực bạch tuộc khô, những sản phẩm chế biến sẵn khác, sản phẩm ăn liền, sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu...

Tuy nhiên, kết quả trên chỉ là tình hình chung. Thực tế, dịch bệnh Covid làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có thủy sản. Nuôi trồng và khai thác thủy sản đều bị ảnh hưởng. Có những giai đoạn (như từi tháng 3 đến tháng 5), sản phẩm nuôi như tôm và cá tra không xuất được, lượng tồn kho tăng nhưng hệ thống kho lạnh ở Việt Nam không đủ, thuê kho giá đắt. Khai thác hải sản khó khăn, sản lượng giảm. Trong những năm gần đây các công ty phải nhập khẩu các sản phẩm biển từ các nước láng giềng nhưng năm nay cũng bị giảm nhập vì dịch Covid ảnh hưởng sản lượng và vận tải của các nước.

Tại Việt Nam, dù dịch bệnh Covid không nghiêm trọng như các nước khác trên thế giới, nhưng cũng khiến cho thị trường lao động xáo trộn. Lao động trong nhà máy chế biến thủy sản có tính đặc thù, làm việc theo dây chuyền nên khi dịch cao điểm các nhà máy phải cho công nhân nghỉ, nhưng khi dịch lắng xuống doanh nghiệp lại bị thiếu lao động. Ngoài ra, các chi phí trong chuỗi sản xuất đều tăng, nhất là cước vận tải.

Trong tình hình đó, dù rất nỗ lực và linh hoạt trong việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và thị trường thì nhiều doanh nghiệp, kể cả DN lớn cũng khó khăn về tài chính, các DN nhỏ thực sự khó khăn vì thiếu vốn, nợ ngân hàng.

Các rào cản như thuế chống bán phá giá tôm và cá tra tại thị trường Mỹ chưa có dấu hiệu sẽ được chấm dứt trong 5 năm tới. Bên cạnh đó, xu hướng của các thị trường nhập khẩu sẽ ngày càng quan tâm đến chất lượng vệ sinh và ATTP và yêu cầu ngày càng cao đối với sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn về lao động, về môi trường và an sinh xã hội…

Sản phẩm thủy sản của Công ty Thông Thuận

Theo ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), trong bối cảnh thực tại, dù Chính phủ và các cơ quan quản lý ngành cũng như DN và cộng đồng ngư dân đang rất nỗ lực khắc phục nhưng khó có thể giải quyết nhanh một sớm một chiều việc gỡ thẻ vảng của EU. Việt Nam hy vọng EU ghi nhận những nỗ lực cải thiện để không phạt thẻ đỏ IUU đối với ngành khai thác và hải sản XK của Việt Nam. Khi đó, những ưu đãi từ EVFTA mới có thể phát huy tốt hiệu quả cho ngành thủy sản Việt Nam.

Cũng theo ông Trần Đình Luân, định hướng của Chính phủ tập trung tái cơ cấu ngành thủy sản, hướng tới chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, có trách nhiệm, theo định chế quốc tế, hội nhập sâu rộng kinh tế toàn cầu.

Chiến lược đưa ra các chỉ tiêu đến năm 2030, kinh tế thủy sản đóng góp 30% GDP khối nông-lâm-ngư nghiệp.Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 10 triệu tấn; trong đó sản lượng khai thác thủy sản khoảng 25-30%, sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 70-75%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 18-20 tỷ USD. Ngành thủy sản giải quyết việc làm cho 3,5 triệu lao động.... ”Với những mục tiêu như trên, Chính phủ, Bộ NN-PTNT sẽ có chiến lược, các chương trình, đề án thích hợp để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, XK thủy sản trong những năm tới” – ông Luân nói./.

An Nhi/VOV.VN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang