• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

COVID-19: Góc nhìn về hai thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam

Nguồn tin: Vasep, 10/07/2020
Ngày cập nhật: 13/7/2020

Gần đây, bức tranh thời hậu COVID-19 đang được Chính phủ, nhiều chuyên gia quan tâm, trong đó có việc tổ chức nhiều hội thảo nhằm đánh giá tác động của đại dịch này tới các hoạt động kinh tế.

Quả thực, COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ lên đời sống hành vi, xã hội, kinh tế…. với tốc độ và mức độ khó lường. Đây là điều chưa bao giờ nhân loại gặp phải, và là giai đoạn cho thấy sự thay đổi hành vi tiêu dùng. Và đối với sản phẩm cá tra cũng không ngoại lệ.

Hiện tại các doanh nghiệp tự nuôi cá tra nguyên liệu chiếm khoảng 70% nguồn cung, nên khi cơn bão đóng cửa nền kinh tế của các nước, hầu hết các doanh nghiệp chế biến cá tra chịu “khó khăn kép”. Mặc dù, đâu đó trong ngành vẫn có những doanh nghiệp lội ngược dòng tận dụng cơ hội tăng trưởng cho các mặt hàng chế biến sẵn, tiện lợi cho bán lẻ.

Vượt qua COVID-19, cá tra Việt Nam đã rất anh dũng “ra khơi” và chịu lắm thương tích nhưng vẫn gồng mình vượt qua… Chúng ta đã tự rút ra rất nhiều bài học cho chính mình, đó là bài học về quản trị rủi ro, về đa dạng thị trường và sản phẩm….nhưng chúng ta cũng đang bị kéo theo dòng chảy của thị trường….thay vì làm chủ cuộc chơi với chiến lược dài hạn và chủ động.

Phải chăng đã đến lúc ngành cá tra Việt Nam phải suy ngẫm làm sao để có thể đứng vững và ứng phó trước những cơn đại địch khác có thể xảy ra trong tương lai, không riêng gì COVID? Mọi người hay nói “trong nguy có cơ”, vậy cơ hội cho con cá tra sắp đến là gì? Hãy cùng nhau điểm qua hai thị trường lớn nhất của cá tra là Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc sau tết âm lịch, dịch bệnh bùng phát, quí 1/2020, giá trị XK sang thị trường này giảm sút đã 37,5% so với quý 1/2019. Từ tháng 4/2020, nhu cầu tiêu thụ hồi phục dần nhờ cá tra có giá cả rất phù hợp cho yêu cầu tồn trữ an ninh lương thực và chuỗi nhà hàng cũng đã dần hồi phục. Đáng tiếc, sau đó dịch bệnh tái phát ở chợ Tân Thiên Địa (Bắc Kinh) lại gây tâm lý hoảng sợ hàng hải sản nhập khẩu. Cá tra nhập khẩu vào Trung Quốc giờ phải thêm “giấy thông hành - pass covid” để ổn định tâm lý người tiêu dùng. Kênh siêu thị một lần nữa chịu áp lực “hàng nhập khẩu”, trong khi trước đây nhãn “hàng nhập khẩu” này có tác dụng an lòng người tiêu dùng về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Thế giới thay đổi rất nhanh nên ứng xử tức thời của nhà nhập khẩu Trung quốc và năng lực kiểm soát dịch bệnh của cơ quan chức năng Trung Quốc đã giúp nhiều nhà XK cá tra Việt Nam tin tưởng rằng thị trường Trung quốc sẽ sớm khôi phục vào tháng 7.

Còn ở thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam đã xâm nhập thị trường này 20 năm, nhưng kênh tiêu thụ chính vẫn là Foodservice (kênh dịch vụ thực phẩm). Trong khi việc truyền thông về cá tra hầu như vắng bóng. Đơn cử qua kênh điều tra của nhóm các nhà đầu tư quan tâm đến ngành cá tra Việt Nam thì sự nhận diện của người tiêu dùng về cá tra Việt Nam rất ít so với nhận diện cá rô phi, đặc biệt các đầu bếp của chuỗi nhà hàng thì gần như không nhận biết rõ ràng về hai loại cá thịt trắng này. Mùa COVID-19, trong khi thị phần cá rô phi Brazil tăng gần 100% nhập khẩu vào Mỹ, cá rô phi Trung Quốc mặc dù chịu thuế 25% vẫn tăng một cách đáng kể, riêng cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ sụt giảm gần 25% trong 6 tháng đầu năm nay. Nhưng thị trường Mỹ với chính sách mở cửa nền kinh tế, chuỗi nhà hàng cũng đã khôi phục, các nhà cung cấp cá tra Việt Nam có thể tin rằng kim ngạch các tháng cuối năm sẽ dần ổn định.

Tuy nhiên, chúng ta đã để con cá tra tự bơi giữa các cơn sóng thần khi dựa vào lợi thế về giá rẻ cạnh tranh phù hợp với các kiểu chế biến và phù hợp với hoàn cảnh kinh tế để phát triển. Khi bị tẩy chay hoặc bị tấn công bằng các rào cản ở nước nhập khẩu, chúng ta đều thụ động hoặc không phản ứng kịp thời. Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần kết hợp với các nhà nhập khẩu ngoài xây dựng lại thương hiệu, cần có các hoạt động truyền thông bài bản và dài hơi cho con cá tra. Hoạt động truyền thông sẽ giúp người tiêu dùng nhận diện cá tra Việt Nam giữa hàng nghìn sản phẩm bày bán ở siêu thị để ưu tiên lựa chọn không chỉ cho mùa dịch mà cả cho đời sống thường nhật.

Chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của cá tra ở thị trường Anh trong thời kỳ dịch bùng phát và chắc chắn thói quen của người tiêu dùng sẽ được dẫn dắt để họ đến với con cá tra Việt Nam một cách tự nhiên. Đó phải chăng nhờ sự đóng góp của tên sản phẩm “Basa” và sự hợp tác về giữa tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nghiêm túc trong nhiều năm qua?!

Thị trường Mỹ cũng cần một tên gọi sát thực và gần gũi với cả người tiêu dùng và người sản xuất, đã đến lúc con cá tra đòi các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu, cơ quan hữu quan cho mình một cái tên xinh đẹp thay vì “Swai” hoặc “Stripped Pangasius” để dễ tiếp cận người tiêu dùng và dễ nhận diện. Sản phẩm tinh chế cá tra cũng đã từng đạt giải thưởng lớn tại tại Hội chợ Thủy sản quốc tế Brussels, tại sao chúng ta không thể cho mình quyền suy nghĩ về viễn cảnh tươi sáng hơn của cá tra Việt Nam? Quan trọng là cách làm, cách truyền thông, sự đồng hành của các doanh nghiệp. Chúng ta cần sự chia sẻ và hợp tác trong cả chuỗi cung ứng để tất cả đều có thể phát triển bền vững.

Bài học COVID-19 cho chúng ta trải nghiệm nên cân bằng hơn giữa Foodservice (Kênh dịch vụ thực phẩm) và Retail (kênh bán lẻ), cần có các hoạt động truyền thông kịp thời để ổn định tâm lý thị trường, cần có các hoạt động ứng phó để người tiêu dùng an tâm tin tưởng. Cần có tên gọi phù hợp cho từng thị trường và quảng bá để người tiêu dùng nhận diện và yêu thích.

Cần sự chia sẻ

Cần sự hợp tác.

Cần cải tiến

Cần qui hoạch,

Cần cân đối cung cầu.

Cần bảo vệ môi trường

Rất nhiều việc chúng ta còn có thể cùng nhau làm cho con cá tra phát triển đúng vị thế nó nên có và phải có.

Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt VASEP, Chủ tịch HĐQT VINH HOAN CORP

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang