Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 07/09/2020
Ngày cập nhật:
8/9/2020
Con tôm Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi xâm nhập thị trường EU thông qua con đường cao tốc EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu). Tuy nhiên, để hưởng lợi tối đa từ cao tốc này, ngành tôm cần có sự thay đổi nhiều hơn và một trong những việc cần làm ngay là làm sao nâng được số diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận ASC ngày một nhiều hơn.
Trước đây, chỉ với mức ưu đãi thuế quan phổ cập (gọi tắt là GSP), con tôm Việt Nam đã có được thuận lợi lớn khi xâm nhập thị trường EU, đưa EU trở thành 1 trong 4 thị trường tiêu thụ tôm lớn của Việt Nam. Nay, EVFTA đã chính thức có hiệu lực với những ưu đãi thuế quan còn cao hơn cả GSP, nên con tôm Việt Nam càng có nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ chưa có FTA với EU. Một trong những lợi thế chung lớn nhất của con tôm Việt Nam là tôm chế biến bình thường (tôm nguyên con cao cấp hoặc bỏ vỏ chế biến đông lạnh) có mức thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, còn lợi thế chiều sâu là trình độ chế biến tôm của các doanh nghiệp Việt Nam cao hàng đầu thế giới. Do vậy, theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, những mặt hàng tôm chế biến sâu như: tôm luộc, tôm bao bột, tôm chiên tuy có mức thuế cao và lộ trình về 0% mất 5 - 7 năm, nhưng do mức thuế cao (trên 20%) sẽ tạo chênh lệch lớn với tôm nhập khẩu từ các nước không có FTA với EU. Ông Lực khẳng định: “Như vậy, nhờ có EVFTA, con tôm Việt Nam sẽ có ưu thế vô cùng lớn để thâm nhập hệ thống phân phối tôm cao cấp ở thị trường EU”.
Sản phẩm tôm chế biến sâu như: tôm chiên, tôm bao bột… là lợi thế rất lớn khi vào thị trường EU.
Từ trước đến nay, dù giá thành sản xuất tôm nguyên liệu Việt Nam luôn cao hơn một số nước từ 20 - 30%, nhưng con tôm Việt Nam không chỉ cạnh tranh một cách sòng phẳng mà còn ở “chiếu trên” trong một số phân khúc thị trường so với con tôm các nước là nhờ ở trình độ chế biến và sự đa dạng sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam. Ông Lực dẫn chứng: “Đơn cử như thị trường Nhật Bản luôn có giá khá tốt, nhưng ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm ra, sản phẩm phải có tính thẩm mỹ cao, mà điều này nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện rất tốt nhờ trình độ tay nghề chế biến của công nhân Việt Nam rất khéo léo”. Qua thâm nhập khúc thị trường cao cấp, các doanh nghiệp chế biến Việt Nam có nguồn giá trị thặng dư chia sẻ người nuôi thông qua giá mua tôm nguyên liệu.
EVFTA vốn là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với độ mở khá lớn, nên cũng có không ít những ràng buộc mà doanh nghiệp phải tuân thủ nếu muốn tham gia, tận dụng cơ hội tốt từ sân chơi lớn này. Nếu nhìn vào các ưu đãi về thuế suất của EVFTA có thể thấy, con tôm Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi thế so với một số đối thủ cạnh tranh chính như Thái Lan, Ấn Độ… nhưng để bán được con tôm vào thị trường EU với thuế suất ưu đãi từ EVFTA vẫn còn nhiều thứ mà doanh nghiệp và người nuôi tôm phải làm. Muốn vào EU, nhất là vào khúc phân phối cao cấp con tôm, ngoài việc không còn chất Ethoxyquin (áp dụng từ đầu tháng 4-2020) còn phải đạt chứng nhận ASC, phải được truy xuất nguồn gốc rõ ràng…
Liên quan đến chứng nhận ASC, theo các doanh nghiệp cũng là một vấn đề khó, nên để có đủ hàng theo yêu cầu của thị trường EU, các doanh nghiệp phải đầu tư các khu nuôi riêng hoặc đầu tư, liên kết hỗ trợ người nuôi trong việc thực hành, tư vấn đánh giá đạt tiêu chuẩn ASC, với một kinh phí rất lớn. Tuy đã rất nỗ lực, nhưng số diện tích liên kết nuôi tôm đạt chuẩn ASC cả nước đến nay vẫn chỉ mới chiếm khoảng 5 - 6% tổng diện tích nuôi, mà nguyên nhân chủ yếu là do diện tích hộ nuôi còn nhỏ lẻ, tính liên kết chưa cao… Ths Quách Thị Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết: “Do đặc trưng nghề nuôi mang tính nhỏ lẻ là phổ biến, nên việc cấp mã số hộ nuôi, vùng nuôi gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, dù rất nỗ lực phối hợp với các đơn vị, địa phương nhưng số lượng hộ nuôi, vùng nuôi được cấp mã số cũng chưa đạt theo yêu cầu”.
Hiện mới chỉ có doanh nghiệp và một số HTX đủ sức xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận ASC.
Theo ông Lực, với thực trạng nuôi tôm nhỏ lẻ phổ biến như hiện nay, muốn gia tăng diện tích đạt chứng nhận ASC là rất khó, do chi phí tư vấn, đánh giá, cấp chứng nhận ASC là quá cao so với nguồn lực tài chính của người nuôi. Để khắc phục hạn chế này, bên cạnh việc khuyến khích người nuôi liên kết lại thành các hợp tác xã (HTX), các địa phương cần tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư xây dựng vùng nuôi tôm quy mô lớn, đạt chứng nhận quốc tế. Đồng thời, rà soát lại các dự án đã giao cho các tổ chức, cá nhân thời gian qua nhưng không phát huy hiệu quả, tiềm lực đất đai… nhằm có chính sách hỗ trợ, bồi hoàn, thu hồi để kêu gọi đấu thầu đầu tư mới. Việc làm này vừa giúp giải quyết thế bí cho nhà đầu tư trước, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách (qua đấu thầu lại), tạo việc làm và của cải cho xã hội.
Một vấn đề nữa là ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng, giá thành vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm để đảm bảo tôm nuôi đạt chất lượng tốt nhất và có giá thành hợp lý nhất. Việc liên kết người nuôi tôm nhỏ lẻ vào các HTX, tổ hợp tác là rất cần thiết, nhằm tạo nên vùng nuôi đủ lớn để thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư, tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận ASC theo chuỗi giá trị con tôm. Hiện nay, hầu hết các mô hình nuôi tôm thẻ có tỷ lệ thành công cao và đạt chứng nhận ASC đều là những mô hình nuôi lót bạt, hoặc cao cấp hơn là nuôi ao tròn nổi 2 - 3 giai đoạn. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu chính sách tín dụng cho người nuôi tôm để họ có điều kiện nâng cấp mô hình nuôi. Đối với các doanh nghiệp, cần đánh giá hết tầm quan trọng của chứng nhận ASC nếu muốn tham gia sâu vào sân chơi EVFTA, bởi nếu chỉ làm ASC mang tính đối phó, doanh nghiệp sẽ khó tồn tại ở thị trường EU. Không nói đâu xa, mới đầu tháng 7 này, qua kiểm tra, tổ chức cấp chứng nhận ASC đã công bố đình chỉ chứng nhận một số vùng nuôi của một số doanh nghiệp Việt Nam do không đáp ứng các quy định.
Con tôm Việt Nam đã không phải chờ EVFTA như trước nữa mà ngược lại, hiện EVFTA đang chờ những sự thay đổi lớn hơn nữa từ con tôm Việt Nam nhằm đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của thị trường này để tất cả cùng hưởng lợi.
TÍCH CHU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới:
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.