• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiêu thụ thủy sản: Cần chiến lược lâu dài

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh, 10/12/2020
Ngày cập nhật: 11/12/2020

Phát triển thủy sản Quảng Ninh những năm qua đặt ra yêu cầu về hướng tiêu thụ sản phẩm bền vững, nhất là sau ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong năm 2020.

Chế biến thủy sản xuất Nhật tại Công ty CP XNK thủy sản Quảng Ninh.

Giải nhanh "bài toán" tồn đọng

Quảng Ninh có vùng nuôi lớn, an toàn, kỹ thuật nuôi tốt, đáp ứng yêu cầu về sản lượng và chất lượng sản phẩm phục vụ công nghiệp chế biến; thị trường nội địa sôi động, tiếp cận thị trường Trung Quốc thuận lợi thông qua các cửa khẩu giáp biên; hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế phát triển của toàn quốc thuận lợi… Đó là những ưu thế để Quảng Ninh tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Trước đây, câu chuyện sản phẩm thủy sản tồn đọng lớn chưa từng xảy ra với Quảng Ninh. Tuy nhiên, sự tác động của đại dịch Covid-19 năm 2020 khiến cho một vùng có lợi thế tiêu thụ thủy sản như Quảng Ninh cũng rơi vào tình trạng phải "giải cứu". Thời điểm tháng 4/2020, gần 10.000 tấn nhuyễn thể đã sắp qua tuổi thu hoạch mà chưa bán được. Đến tháng 10/2020, áp lực tăng cao hơn khi trên 100.000 tấn nhuyễn thể bắt đầu vào giai đoạn thu hoạch mà chưa có hướng tiêu thụ.

Các giải pháp "giải cứu" thủy sản của Quảng Ninh đã nhanh chóng xử lý được vấn đề tồn đọng sản phẩm, cho thấy tính hiệu quả của nó. Đó là tăng cường tiêu dùng nội tỉnh thông qua các kênh vận động là tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, địa phương, các đơn vị đầu mối phân phối sản phẩm được tỉnh lựa chọn; tăng cường quảng bá, giới thiệu, kết nối, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh mũi nhọn xuất khẩu…

Sản phẩm ngao giá tại Vân Đồn có chất lượng tốt.

Ngay sau phát động tăng cường tiêu dùng thủy sản nội tỉnh đầu tiên tháng 4/2020, riêng ngành Than đã tiêu thụ 50 tấn thủy sản; tiếp đó là ký kết tiêu thụ thường xuyên với các địa phương có vùng nuôi, các doanh nghiệp là kênh phân phối thủy sản. Đến nay giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy sản mà ngành Than mang lại là 850 tỷ đồng.

Xuất khẩu thủy sản chính ngạch vốn là hoạt động ưu thế, nhưng không quen thuộc với doanh nghiệp, trước đó hầu hết các đơn vị có tư cách pháp nhân không làm; bởi tiêu thụ nội địa, xuất tiểu ngạch quá thuận lợi, dễ dàng, trong khi xuất chính ngạch, thủ tục phức tạp, là điểm trừ khiến doanh nghiệp ngại ngần tham gia. Dưới sức nóng của dịch bệnh, các con đường tiêu thụ sản phẩm thủy sản đều phải được vận dụng triệt để, xuất chính ngạch đã được khơi mở, thông thoáng.

Danh mục các doanh nghiệp được phép xuất khẩu sản phẩm thủy sản của tỉnh đến thời điểm này là 9 đơn vị, với năng lực là xuất khẩu hàng chục nghìn tấn mỗi năm, thời hạn hiệu lực triển khai là hàng chục năm. Chỉ tính trong 3 tháng 9, 10, 11/2020, thời điểm cao điểm tăng cường xuất khẩu sản phẩm thủy sản, 9 doanh nghiệp trên đã xuất 700 tấn, doanh thu 17,8 triệu USD. Gần đây thông qua việc bắt tay với các cơ sở bóc tách ruột hàu, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Quảng Ninh đã mở hướng xuất khẩu sản phẩm hàu ra thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Hiện mỗi ngày đơn vị này xuất 10-15 tấn sản phẩm, xu hướng ngày càng tăng do thị trường tiêu dùng của Đài Loan lớn.

Sản phẩm hàu ruột được đóng góp để xuất nội địa của Tập đoàn BIM.

Hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm thủy sản, thời gian gần đây Quảng Ninh thực hiện khá hiệu quả. Chỉ trong tháng 10/2020, một loạt các sự kiện đã diễn ra: Hội nghị quảng bá, kết nối tiêu thụ thủy sản Quảng Ninh; Tuần giới thiệu sản phẩm OCOP và thủy sản Quảng Ninh 2020 tại BigC Thăng Long; liên hoan ẩm thực tại một số địa phương… Nhờ đó, hình ảnh và sức tiêu thụ của thủy sản Quảng Ninh đã có khởi sắc. Theo báo cáo của Sở Công Thương, từ trung tuần tháng 10 đến nay, mỗi ngày Quảng Ninh tiêu thụ được 800-1.000 tấn thủy sản; trong đó các thị trường trong nước, đặc biệt là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tiêu dùng khoảng 500 tấn ngao, hàu mỗi tháng.

Cần có chiến lược lâu dài, bền vững

Những giải pháp hiệu quả đã giúp sản phẩm thủy sản Quảng Ninh vượt qua nguy cơ tồn đọng, ế ẩm, xuống giá, mất giá, thậm chí đổ bỏ, kéo theo không ít các hệ lụy khác. Giới chuyên môn cho rằng, đây cũng là một cơ hội trải nghiệm thực tế để thấy thủy sản Quảng Ninh cần một chiến lược phát triển bền vững, trong đó phải nhận định khâu tiêu thụ chính là cốt lõi, có khả năng quyết định ngược trở lại đối với cả việc nuôi, thu hoạch, chế biến.

Các sản phẩm cấp đông xuất khẩu tại Công ty CP XNK thủy sản Quảng Ninh.

Việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng ở những thời điểm thuận lợi đã không mang đến khó khăn cho những nhân tố trong chuỗi hoạt động thủy sản là người nuôi, người chế biến, người vận chuyển, người kinh doanh, người tiêu dùng; song cũng chưa mang lại giá trị, lợi nhuận cao nhất từ sản phẩm thủy sản cho họ. Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: Để có được giá trị, lợi nhuận cao nhất từ sản phẩm thủy sản, đó phải là sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm xuất khẩu, nhất là xuất vào các thị trường khó tính…

Muốn vậy chiến lược phát triển thủy sản của Quảng Ninh phải có sự chuyển dịch rất rõ nét, từ sơ chế, chế biến thiếu chuẩn, dưới chuẩn sang đạt chuẩn, trên chuẩn; từ cách thức nuôi gần bờ, lợi dụng eo ngách sang vươn ra biển lớn, xa bờ, ở những vùng biển hở, mở; từ công nghệ nuôi công nghiệp “đời đầu” sang nuôi công nghiệp giàu hàm lượng KHCN với ứng dụng vật liệu nuôi, thiết bị nuôi, quy trình nuôi, nguyên liệu đầu vào… tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế.

Nhận định về bài toán này, ông Vương Văn Oanh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho rằng: Quảng Ninh cần khắc phục việc nuôi tự phát tại một số địa phương như hiện nay bằng nuôi trong vùng quy hoạch. Khắc phục việc nuôi gần bờ, kéo theo khó kiểm soát về nguồn thải, ảnh hưởng môi trường bằng nuôi ra xa bờ, mức an toàn là cách bờ 3-5 hải lý, hoặc ra hẳn các vùng biển hở, mở. Khắc phục tình trạng nuôi bằng vật liệu lồng bè làm từ phao xốp, nuôi bằng thức ăn tươi sống sang các loại vật liệu mới bền vững, thân thiện với môi trường, bằng thức ăn công nghiệp. Điều này sẽ mang lại cho thủy sản Quảng Ninh những thông số rõ ràng, ổn định về sản lượng, chất lượng, thời điểm thu hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật trên từng loại sản phẩm thủy sản, từng vùng nuôi, từ đó xác định mức độ phù hợp với từng thị trường, từng mã hàng tiêu thụ…

Người dân Vân Đồn thu hoạch hàu sữa.

Bên cạnh đó, củng cố khung pháp lý cho các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến thủy sản, đặc biệt là có cơ chế khuyến khích hình thành các cơ sở chế biến thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và toàn cầu là một yêu cầu đặt ra, trong đó trước tiên là về quỹ đất, về quy hoạch các cụm công nghiệp tập trung, về cơ chế vốn vay, tiếp cận thiết bị, công nghệ mới... Cùng với đó nhu cầu về một trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản đầu mối của tỉnh là rất cần thiết.

Ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương: “Chú trọng đầu tư chế biến, bảo quản, đóng gói, đa dạng hóa sản phẩm”: Thị trường tiêu thụ các mặt hàng thủy sản hiện khá bấp bênh, thời gian bảo quản ngắn, chủ yếu tiêu thụ ở dạng thô. Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thì một giải pháp quan trọng là xuất khẩu. Bên cạnh các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mới. Cùng với đó, nội địa cũng là thị trường nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, dù xuất khẩu hay nội địa thì doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư chế biến, bảo quản, đóng gói, đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, áp dụng các công nghệ vào sản xuất để đảm bảo VSATTP. Có như vậy mới gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường, thuận lợi trong việc tiêu thụ.

Ông Nguyễn Quang Sáng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Quảng Ninh: “Để mọi lô sản phẩm xuất đều đủ thông số an toàn”: Công ty CP XNK Thủy sản Quảng Ninh hiện là đơn vị duy nhất của tỉnh có mã xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường Đài Loan. Nhằm mở rộng sản xuất cũng là thực hiện chủ trương của tỉnh trong việc tăng cường tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên địa bàn, gần đây đơn vị “bắt tay” với người dân, các cơ sở sơ chế ban đầu sản phẩm hàu sữa để sơ chế lại, đóng gói xuất vào thị trường Đài Loan. Việc này thực tế là chưa đảm bảo hết các tiêu chuẩn kỹ thuật, bởi việc nuôi trồng, sơ chế còn mang tính tự phát, chưa được cấp các thủ tục cần thiết về vùng nuôi, quy trình sơ chế an toàn. Thời điểm này Đài Loan đang có mức tiêu dùng lớn, cầu vượt cung, nhiều tiêu chí kỹ thuật tạm thời còn thông thoáng, về lâu dài chắc chắn các tiêu chí này sẽ bị thắt chặt lại. Dẫu có muốn, Công ty cũng khó có thể hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản cho người nuôi. Bởi vậy, cả đơn vị chức năng và người dân cần phải có hành động cho việc này, để mọi lô sản phẩm Công ty xuất đi là đủ thông số an toàn từ vùng nuôi đến chế biến.

Chị Lê Thị Hải, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà: “Kiểm soát tốt vùng nuôi trồng”: Bắt đầu nuôi trồng thủy sản từ năm 2017, đến nay gia đình tôi có 2ha nuôi ngao 2 cùi, sản lượng gần 200 tấn/năm. Gia đình tôi cũng thu mua thêm ngao của người dân trong vùng sản xuất. Thị trường tiêu thụ chính vẫn là bán cho các thương lái để tiêu thụ qua Trung Quốc bằng nhiều đường khác nhau; tiến xa hơn là xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc. Sản phẩm xuất khẩu có những yêu cầu khắt khe về các điều kiện, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ; trong khi đó bà con hiện vẫn nuôi trồng thủy sản mang tính tự phát, cảm tính; chưa có định hướng trong việc tạo ra thương hiệu cho sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi hy vọng thời gian tới các ban, ngành nhanh chóng vào cuộc kiểm soát vùng nuôi trồng, quy trình nuôi, để đáp ứng yêu cầu khi xuất khẩu sản phẩm chính ngạch.

Nhóm PV (Thực hiện)

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang