• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đắk Nông: Nông dân tiếp tục ‘mắc kẹt’ với hồ tiêu

Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 24/02/2020
Ngày cập nhật: 26/2/2020

Bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu năm nay, nhiều hộ nông dân tỏ ra chán nản do năng suất, giá bán thấp, nhân công khan hiếm. Tuy vậy, để vớt vát lại các khoản đầu tư, bà con nông dân vẫn phải "căng sức" thu hoạch tiêu, chạy đua với mùa vụ.

Đang cùng với các thành viên trong gia đình tranh thủ thu hoạch hồ tiêu, ông Trần Văn Phúc, thôn 8, xã Quảng Khê (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) thở dài cho hay, gia đình có 3.000 trụ tiêu thu chính được 2 năm nay. Thời điểm giá hồ tiêu lên cao, gia đình ông đã đổ hết vốn liếng để mua trụ, mua giống về trồng. Khi vườn hồ tiêu bước vào kinh doanh thì tiêu mất giá, thu nhập từ vườn tiêu không đủ trả nợ đầu tư, nên ông đành hạn chế thuê nhân công thu hoạch.

Nhân công khan hiếm nên ông Trần Văn Phúc, thôn 8, xã Quảng Khê (Đắk Glong) chỉ sử dụng thành viên trong gia đình để thu hoạch hồ tiêu

Ông Phúc cho biết: “Nhân công thu hoạch hồ tiêu tăng cao, nên hàng ngày chỉ có 3 người trong gia đình tự thu hái. Bởi, nếu thuê nhân công và cộng chi phí đầu tư phân bón, thuốc men thì gia đình sẽ không có lãi, thậm chí lỗ vốn. Do đó, gia đình tôi tranh thủ tự hái, hạn chế kêu công ngoài”.

Còn gia đình ông Lê Văn Quyền, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) cũng vất vả tìm nhân công thu hoạch 2.000 trụ tiêu. Những vụ mùa trước, vườn tiêu của gia đình thường xuyên có hàng chục nhân công thu hoạch vườn tiêu. Năm nay, đầu vụ ông thuê được 6 người, khi hái được vài trăm trụ thì người làm bỏ đi dần vì cho rằng, vườn tiêu khó hái, không bù lại được ngày công.

Ông Quyền cho biết: “Tôi thuê người hái tiêu theo công ngày không xong. Tôi chuyển sang giao khoán vườn tiêu để người ta thu hoạch cho kịp thời vụ, nhưng cũng không ai nhận. Hái khoán thì cuối ngày chia đôi sản lượng, nhưng tiêu mất mùa, nên cũng không đủ tiền công cho họ. Vì vậy họ không nhận thì mình cũng đành chịu và tự hái lấy”.

Gia đình ông Lê Văn Quyền, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) tìm người giao khoán vườn hồ tiêu để thu hoạch nhưng không có ai nhận.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, một hộ trồng tiêu ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa), nếu nhân công hái tiêu theo công nhật, mỗi ngày nhận 200.000 đồng thì họ cứ biết vậy, hái xong là có tiền mang về. Còn những người nhận khoán vườn để hái, mỗi ngày một công lao động hái tối đa khoảng 20 kg tiêu tươi, nếu gặp vườn tiêu khó hái mà chỉ nhận 10 kg tươi thì họ bị lỗ. Vì thông thường, cứ 4 kg tiêu tươi mới được 1 khô, đó là tiêu đạt tiêu chuẩn. Với giá bán 34.000 đồng/kg thì không đủ ngày công của họ. Cũng vì thu hái theo hình thức khoán vườn không bằng tiền công nhật, nên nhân công lao động thường chọn vườn đạt năng suất, địa hình bằng phẳng, dễ di chuyển để hái. Vì vậy, các chủ vườn tiêu phải có những khoản ưu đãi nhất định mới giữ được chân người làm cho đến cuối vụ. Có nhiều chủ vườn hoặc tăng giá từ 20.000 – 30.000 đồng/ngày hay rút ngắn thời gian lao động xuống còn 7 giờ/ngày so với 8 giờ như trước để giải quyết vườn tiêu không bị hao hụt do lưu trên cây quá ngày và chín rụng.

Đến thăm một số vườn tiêu ở thôn 9, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp), dù tiêu chín muồi nhưng vẫn thưa thớt người hái. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng thôn 9, xã Kiến Thành, vụ thu hoạch tiêu năm nay, đa số các hộ dân tận dụng nhân công của gia đình để thu hái mỗi ngày một ít. Tại các vùng trồng tiêu tập trung diện tích lớn, dù đang mùa thu hái rộ, nhưng đến đâu cũng gặp cảnh đìu hiu vì đa số các vườn đều tận dụng công gia đình để bù lỗ vật tư và công chăm sóc.

Chưa năm nào việc thu hái hồ tiêu lại khó khăn đối với các chủ vườn như năm nay. Nông dân không chỉ gặp cảnh mất mùa mà nhân công thu hoạch còn đắt đỏ, khó thuê. Hiện giá thuê nhân công thu hoạch hồ tiêu có giá từ 180.000 - 200.000 đồng/ngày. Trong khi hồ tiêu vụ này tiếp tục rớt giá thê thảm, chỉ còn 34.000 đồng/kg tiêu khô. Nhiều hộ gọi người hái tiêu theo kiểu khoán vườn để chia đôi sản phẩm, nhưng cũng chẳng ai nhận, nên phải đành tự sắp xếp thu hái được đến đâu hay đến đấy.

Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, hiện toàn tỉnh có trên 34.000 ha hồ tiêu. Những năm qua, cây hồ tiêu là một trong số loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Nhưng hiện nay, giá hồ tiêu xuống thấp, chi phí đầu tư chăm sóc, thuê nhân công ngày càng tăng cao, không mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng như trước đây. Chính vì vậy, thời gian qua, có không ít hộ nông dân đã bỏ bê vườn cây, khiến cho tiêu bị nhiễm bệnh, năng suất kém… Trước thực tế đó, các cấp, ngành và chính quyền các địa phương đã triển khai các chương trình khuyến nông, kết nối thị trường để động viên, khuyến khích bà con tiếp tục duy trì chăm sóc vườn cây. Trong đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập trung đẩy mạnh đề án tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất nhằm định hướng cho người dân theo hướng an toàn, hiệu quả. Các địa phương cũng chú trọng thực hiện tái canh một số diện tích hồ tiêu trồng trên đất không phù hợp, già cỗi, bị nhiễm bệnh để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như cây ngắn ngày hoặc đầu tư trồng xen các loại cây ăn trái nhằm cải thiện người thu nhập cho bà con.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang