• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

PN1 - Hướng tới phát triển bền vững

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 07/07/2020
Ngày cập nhật: 10/7/2020

Bình Phước là thủ phủ cây điều của cả nước với tổng diện tích hơn 137 ngàn ha. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh gây hại, nhiều vườn điều giống cũ, già cỗi suy thoái dẫn đến năng suất và chất lượng giảm. Từ năm 2019-2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã, đang triển khai một số dự án nhằm giúp nông dân trong tỉnh mở rộng diện tích trồng mới, thay thế giống điều cũ bằng giống điều mới có chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu và phát triển ngành điều trên địa bàn tỉnh một cách bền vững.

BẤT NGỜ TỪ GIỐNG ĐIỀU PN1

Gia đình bà Lại Thị Hồng Thảo ở thôn 4, xã Long Tân, huyện Phú Riềng có 5 ha điều, chủ yếu trồng bằng giống cũ. Do đã trồng gần 30 năm nên cây điều già cỗi, hay bị sâu bệnh, năng suất thấp, chất lượng kém. Đầu tháng 6-2020, gia đình bà Thảo được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh và Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ mô hình tái canh 1 ha điều. Bà Thảo cho biết: “Gia đình tôi có 5 ha điều. Mới đây tôi đã cắt trắng 1 ha, thuê máy cày xới, cải tạo đất cho tơi xốp, sau đó trồng (quy cách 5x5m) giống điều PN1 do Trại sản xuất giống cây trồng, vật nuôi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cung cấp. Sau 1 tháng trồng, tỷ lệ sống rất cao. Nếu mô hình này thành công thì gia đình sẽ tái canh toàn bộ diện tích còn lại”.

Anh Trịnh Đức Thiện, kỹ thuật viên Trại sản xuất giống cây trồng, vật nuôi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh ghép điều giống PN1

Gia đình bà Phạm Thị Tám ở thôn 4, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập, cũng được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh và Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ mô hình trồng mới 1 ha điều từ tháng 8-2019. Diện tích đất trồng của gia đình bà trước đây là sân bay dã chiến của Pháp. Đất rất xấu do có nhiều hố bom, mảnh đạn, dây kẽm gai và nhiều xăng dầu thời chiến tranh còn sót lại. Bề mặt đất chai lỳ, rất cứng. Bà Tám cho biết: “Khi gia đình tôi tiến hành trồng điều có rất nhiều người can ngăn, vì họ cho rằng cây điều sẽ không thể sống được. Nhưng tôi nghĩ, gia đình được hỗ trợ xây dựng mô hình điểm thì không nên lo lắng. Nếu giống điều tốt, cộng với sự chăm sóc cẩn thận thì đất sẽ không phụ công người”. Quả nhiên, mới trồng 10 tháng (từ tháng 8-2019 đến tháng 6-2020), đến nay cây điều đã cao bằng đầu người. Hầu hết các cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. Đặc biệt là ngay trong vụ điều 2020, tức là chỉ sau 7-8 tháng trồng, toàn bộ 1 ha điều đã cho thu bói 70kg, khiến gia đình bà rất bất ngờ và phấn khởi.

Thạc sĩ nông học Nguyễn Duy Sử, Đội trưởng Đội sản xuất giống cây trồng, vật nuôi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh: Bám sát kế hoạch hoạt động của đơn vị, đồng thời nắm bắt được nhu cầu của nông dân trong và ngoài tỉnh, năm nay, trại đã chủ động chuẩn bị mọi điều kiện về mặt bằng, đất bầu, hạt giống, nhân lực để tổ chức sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu cho nông dân. Số lượng sản xuất cây giống hằng năm tùy thuộc vào các dự án của tỉnh, nhu cầu của nông dân và thường sản xuất khoảng trên dưới 100 ngàn cây điều giống PN1.

THÂM CANH THEO QUY TRÌNH

Từ năm 2019-2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh và Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục xây dựng mô hình liên kết sản xuất gồm 32 hộ thành viên với tổng diện tích 114 ha. Họ là những hộ đam mê phát triển cây điều tại xã Long Hưng, huyện Phú Riềng. Để nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, phổ biến kiến thức về quy trình trồng, chăm sóc cây điều theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển và từng thời điểm của mùa vụ. Bên cạnh đó, còn phổ biến những kiến thức cơ bản về phát triển cây điều theo mô hình sản xuất hữu cơ bền vững. Với phương pháp vừa triển khai tập huấn lý thuyết trên lớp vừa kết hợp thực hành tại rẫy điều, đồng thời so sánh kết quả thu hoạch điều vụ 2020 với những năm trước, nên nhiều nông dân trước đây làm theo cảm tính của bản thân, nay được lĩnh hội thêm nhiều kiến thức đã thực sự thuyết phục và thay đổi cách làm.

Ông Phạm Ngọc Huyện, Thư ký Câu lạc bộ liên kết sản xuất điều xã Long Hưng, huyện Phú Riềng cho biết: “Cụm từ tỉa cành, tạo tán, bón phân, xịt thuốc nghe nói thì quen, nhưng đa phần trước đó chúng tôi làm không đúng quy trình về thời gian và tỷ lệ tỉa thưa. Nay áp dụng theo hướng dẫn chăm sóc từng giai đoạn mới thấy hiệu quả vượt trội. Cây điều phát triển cao lớn, tăng sức đề kháng bệnh tật và phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, ngay vụ đầu thực hiện theo quy trình hướng dẫn, năng suất bình quân của 32 hộ vụ 2020 đã đạt 2,65 tấn/ha, cao hơn 0,5 tấn/ha so với vụ 2019”.

Ông Võ Đình Khánh, Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, Chủ nhiệm Dự án xây dựng và phát triển mô hình sản xuất điều bền vững thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ năm 2019-2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai thực hiện 4 mô hình: Trồng mới, tái canh, thâm canh và liên kết với 182 hộ thụ hưởng tại các huyện Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Gia Mập trên tổng diện tích gần 264 ha. Đối với 150 mô hình tái canh, trồng mới, thâm canh, mỗi mô hình được dự án hỗ trợ 70% kinh phí, số còn lại các hộ thụ hưởng đối ứng. Dự án liên kết sản xuất tạo ra chuỗi giá trị sẽ được thực hiện các bước đầu tư theo lộ trình kế hoạch, từ việc đáp ứng khoa học - kỹ thuật, đảm bảo yếu tố đầu vào (phân bón, giống, vật tư...), đầu ra (bao tiêu sản phẩm, ổn định giá…) cho nông dân. Sau hơn 1 năm đầu tư, dự án phát triển điều bền vững tại tỉnh Bình Phước đã đạt nhiều kết quả khả quan.

Ông Ngô Văn Uẩn, Phó chủ tịch UBND xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập: Xã Đa Kia có khoảng 4.000 ha điều. Hơn 65% diện tích điều nay đã già cỗi, phần lớn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xã mong muốn dự án mở rộng phạm vi đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ cây giống, quy trình thâm canh nhằm giúp bà con nâng cao giá trị sản xuất cây điều trên địa bàn.

Quang Minh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang