• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gỡ khó cho mai vàng Tân Tây

Nguồn tin: Báo Báo Long An, 15/12/2021
Ngày cập nhật: 16/12/2021

Những năm qua, nhiều nông dân xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An xây dựng được nhà cửa khang trang, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên,... là nhờ cây mai vàng. Tuy nhiên, hiện nay, Làng nghề trồng mai vàng Tân Tây còn gặp nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời của các cấp, các ngành.

Làm giàu từ cây mai vàng

Chúng tôi men theo Quốc lộ 62 về thăm Làng nghề trồng mai vàng xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa vào những ngày cuối năm. Ông Nguyễn Văn Hoàng (Trưởng ban Đại diện Làng nghề Trồng mai vàng xã Tân Tây) khẳng định: “Ngày trước, đi hết xã, kiếm được căn nhà khang trang mỏi cả mắt, còn bây giờ ai cũng khấm khá, việc xây nhà dễ dàng hơn, có khi chỉ cần bán một cây mai là xây được!”.

Đời sống người dân làng nghề trồng mai ngày càng được nâng lên, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên san sát. Làm sao không khá được khi chỉ cần trồng 1ha mai vàng thì thu về lợi nhuận gấp 10 lần so với trồng lúa. Ông Huỳnh Văn Thủy (ấp 4) cho biết: “Bình quân 1ha trồng được 1.800 gốc mai, sau 3-4 năm, bán với giá trung bình 2,5 triệu đồng/gốc, thu về hơn 4,5 tỉ đồng. Trồng mai không lo về khâu tiêu thụ hay rớt giá bởi mai trồng càng lâu thì giá trị kinh tế càng cao. Lúc trước, làm lúa thì kinh tế gia đình chỉ ở mức trung bình, từ ngày chuyển sang trồng mai, kinh tế tốt hơn nhiều. Nhờ trồng 3ha mai vàng, gia đình tôi xây được ngôi nhà mới trị giá hơn 1 tỉ đồng, lo cho con đi học, mua sắm đầy đủ tiện nghi trong nhà, cuộc sống gia đình thoải mái hơn nhiều”.

Người dân xã Tân Tây làm giàu nhờ cây mai vàng

Còn nhiều khó khăn

Được biết, năm 2018, toàn xã chỉ có 180ha đất tràm, đất lúa được người dân chuyển sang trồng mai vàng thì đến cuối năm 2021 tăng lên gần 340ha. Đặc biệt, năm 2020, Tân Tây được công nhận Làng nghề trồng mai vàng. Qua đó, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, thúc đẩy phát triển du lịch, KT - XH địa phương.

Tuy nhiên, Làng nghề trồng mai vàng Tân Tây vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết thêm: “Diện tích trồng mai vàng chủ yếu tập trung ở ấp 3, 4 nhưng đường vào các ấp này rất khó đi, đường nhỏ, chỉ vừa đủ một chiếc xe máy chạy. Mùa mưa, đường sình lầy. Mùa lũ, đường ngập nước không thể nào đi được.

Ngoài ra, do người dân sống rải rác nên việc kéo điện cũng chưa thực hiện được, người dân chủ yếu sử dụng điện tổ với giá 7.000 đồng/kWh nhưng điện rất yếu nên khó khăn khi áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi kiến nghị các cấp, các ngành bố trí kinh phí đầu tư đường và điện, góp phần cho làng nghề ngày càng phát triển”.

Từ khi chuyển sang trồng mai vàng, anh Phạm Văn Đựng (ấp 4) mạnh dạn đầu tư 2 mô tơ điện để bơm nước tưới. Tuy nhiên, do sử dụng điện tổ nên không sử dụng mô tơ được. Thay vào đó, anh phải đầu tư thêm máy dầu và ống bơm nước với chi phí gần 30 triệu đồng.

Anh Đựng nhẩm tính: “Giá 1 kWh điện hạ thế là 3.000 đồng, bơm được 1 giờ, còn sử dụng máy dầu, 1 giờ bơm nước tốn gần 20.000 đồng. Do đó, nông dân muốn sử dụng bơm điện để tiết kiệm chi chí nhưng điện tổ không đáp ứng được. Giờ đây, người dân rất mong sớm có điện để sản xuất và đường đi được đầu tư để thuận lợi hơn. Chỉ cần địa phương phát động, chúng tôi hưởng ứng ngay”.

Làng nghề trồng mai vàng Tân Tây đang phát triển theo hướng du lịch sinh thái miệt vườn. Thiết nghĩ, để đạt kế hoạch, các cấp, các ngành cần sớm bố trí kinh phí đầu tư điện, đường, tạo thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Và đây chính là “chìa khóa” giúp làng nghề ngày càng phát triển./.

Minh Thư

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang