Nguồn tin: Báo Tuyên Quang, 3/1/2023
Ngày cập nhật:
9/1/2023
Lợn tên lửa (Lợn đen) mõm dài, người thon và có bộ lông đen tuyền được người dân vùng cao chăn nuôi. Lợn đen có sức chống chịu tốt, dễ nuôi, chủ yếu chăn thả ngoài tự nhiên nên lợn chậm lớn hơn lợn trắng nhưng thịt chắc và ngon. Trước đây, lợn đen được người dân vùng cao nuôi làm thực phẩm dùng trong gia đình, nhưng những năm gần đây lợn đen được nhiều người tìm mua và trở thành đặc sản đắt hàng trong mỗi dịp cuối năm, giáp Tết.
Người dân thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) chăn nuôi lợn đen theo hướng bán chăn thả.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc nuôi lợn đen, nhất là vào dịp Tết, năm 2020, anh Triệu Tòn Quang, thôn Nà Co, xã Xuân Lập (Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) mua 10 con lợn đen giống về nuôi. Sau 7 tháng nuôi lợn đạt 30 kg, lứa lợn đầu tiên bán đi có lãi, năm 2021 anh được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp qua Đoàn thanh niên để tăng đàn lợn lên 30 con. Hiện nay, mỗi năm gia đình anh xuất được 2 lứa lợn, thu lãi hơn 60 triệu đồng. Anh Quang bảo “Hiện trong chuồng còn 7 con lợn nữa, mỗi con khoảng 20 kg/con. Thời điểm này giá lợn đang là 90.000 - 95.000 đồng/kg, gia đình sẽ xuất bán dịp cận Tết, đó sẽ là khoản thu nhập để gia đình sắm sửa Tết”.
Xã Khuôn Hà có địa hình thuận lợi để phát triển chăn nuôi lợn đen, người dân đẩy mạnh chăn nuôi lợn đen theo hướng hàng hóa. Hiện tổng đàn lợn đen của xã là 4.113 con; trên địa bàn đã hình thành 9 nhóm sở thích chăn nuôi lợn đen, mỗi nhóm từ 10 - 20 thành viên. Anh Ma Văn Dự, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khuôn Hà (Lâm Bình) cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng hơn 200 hộ chăn nuôi lợn đen, tập trung nhiều ở các thôn: Nà Vàng, Nà Chang, Nà Hu, Kà Nò, nhiều hộ có đàn lợn từ 30 - 50 con. Các hộ tập trung chăn nuôi cung cấp lợn thương phẩm dịp Tết, bởi giá lợn dịp này cao hơn giá lợn trong năm từ 10 - 20 giá. Dịp Tết này nhu cầu tiêu thụ lợn đen bản địa là rất cao, nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi lợn đen.
Ông Phùng Văn Tỵ, thôn Nà Chang, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) chăn nuôi 40 con đen mỗi lứa. Ông Tỵ cho biết, gia đình nhận khoán bảo vệ gần 30 ha rừng phòng hộ trên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Tận dụng những đảo nổi trên hồ, gia đình ông chăn nuôi lợn đen. Lợn đen được gia đình nuôi thả rông trong rừng, ăn rau, củ rừng; gia đình kết hợp chăn thêm ngô, chuối, sắn, nên thịt rất chắc, thơm ngon và ít mỡ nên được khách hàng rất ưa chuộng.
Theo ông Tỵ, lợn được chăn nuôi trên vùng lòng hồ thịt săn chắc, ngon nên giá cao hơn so với lợn đen chăn nuôi bán chăn thả. Gia đình ông vừa bán 21 con lợn, bình quân mỗi con từ 15 - 20 kg với giá 90.000 - 100.000 đồng/kg lợn hơi, trừ chi phí, gia đình thu lãi 30 triệu đồng. Hiện gia đình còn 19 con nhưng khách cũng đã đặt gần hết. Không chỉ riêng hộ gia đình ông Tỵ mà hiện nay trên địa bàn xã Khuôn Hà có khoảng 20 hộ chăn nuôi lợn đen trên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Để lợn đen trở thành vật nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã Khuôn Hà khuyến khích các hộ chăn nuôi tự nhân giống lợn bản địa, phát triển đàn lợn theo hướng thực phẩm sạch, an toàn, bằng thức ăn có sẵn của địa phương để giữ được chất lượng thịt khi đưa ra thị trường.
Anh Bàn Càn Thêm, thôn Hùng Dũng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn lợn đen.
Hơn 1 tháng nay, anh Bàn Càn Thêm, thôn Hùng Dũng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) lại tất bật vào các xã, các huyện vùng cao như: Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa; sang các tỉnh Bắc Cạn, Hà Giang... để tìm và thu mua lợn đen bán cho khách hàng vùng xuôi dịp Tết. Anh Thêm chia sẻ “Tôi làm nghề buôn bán lợn đen được 10 năm nay. Năm nào cũng vậy, trước Tết tầm 2 tháng, tôi đi đến các nơi để thu mua lợn đen về bán cho khách ở vùng xuôi chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh...
Từ đầu tháng 11 đến nay tôi đã thu mua, giao bán được hơn 400 con. Giống lợn này giờ ít người nuôi, chủ yếu người dân vùng sâu, vùng xa nuôi chăn thả ở vườn, ở nương nên ngày càng khan hiếm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của người dân ngày càng cao, nhất là vào dịp Tết. Hiện nay, lợn có trọng lượng từ 20 - 35 kg có giá bán 90.000 - 95.000 đồng/kg; lợn có trọng lượng từ 37 kg trở lên giá từ 75.000 - 80.000 đồng/kg. Đến thời điểm này, trong chuồng chỉ còn hơn 20 con nhưng khách cũng đã đặt hết”.
Để có thực phẩm cho Tết và làm quà cho người thân, anh Vũ Phong Trình, quận Hà Đông (TP Hà Nội) phải đặt 3 con lợn đen từ cuối tháng 10 âm lịch. Anh Trình chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, từ cuối tháng 10 tôi đã đặt mua lợn đen tại một hộ gia đình người quen ở thôn Hùng Dũng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa), nhờ gia đình họ nuôi hộ để đến Tết bắt về mổ, không đặt trước sợ không còn lợn để mua”.
Lợn đen nuôi tại các xã vùng cao, người dân chăn nuôi theo tính chất thủ công, không sử dụng cám tăng trọng nên chất lượng thịt tốt, thơm ngon. Cũng vì vậy, giá bán thịt lợn đen cao hơn thịt lợn thông thường khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg hơi. Tuy nhiên, chăn nuôi ở vùng cao chỉ phù hợp quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ nên việc kiểm soát dịch bệnh cũng là một vấn đề cần lưu ý, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu phi. Hiện thịt lợn đen số lượng có hạn, việc tiêu thụ ra ngoài địa bàn tỉnh cung vẫn không đủ cầu…
Bài, ảnh: Cao Huy
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.