Nguồn tin: Báo Kon Tum, 27/12/2023
Ngày cập nhật:
30/12/2023
Với mô hình nuôi ong lấy mật, mỗi năm, anh Đỗ Văn Hào (32 tuổi, ở thôn 1, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, Kon Tum) thu nhập hàng trăm triệu đồng, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Trước đây, gia đình anh Đỗ Văn Hào chỉ có thu nhập từ việc cạo mủ cao su và nuôi heo, vì vậy không cao, lại vất vả, nên anh Hào luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế mới. Thời điểm đó, thấy một số hộ dân trên địa bàn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ nuôi ong lấy mật, anh Hào tò mò, tìm đến học hỏi.
Qua tìm hiểu anh Hào nhận thấy việc nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, hơn nữa địa phương có điều kiện thuận lợi về khí hậu, nguồn mật dồi dào từ hoa cà phê, cao su rất thích hợp để ong sinh trưởng, phát triển. Vì vậy, năm 2020, anh Hào quyết định đầu tư, nuôi thử nghiệm 100 thùng ong. Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm nên không tránh khỏi những thất bại, ong bị bệnh thối ấu trùng, bị chết, bỏ đàn. Không đầu hàng trước khó khăn, anh Hào học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế từ những người nuôi ong lâu năm ở Bắc Giang, Hưng Yên, Nghệ An và mua sách báo về tìm hiểu. Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật học được, mô hình nuôi ong của anh Hào dần phát triển, cho năng suất ổn định. Năm 2021, khi đã có một số vốn từ việc bán mật, anh Hào nhân rộng lên 230 thùng ong.
Theo anh Hào, để đàn ong khỏe mạnh cho năng suất, chất lượng mật cao, đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận của người nuôi khi chăm sóc. Mỗi ngày phải tới thăm, thường xuyên kiểm tra, vệ sinh để thùng ong luôn khô ráo, sạch sẽ, chủ động phòng tránh bệnh và các loại côn trùng gây hại cho ong. Đặc biệt, người nuôi phải lưu ý đến quá trình sinh trưởng của đàn ong, nắm vững kỹ thuật tách đàn, tạo ong chúa, lấy mật, phấn hoa, xử lý kịp thời hiện tượng ong bốc bay và bệnh thối ấu trùng. Trong quá trình kiểm tra đàn ong phải hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận. Tùy theo từng thời điểm, phải có biện pháp chống rét, chống nóng thích hợp cho đàn ong.
Cũng theo anh Hào, nghề nuôi ong lấy mật phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, năm nào mưa nắng đan xen, cây cối đâm chồi nảy lộc, gặp được vùng hoa sum suê chỉ cần 10 ngày đến nửa tháng sẽ có được những bánh mật vàng ươm. Nếu thời tiết mưa gió thất thường sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng mật. Cụ thể, nếu trời mưa nhiều mật sẽ lỏng, nắng quá gắt thì mật lại sánh và khó vắt. Mật ngon phải có màu vàng nhạt, sóng sánh, có hương thơm của phấn hoa tự nhiên, có vị ngọt thanh chứ không ngọt gắt như đường.
Anh Hào cho hay, thông thường, ong sẽ cho mật từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Bởi lẽ, thời gian này hoa cà phê sẽ bắt đầu nở và cũng là lúc đàn ong đi hút mật nhiều nhất. Vì vậy, người nuôi phải tinh tế lựa chọn địa điểm đặt các đàn ong, nơi nào nhiều hoa sẽ đặt nhiều đàn, nơi nào ít hoa sẽ đặt ít đàn. Người nuôi phải am hiểu ong, biết rõ mùa nào hoa nở để di chuyển đàn ong đến chỗ có nguồn mật hoa dồi dào. Đôi khi phải phân đàn ở những địa điểm khác nhau để ong kiếm được lượng mật một cách tốt nhất.
Anh Hào thu hoạch mật ong luôn duy trì số lượng, nâng cao chất lượng. Ảnh: TH
“Trong quá trình nuôi ong lấy mật, người nuôi không chỉ phải khéo léo, tỉ mỉ, chịu khó chăm sóc mà còn phải am hiểu tập tính của loài ong, hiểu biết về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật, những nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Đặc biệt, phải nắm bắt được quy trình ra hoa của các giống cây, lựa chọn các loại hoa tạo mật tốt để ong hút nhụy tạo mật. Như vậy, mới có thể duy trì được số lượng đàn ong cũng như chất lượng mật ong” - anh Hào cho hay.
Với sự kiên trì, nỗ lực, mô hình nuôi ong lấy mật đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Hào, giúp gia đình anh có cuộc sống khá hơn. Hiện tại, anh Hào có 330 thùng ong, trung bình mỗi năm thu hoạch khoảng 25 tấn mật ong. Với giá bán trung bình khoảng 30 triệu đồng/tấn, anh Hào thu về hơn 350 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Thời gian tới, anh Hào tiếp tục nhân rộng mô hình, tích cực học hỏi nâng cao kinh nghiệm để đàn ong cho năng suất cao hơn, thu nhập tốt hơn.
Ông Nguyễn Quang Thịnh - Chủ tịch UBND xã Đăk La cho hay: Anh Đỗ Văn Hào một trong những tấm gương trẻ điển hình làm kinh tế giỏi với mô hình nuôi ong lấy mật, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ riêng gia đình anh Hào, thời gian qua, nghề nuôi ong lấy mật đã giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ việc nuôi ong lấy mật, trong những năm gần đây, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình nuôi ong lấy mật để nâng cao đời sống.
Thu Hiền
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.