• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân xã Phú Mỹ tăng thu nhập nhờ nuôi bò

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 17/04/2023
Ngày cập nhật: 20/4/2023

Trong không khí vui tươi của những ngày sắp đón tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023, chúng tôi có dịp đến xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) để tìm hiểu về đời sống của bà trên địa bàn xã và thấy rằng đời sống của nhiều hộ dân, đặc biệt là hộ dân tộc Khmer đã thoát nghèo bền vững, vươn lên thành hộ khá, giàu.

Ông Sơn Thi, ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ là nông dân người Khmer thoát nghèo từ việc chăn nuôi bò. Gặp chúng tôi trong lúc ông cùng những người thợ đang xây dựng ngôi nhà mới. Dù mồ hôi ướt đẫm, nhưng ông Sơn Thi vẫn nở nụ cười tươi, đưa tay chỉ về phía ngôi nhà đang xây, bộc bạch: “Để xây dựng được ngôi nhà này, tất cả là nhờ tiền dành dụm từ việc chăn nuôi bò và kinh doanh thêm các phụ phẩm phục vụ cho hộ chăn nuôi bò. Tôi ước tính số tiền xây nhà lên đến vài trăm triệu đồng. Mặc dù căn nhà hoàn thành không ngay tết Chôl Chnăm Thmây 2023 nhưng cả gia đình đều rất phấn khởi, vì sắp có căn nhà mới khang trang”.

Nhờ chăn nuôi bò mà ông Sơn Thi, ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) tích góp số tiền hàng trăm triệu đồng xây dựng căn nhà mới. Ảnh: THÚY LIỄU

Được biết, trước đây, hộ ông Sơn Thi thuộc diện hộ cận nghèo. Năm 2004, gia đình ông Sơn Thi được Dự án CIDA - Canada hỗ trợ 1 con bò lai sind. Chỉ với 1 con bò nuôi ban đầu, ông Thi đã phát triển đàn bò sữa tăng dần theo từng năm, năm 2012, đàn bò lên đến 20 con, trong đó có 6 con bò cho sữa mỗi ngày, còn lại là bò thịt. Hiện tại, trong chuồng có tổng số 8 con bò, trong đó có 4 con đang cho sữa, lượng sữa bò tươi thu về 50kg/ngày, giá bán 12.500 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận tầm 200.000 - 300.000 đồng/ngày.

Ông Sơn Thi chia sẻ: “Ngoài chăn nuôi bò, tôi còn đi thu mua rơm của các chủ ruộng bán lại cho những hộ nuôi để làm thức ăn cho bò và thu gom chất thải của bò bán cho các thương lái trong và ngoài tỉnh. Từ việc kinh doanh thêm “dịch vụ” liên quan đến chăn nuôi bò, tôi có thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng, cộng thêm số tiền bán sữa bò tươi, tôi bỏ túi hơn 10 triệu đồng/tháng".

Chúng tôi tiếp tục ghé qua nhà ông Lâm Đen, ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ. Theo lời ông Lâm Đen khi mới nuôi bò, ông mua 4 con bò cái nuôi để vắt sữa tươi bán, nhưng 10 năm trở lại đây, ông đã chuyển từ nuôi bò sữa sang nuôi bò thịt. Ông Đen lý giải: "Mặc dù nuôi bò sữa có thu nhập hàng ngày nhưng tính ra tốn nhiều công chăm sóc hơn so với nuôi bò thịt. Chi phí chăn nuôi bò sữa cũng cao hơn vì phải tốn tiền mua thêm các loại vitamin bổ sung, thức ăn cho bò, mới đảm bảo lượng sữa tươi thu hoạch mỗi ngày".

“Còn đối với con bò thịt, đến mùa thu hoạch lúa xong, đồng ruộng trống, thả bò ra đồng tự tìm thức ăn, đến xế chiều lùa bò về là chúng đã ăn no bụng. Tôi có tổng số 10 con bò thịt, trong đó có 4 con bò cái sinh sản. Số lượng bê đều dành nuôi bò thịt để bán. Nhờ đàn bò nhiều con sinh sản nên số bê cứ tăng lên theo từng năm và mỗi năm đều có bò thịt để bán cho thương lái từ 2 - 3 con. Bò trưởng thành có giá bán bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/con, trừ chi phí bỏ túi số tiền hàng chục triệu đồng/năm. Dự định tới, tôi nâng số bò sinh sản lên 8 con, nhằm tăng đàn bò thịt, góp phần tăng thu nhập cho gia đình" - ông Lâm Đen thông tin thêm.

Đồng chí Bành Đức Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ cho biết, số hộ dân tộc Khmer trên địa bàn xã chiếm 92%. Cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào canh tác lúa, trồng màu, vật nuôi chính là bò sữa và bò thịt. Theo thống kê, tổng đàn bò của xã là 1.960 con (trong đó có 543 con bò sữa), đã sụt giảm khoảng 50% so với 3 năm trước. Nguyên nhân số bò sữa giảm là do giá thức ăn tăng, giá sữa chưa được tốt nên hộ nuôi 1 - 2 con bò sữa không có lợi nhuận, từ đó bà con bán bò sữa để nuôi bò thịt và có hộ nghỉ nuôi bò chuyển sang trồng trọt. Tuy nhiên, trong hàng chục năm qua, nhiều hộ đã thoát nghèo một phần cũng nhờ vào chăn nuôi bò. Tới đây, để phát huy tiềm năng, lợi thế có sẵn từ chăn nuôi bò tại địa phương, xã sẽ tranh thủ sự hỗ trợ từ Dự án Phát triển chăn nuôi bò của tỉnh để tăng đàn bò sữa, bò thịt, vận động hộ dân nuôi từ 4 con bò sữa trở lên nhằm tạo nguồn thu nhập ổn định tại hộ…

Xã Phú Mỹ hôm nay đã thay áo mới, với các tuyến đường giao thông liên ấp, liên xã, ngôi nhà mới khang trang nằm cạnh nhau dọc trên các tuyến lộ giao thông nông thôn. Đời sống người dân Phú Mỹ hầu hết đều ấm no. Để cuộc sống thêm sung túc, theo khuyến cáo của các ngành chuyên môn, nếu có điều kiện, bà con chăn nuôi bò nên tăng số lượng đàn bò sữa, bò thịt, góp phần tăng thu nhập tại hộ và góp phần thực hiện thành công Đề án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

THÚY LIỄU

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang