Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai, 28/04/2023
Ngày cập nhật:
30/4/2023
Theo Quyết định số 296/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có 3.006 cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Trong đó, có 2.145 cơ sở di dời, 861 cơ sở ngưng chăn nuôi. Lộ trình thực hiện chậm nhất là trước ngày 1-1-2025.
Trang trại nuôi gà của ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành)
Quyết định trên khiến người chăn nuôi thuộc diện phải di dời lo lắng, nhất là trong tình hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn khi suốt nhiều tháng qua, sản phẩm chăn nuôi bán ra dưới giá thành sản xuất do chi phí đầu vào tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ giảm mạnh.
Mong được gia hạn cho những cơ sở không ô nhiễm
Trong tình hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra gặp khó khiến suốt thời gian dài, sản phẩm chăn nuôi bán ra dưới giá thành sản xuất. Việc hàng ngàn cơ sở chăn nuôi sẽ phải di dời khỏi khu vực không được phép chăn nuôi khiến người chăn nuôi càng thêm lo lắng và mong được hỗ trợ kịp thời.
Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) có trang trang trại thuộc diện phải di dời theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai. Ông Quyết kiến nghị: “Tỉnh nên tổ chức rà soát lại thật kỹ, những trường hợp chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường thì buộc phải ngưng hoặc di dời, điều đó hoàn toàn phù hợp vì chúng ta không thể đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Trường hợp nào mà có thể khắc phục được nên cho giãn lộ trình thực hiện; trường hợp nào vẫn có thể tồn tại, chúng ta nên có giải pháp”.
Cũng theo ông Quyết, trong thời gian ngắn không đầy 2 năm, toàn tỉnh buộc di dời và ngưng hoạt động hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi thì sẽ dẫn đến hệ lụy lớn. Thứ nhất là người chăn nuôi không xoay sở kịp để chuyển đổi nghề nghiệp. Thứ 2, việc di dời này sẽ dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất do việc đầu tư lại tại nơi mới sẽ mất thời gian, gặp nhiều khó khăn. Nhân dịp này, tất cả các hộ nông dân nhỏ lẻ nên hợp tác, liên kết lại để mở rộng quy mô nuôi, đưa khoa học công nghệ để tăng năng xuất, giảm giá thành nhằm tăng lợi thế cạnh tranh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh chia sẻ thêm, trong danh sách di dời các cơ sở chăn nuôi có quy mô khác nhau nhưng đều sẵn sàng thực hiện chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, Hiệp hội mong ngành chức năng cần xây dựng lộ trình phù hợp hơn. Ở đây, những trang trại nằm trong khu dân cư ngưng chăn nuôi là đúng vì ảnh hưởng đến môi trường. Những cơ sở nằm ngoài khu dân cư, khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường thì có thể xem xét gia hạn thêm thời gian. Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời cũng rất quan trọng.
Tại buổi làm việc với Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai vào tháng 3 vừa qua, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, việc di dời hoặc tạm ngưng hoạt động của hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai cần được xem xét cụ thể hơn về nhiều mặt như: đất đai, tiến độ di dời… Vì việc di dời và ngưng hoạt động của hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi một lúc là không hề đơn giản. Tất cả cần phải được làm theo luật Chăn nuôi và sắp tới sẽ có nghị định hướng dẫn.
Trang trại nuôi gà của ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành)
Đảm bảo chăn nuôi đúng quy hoạch
Theo Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND ban hành vào ngày 30-7-2021 về quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gồm: Khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Cụ thể, toàn bộ các phường, xã thuộc TP.Biên Hòa; toàn bộ các phường thuộc TP.Long Khánh (trừ các phường Bàu Sen, Xuân Lập, Suối Tre, Xuân Tân, Bảo Vinh); toàn bộ các phường thuộc thị xã; toàn bộ các thị trấn thuộc các huyện (trừ khu phố 4, khu phố 6 và khu phố 7 thuộc thị trấn Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu); các khu dân cư hiện hữu, khu dân cư theo quy hoạch, khu vực phát triển đô thị đã được xác định, định hướng trong các hồ sơ quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi (trừ cơ sở nuôi chim yến) xây dựng và hoạt động trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi thì phải ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời đến địa điểm phù hợp trước ngày 01-01-2025, các cơ sở không ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc không di dời sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Quyết định trên cũng ban hành chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi gồm: hỗ trợ chi phí di dời cơ sở chăn nuôi; hỗ trợ lãi suất vay đầu tư đối với dự án chăn nuôi mới. Cụ thể, đối với chăn nuôi nông hộ và trang trại quy mô nhỏ được hỗ trợ chi phí di dời cơ sở chăn nuôi: 4 triệu đồng/cơ sở. Đối với trang trại quy mô vừa và trang trại quy mô lớn được hỗ trợ chi phí di dời cơ sở chăn nuôi: 6 triệu đồng/cơ sở. Về hỗ trợ lãi suất vay đầu tư đối với dự án chăn nuôi mới sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay theo hợp đồng vay vốn trong hai năm đầu, 50% lãi suất vốn vay trong năm thứ ba. Mức hỗ trợ lãi suất trong ba năm không quá 300 triệu đồng đối với trang trại quy mô lớn, 150 triệu đồng đối với trang trại quy mô vừa, 60 triệu đồng đối với trang trại quy mô nhỏ. Mức lãi suất được hỗ trợ theo hợp đồng tín dụng nhưng tối đa không vượt quá lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại từng thời kỳ. Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng.
Ở góc độ địa phương, ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thống Nhất cho biết, H.Thống Nhất có khoảng 10% trên tổng số cơ sở chăn nuôi phải di dời hoặc ngưng hoạt động. Thời gian qua, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nên có một số cơ sở chăn nuôi, nhất là những cơ sở nằm trong khu dân cư đông đúc đã ngừng hoạt động. Địa phương đã nhận được quyết định di dời và ngưng chăn nuôi của tỉnh. Địa phương đang rà soát lại để triển khai. Trong đó, công tác chủ yếu hiện nay là tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc làm công tác vận động để các cơ sở chăn nuôi chấp hành theo quyết định của tỉnh.
Việc di dời các cơ sở chăn nuôi, Sở NN-PTNT được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc di dời. UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn quản lý theo đúng lộ trình đề ra.
Phan Anh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.