• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân mang mật ong lên Tiktok

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 13/01/2023
Ngày cập nhật: 14/1/2023

Một nông dân tổ chức liên kết sản xuất mật ong với 45 nông hộ; mỗi năm tiêu thụ hàng ngàn lít mật ong cà phê, hàng tấn phấn hoa, sữa ong chúa. Người nông dân này cũng tích cực ứng dụng mạng xã hội, đưa sản phẩm mật ong Lâm Đồng lên Tiktok, tiêu thụ mật và các sản phẩm từ ong một cách hiệu quả.

Anh Thái trực tiếp giới thiệu chất lượng mật ong

• LIÊN MINH SẢN XUẤT ONG THÁI DƯƠNG

Anh Lê Quốc Thái - Giám đốc Công ty Mật ong Thái Dương (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) mở đầu câu chuyện không dứt về con ong. Anh Thái bảo, anh vốn học kỹ thuật sửa chữa điện. Khi còn trẻ, vì mê âm nhạc, mong có thời gian học đàn nên anh bỏ nghề điện, quay về chăm sóc đàn ong, tiếp nối nghề cũ của gia đình. “Khi ấy, tôi còn trẻ, ham chơi nhạc, thấy nuôi ong nhàn nên về nhà nuôi ong cùng cha mẹ. Làm riết rồi gắn bó, yêu nghề. Vậy mà đã 20 năm tôi gắn bó với đàn ong”. Bắt đầu từ một sự tình cờ, anh Lê Quốc Thái đã xây dựng Công ty Ong Thái Dương như ngày hôm nay.

Ban đầu, anh Thái nuôi ong và bán mật giống như bà con địa phương vẫn làm. Đưa ong đi “ăn” theo mùa hoa, rong ruổi trên những nẻo đường từ vụ hoa này sang vụ hoa khác. Nhưng rồi nhận thấy Đức Trọng có những vườn cà phê bạt ngàn, anh Thái quyết tâm nuôi ong tại chỗ, cho ong ăn mật cà phê là chính. Anh chia sẻ, may mắn ngoài cà phê, quê anh còn khá nhiều loài hoa dại có thể giúp đàn ong thích ứng. Mùa khai thác mật chủ yếu vào mùa hoa cà phê. Còn những mùa không có hoa cà phê, đàn ong có thể tìm kiếm nguồn mật từ hoa dại để duy trì đàn. Đất lành, hoa cà phê hợp với con ong, anh Thái đã thu được những mùa mật ngọt.

Từ đàn ong, anh Lê Quốc Thái thu được rất nhiều sản phẩm. Từ những giọt mật nâu sánh đậm, những hạt phấn hoa thơm lừng, sữa ong chúa trắng ngà cho đến sáp ong, nhộng ong…, tất cả đều là những sản phẩm quý, phục vụ đời sống con người.

Mục tiêu của anh Thái còn lớn hơn, đó là tạo dựng một liên minh những người nuôi ong, cùng đoàn kết, thống nhất quy trình sản xuất, làm ra những sản phẩm chất lượng cao. Nghĩ là làm, anh quyết tâm xây dựng Liên kết hợp tác nông dân nuôi ong. Và, năm 2019, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã phê duyệt Dự án Sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với giá trị tiêu dùng sản phẩm mật ong. Công ty Mật ong Thái Dương được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng, chủ yếu dùng để hỗ trợ nông dân chuẩn hóa quy trình chăn nuôi ong. 45 nông hộ với xấp xỉ 4 ngàn thùng ong đã tham gia liên kết. Đứng đầu liên kết, anh Lê Quốc Thái hỗ trợ chi phí, hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và TP Bảo Lộc. Anh bảo, đất quê mình cà phê, hoa dại bạt ngàn, ong thoải mái hút mật, làm phấn, nông dân chỉ cần chăm chỉ, tinh ý là nuôi được ong, làm được mật.

• ĐƯA MẬT ONG LÊN TIKTOK

Đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, làm sao bán mật ong cũng như các sản phẩm khác với giá tốt? Ấy là trăn trở rất lớn của anh Lê Quốc Thái. Anh kể, ban đầu anh vẫn bán mật ong theo con đường truyền thống, tức là bán ở chợ, ở các cửa hàng, đưa vào siêu thị. Nhưng cung cấp mật ong theo kiểu truyền thống khiến chi phí đội lên cao, lại tốn nhiều công quản lý. Vậy là anh lại trăn trở suy nghĩ, tìm tòi mọi cách để đưa mật ong tới tay người tiêu dùng. Và được sự hỗ trợ của nhiều đối tác trẻ, anh Thái quyết định sử dụng mạng xã hội Tiktok để đưa thương hiệu mật ong Thái Dương đến với người tiêu dùng.

Anh Thái bắt đầu học cách lên mạng, cách chia sẻ thông tin, cách thể hiện trước đông đảo khán giả online trên mạng xã hội Tiktok. Trong góc vườn của Bee Garden, điểm nuôi ong cho du khách trải nghiệm, anh trực tiếp cầm từng cầu ong, cặn kẽ chia sẻ với khán giả cách con ong lấy mật, quạt cánh làm khô mật, cách con ong tạo ra phấn hoa…, những chia sẻ rất thú vị với người tiêu dùng. Với ID Tiktok Chú Thái nuôi ong, anh Lê Quốc Thái đưa người tiêu dùng gần với một trại ong, cảm nhận được sự vất vả của người nuôi ong, hành trình tìm kiếm mật của một chú ong thợ. Và kết quả không ngờ, mật ong mang thương hiệu Thái Dương được khán giả đón nhận tích cực.

Hiện tại, thông qua mạng xã hội Tiktok cũng như phân phối truyền thống, Công ty Mật ong Thái Dương cung ứng trên 100 tấn sản phẩm các loại gồm mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa, rượu ong… Tất cả đều do các nông hộ nằm trong chuỗi liên kết cung cấp cho công ty.

Anh Lê Quốc Thái khẳng định, dù bán bằng phương pháp nào, thương mại điện tử hay truyền thống thì điều quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm. Vì vậy, tất cả nông hộ tham gia chuỗi liên kết đều được tập huấn kỹ thuật rất kỹ, nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAHP. Sản phẩm mật ong Thái Dương cũng đã xây dựng chứng nhận OCOP, là một điểm son đảm bảo cho uy tín của công ty. Chất lượng chính là tiêu chí quan trọng nhất, đảm bảo sự phát triển bền vững của nghề ong cao nguyên.

DIỆP QUỲNH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang