Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 06/05/2023
Ngày cập nhật:
7/5/2023
Để tiếp tục tăng số lượng và chất lượng đàn bò, giúp người dân phát triển kinh tế từ nghề chăn nuôi, đồng thời tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm thịt bò vàng, UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã xây dựng Đề tài “Nhãn hiệu tập thể thịt bò vàng A Lưới” và tiếp tục triển khai thực hiện đề án phát triển đàn bò giai đoạn 2023-2025.
Xây dựng chuồng trại kiên cố, dùng thức ăn rơm cuộn cho bò hạn chế thiệt hại khi trời rét
Thay đổi tập quán
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, sau 7 năm thực hiện đề án phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả khả quan, từng bước nâng cao nhận thức cho người dân, chuyển từ phương thức chăn nuôi thả rong, không có chuồng trại sang chăn nuôi có kiểm soát, chuồng trại đảm bảo.
Để từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân, chính quyền địa phương đã quy hoạch các bãi chăn thả tập trung, trồng cỏ cung ứng thức ăn cho bò và hỗ trợ xây dựng chuồng trại kiên cố. Trước đây, mỗi mùa giá rét, hộ dân chăn nuôi bò ở Phú Vinh (A Lưới) lại “lo ngay ngáy” vật nuôi chết, thiệt hại kinh tế.
“Mùa rét vừa qua, xã vận động người dân dự trữ hơn 300 cuộn rơm cung ứng cho khoảng 230 con bò chăn nuôi trên địa bàn xã. Cùng với việc nuôi nhốt, phối trộn thức ăn đã bảo vệ được đàn gia súc an toàn”, ông Phạm Viết Ninh, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phú Vinh cho biết.
Mới đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp cùng Phòng NN&PTNT huyện A Lưới đã vận động bà con trên địa bàn huyện A Lưới triển khai mô hình thu gom rơm cuộn nhằm dự trữ thức ăn cho trâu bò. Song song với đó là việc gia cố chuồng trại, chuyển từ tập quán chăn nuôi thả rông đến nuôi nhốt trong mùa giá rét. Ngoài các bãi chăn thả tự nhiên, chính quyền địa phương cũng dành quỹ đất, tập trung phát triển diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, đến nay các địa phương trên địa bàn huyện A Lưới đã tiến hành dự trữ gần 1.000 cuộn rơm cho gia súc. Việc sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm cuộn, bã bia, bã sắn… để phối trộn làm thức ăn nuôi hiện đang được các cơ sở chăn nuôi trâu bò hướng đến.
Việc sử dụng rơm cuộn nhằm dự trữ thức ăn trong mùa mưa rét, hạn chế việc đốt rơm rạ sau thu hoạch cũng là những giải pháp để người nông dân hướng tới một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn để gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp, giúp tăng thu nhập của nông dân.
Nhãn hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới”
Nhằm tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm thịt bò A Lưới, tạo động lực thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò, mới đây UBND huyện A Lưới đã tổ chức công bố nhãn hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới” được bảo hộ Quốc gia, do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận. Việc công bố nhãn hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới” nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh, người dân... giúp nâng cao giá trị tài sản trí tuệ và sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa trên thị trường.
UBND huyện xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện đề án phát triển đàn bò giai đoạn 2023-2025, với tổng kinh phí thực hiện hơn 33,5 tỷ đồng. Mục tiêu tiếp tục tăng số lượng và chất lượng đàn bò trên địa bàn huyện, phấn đấu đến cuối năm 2025 tổng đàn bò có mặt đạt 12.000 con.
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2023 - 2025, nhập vào địa bàn huyện khoảng 1.800 con bò cái hậu bị (bò vàng và bò lai 25% máu ngoại) từ nguồn vay vốn ngân hàng và từ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án. Phối giống bằng thụ tinh nhân tạo cho 1.200 con bò cái, trồng mới 45ha cỏ và tiến hành tập huấn cho nông dân, kỹ thuật viên và cán bộ thú y cơ sở.
Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới thông tin, nhằm hướng đến chăn nuôi bền vũng, hàng năm các địa phương bố trí lại cơ cấu cây trồng, chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây như ngô, cây họ đậu, khoai lang, thức ăn xanh chủ động một phần nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Đối với chăn nuôi bò theo quy mô nông hộ cần xây dựng chuồng trại tách biệt với khu nhà ở để thuận tiện cho việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Xây dựng chuồng trại phải thực hiện theo các hướng dẫn kỹ thuật và theo qui định của ngành NN&PTNT.
Về lâu dài địa phương sẽ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương bao gồm thịt bò và các sản phẩm khác. Kêu gọi các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các cá nhân có điều kiện đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi và chế biến nông sản. Ưu tiên các doanh nghiệp liên kết với nông dân để thu mua, chế biến sản phẩm thịt bò. Ngoài ra, bảo hộ thực hiện tốt quản lý nhãn hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.
A Lưới tập trung tuyên truyền hướng dẫn nông dân xây dựng chuồng trại hợp lý, đảm bảo vệ sinh thú y. Tổ chức tiêm phòng định kỳ và điều trị kịp thời các bệnh trên đàn bò, định kỳ phun thuốc tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra và lây lan. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát điều kiện chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh thú y đối với các hộ chăn nuôi, đặc biệt là các vùng chăn nuôi tập trung.
Bài, ảnh: NGUYỄN KHÁNH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.