Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 22/05/2023
Ngày cập nhật:
25/5/2023
Thời tiết đang vào thời điểm chuyển mùa, mưa và nắng nóng bất thường, kéo dài làm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi trong mỗi gia đình. Ngành Thú y TP Cần Thơ cảnh báo dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có thể xảy ra, nhất là dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng… có khả năng xuất hiện. Do đó, công tác phòng tránh, ngăn ngừa dịch bệnh xuất hiện, xâm nhập, lây lan đang cần được các ngành, các cấp và người dân chăn nuôi tập trung thực hiện.
Khả năng xuất hiện dịch bệnh…
Mô hình chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh được phát triển tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
Theo Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thất thường là nguyên nhân có thể làm xuất hiện và lây lan nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh vào đầu mùa mưa, như cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, dịch lở mồm long móng... vẫn có nguy cơ phát sinh cao. Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2023, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, với 5 ổ dịch cúm gia cầm tại 4 tỉnh, 15 ổ dịch lở mồm long móng, 31 ổ dịch viêm da nổi cục tại 5 tỉnh và 81 ổ dịch tả heo châu Phi tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đáng lo ngại, dịch bệnh tai xanh sau nhiều năm đã được khống chế tốt gần đây đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Lào Cai, Phú Thọ… Ngành Thú y nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, nhất là thời điểm chuyển mùa, nắng nóng chuyển sang mùa mưa. Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương trong cả nước, đặc biệt vùng ĐBSCL tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; rà soát, tổ chức tiêm phòng vaccine cho gia súc, gia cầm; tổ chức ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập nhậu trái phép, truyền nhiễm dịch bệnh…
Tại TP Cần Thơ, từ đầu năm 2023 đến nay, ngành Thú y thành phố đã tăng cường kiểm tra, phòng ngừa, hạn chế được dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều hộ dân, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thì thời điểm chuyển mùa, từ mùa khô sang mùa mưa, dịch bệnh thường xuất hiện trên đàn gia súc, gia cầm. Anh Trần Thanh Tâm, ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), cho biết: "Hằng năm vào mùa này, thời tiết nắng nóng, mưa, lạnh xuất hiện bất thường nên dịch cúm trên đàn gia cầm, gia súc thường hay xảy ra. Do đó, nuôi gà, vịt, heo… trong thời gian này phải hết sức cẩn trọng, phòng ngừa. Chăn nuôi gà, vịt, heo trong mùa này tôi cảnh giác dịch bệnh rất cao và tiêm vaccine phòng, ngừa bệnh theo đúng hướng dẫn của ngành Thú y địa phương".
Hiện nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn TP Cần Thơ có chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Toàn thành phố có tổng đàn heo 126.563 con, đạt 93,8% kế hoạch, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu 271 con, đàn bò 4.413 con, đạt 91,9% kế hoạch, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2022; đàn gia cầm 2,08 triệu con, vượt 4,1% kế hoạch, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng thịt hơi các loại cung cấp thị trường đạt 13.364 tấn; trứng gia cầm 31.593.400 quả, đạt 34% kế hoạch, tương đương so với cùng kỳ 2022... Các sản phẩm trên cung cấp thị trường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Giải pháp
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, hiện thành phố có 291 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Qua các đợt dịch bệnh bùng phát như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi ở những năm trước, các cơ sở, trại chăn nuôi từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng trang trại, chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi an toàn và di dời các điểm chăn nuôi ra xa các khu dân cư, khu đô thị. Ông Lê Trung Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, nhận định: "Hiện hoạt động chuyển đổi phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP được hình thành tại TP Cần Thơ. Thành phố xây dựng 4 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, thực hiện hỗ trợ xây dựng 9 mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP và 12 mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật. Các cơ sở, trại chăn nuôi thực hiện mô hình theo hướng xây dựng cơ sở, hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch sẽ có nhiều lợi ích trong viêc quản lý chất lượng giống, vật tư, thức ăn chăn nuôi. Công tác ngăn ngừa tình trạng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào thành phố đang được ngành Thú y tập trung thực hiện, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài…".
Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp tại các địa phương có chung biên giới với các nước, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam. Đây có thể là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ các chủng vi-rút cúm gia cầm thể độc lực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam, lây lan sang các địa phương khác, đặc biệt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước và sức khỏe người dân. Để ngăn chặn các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhiễm vào Việt Nam, bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam; chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 của địa phương cần chủ động triển khai các hoạt động, giải pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào Việt Nam; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên thị trường…
Mới đây, ngày 10-5-2023, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường có ý kiến chỉ đạo: "Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Công an thành phố, Cục Quản lý thị trường Cần Thơ, Cục Hải quan thành phố và UBND quận, huyện tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam, vào thị trường TP Cần Thơ; đồng thời tổng hợp, thông báo các vấn đề phát sinh về vận chuyển, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép trên địa bàn; tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn đàn vật nuôi, gia súc, gia cầm trong thời điểm chuyển mùa...".
Bài, ảnh: HÀ VĂN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.