• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ninh Bình: Mùa mật ngọt nơi rừng ngập mặn Kim Sơn

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Ninh Bình, 14/06/2023
Ngày cập nhật: 18/6/2023

Cứ khoảng tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, những cánh rừng sú, vẹt ven biển huyện Kim Sơn (Ninh Bình) lại nở hoa trắng muốt cả một vùng. Đó cũng là lúc các chủ ong đưa đàn ong của mình về đây, để chắt chiu những giọt mật thơm ngon, sánh mịn, đậm đà hương biển.

Công việc thường ngày của người nuôi ong là đảo cầu để mật lên đều, kiểm tra từng thùng ong để kịp thời theo dõi sức khỏe của đàn ong.

Năm nay, anh Trần Văn Đông ở xã Văn Hải, huyện Kim Sơn đã đưa về cánh rừng ngập mặn này 1.200 đàn ong để lấy mật hoa sú, vẹt. Thời điểm chúng tôi có mặt, cũng là lúc gia đình anh Đông đang quay mật, có hàng chục người cùng tham gia công việc này. Ai cũng trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ bao gồm găng tay, mũ, lưới chùm mặt...

Mỗi người một việc, trước tiên, có một người sẽ mở nắp thùng ong để kiểm tra các cầu ong. Một người khác thì hun khói nhằm làm dịu bầy ong, sau đó, nhấc từng cầu ong lên lắc nhẹ để phần lớn bầy ong bay đi, những con ong còn kiên trì bám trụ lại sẽ được thợ ong dùng bàn chải gạt ra. Từng cầu ong được đưa về điểm tập trung cắt nắp và cho vào thùng quay ly tâm, cho ra những giọt mật sánh vàng, tinh túy, ngọt lịm.

Anh Đông chia sẻ: "Để có chất lượng mật tốt, quan trọng nhất là phải có đàn ong khỏe mạnh. Kế đến, phải chọn được thời điểm quay mật phù hợp. Chỉ quay mật khi kiểm tra thấy các tổ ong chứa mật đã được bày ong dán kín 75% bề mặt khung. Nếu hơn 1/4 bề mặt tảng ong không được bảo vệ, nghĩa là mật chưa được ong quạt hết hơi nước, chưa trải qua quá trình sinh hóa enzyme hoàn chỉnh. Nếu chúng ta vẫn tiến hành chiết xuất khung như vậy, thì mật sẽ loãng, chất lượng không đảm bảo". Được biết, mỗi năm anh Đông thu hoạch được hơn 30 tấn mật, trong đó riêng mật sú, vẹt là chiếm khoảng 30% sản lượng.

Gắn bó với nghề nuôi ong hàng chục năm nay, quanh năm chị Trần Thị Tươi ở phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp rong ruổi khắp miền đất nước đưa ong đi lấy mật theo từng mùa hoa, hết mùa hoa vải, hoa nhãn ở Hưng Yên, Bắc Giang rồi vào Tây Nguyên để lấy mật hoa cà phê... Tuy nhiên, rừng ngập mặn ở Kim Sơn là địa chỉ lấy mật mà chị Tươi tâm đắc nhất.

"Cây sú, vẹt mọc ngoài biển, giữa một hệ sinh thái hoàn toàn tự nhiên, trong lành, không bị nhiễm các hóa chất như phân bón, thuốc BVTV độc hại nên có vị đậm đà, mùi thơm đặc trưng, rất lành và bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe, được thị trường ưa chuộng" - chị Tươi cho biết.

Cũng theo chị Tươi, với 360 đàn ong, mỗi mùa sú vẹt, gia đình chị thu hoạch khoảng 5 tấn mật. Sản phẩm làm ra chị bán lẻ cho người dân quanh vùng và các công ty dược với giá từ 80-90 nghìn đồng/1kg, thu về khoảng 300 triệu đồng.

Cũng là một người thường xuyên đưa đàn ong về vùng rừng ngập mặn này lấy mật, anh Trần Văn Lợi ở xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, chia sẻ: Nghề nuôi ong cho thu nhập cao song không phải ai cũng theo được vì nghề này đòi hỏi sự cần cù, chịu khó. Như thời điểm này, thời tiết nắng nóng gay gắt, những người nuôi ong như anh phải thường xuyên chăm chút cho đàn ong, làm mái che để tránh để tia nắng mùa hè trực tiếp chiếu vào tổ, vệ sinh thùng ong cẩn thận, sạch sẽ. Thường xuyên đảo cầu để mật lên đều, kiểm tra từng thùng ong xem ong có khỏe mạnh, lấy đủ lượng phấn hoa cần thiết hay không. Bên cạnh đó, còn phải nắm bắt được diễn biến sức khỏe của từng đàn ong bởi đây là loài rất nhạy cảm với thời tiết và dễ nhiễm bệnh.

Vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn có diện tích hàng nghìn ha và hàng năm vẫn tiếp tục được bồi tụ tiến ra biển từ 80 - 100m. Nhiều năm qua, với sự nỗ lực trồng, chăm sóc, bảo vệ của người dân, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, nơi đây dần được phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng ngập mặn, chủ yếu là bần chua, sú, vẹt...

Không chỉ là "bức tường xanh" bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái ven biển, rừng ngập mặn Kim Sơn còn tạo ra sinh kế bền vững cho người dân sống quanh vùng. Trong đó, nuôi ong lấy mật là một mô hình tiêu biểu. Mỗi mùa hoa sú, vẹt có khoảng 20 chủ nuôi với khoảng 5 nghìn đàn ong về lấy mật, sản lượng mật vào khoảng 50-70 tấn, giá trị hàng tỷ đồng.

Thiết nghĩ, nếu được quy hoạch, có định hướng, phương án quản lý, hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu thì chắc chắn sản phẩm mật ong Kim Sơn sẽ mở rộng được thị trường và cho giá trị cao hơn.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang