Nguồn tin: Báo Nam Định, 13/07/2023
Ngày cập nhật:
15/7/2023
Mùa hè năm nay, những đợt nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao phổ biến 37-40 độ C diễn ra gay gắt đã ảnh hưởng đến sức đề kháng, làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Trước tình hình này, các hộ chăn nuôi đã áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, giảm tối đa thiệt hại do nắng nóng.
Trong những ngày nắng nóng, người dân xã Yên Phong (Ý Yên) thường xuyên tắm cho lợn và làm sạch chuồng nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.
Chủ động ứng phó với nắng nóng
Theo đồng chí Lê Thị Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam Định (Sở NN và PTNT): “Để tăng sức đề kháng, phòng chống “stress nhiệt” cho đàn lợn, bà con có thể cho uống Bcomplex, Vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa. Mỗi ngày tắm cho đàn lợn ít nhất 1 lần để giảm nhiệt cho cơ thể, không nên tắm cho gia súc vào buổi trưa và lúc nắng nóng. Đặc biệt, thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, thường xuyên thu dọn, vệ sinh chuồng nuôi, định kỳ vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại”. Đồng chí Tống Văn Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thắng (Ý Yên) cho biết: “Chủ động phòng chống nắng nóng cho đàn vật nuôi, UBND xã đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi thường xuyên kiểm tra chuồng trại, tăng cường che phủ thêm mái chuồng bằng các vật liệu chống nắng, tạo môi trường thoáng mát, đảm bảo nước uống đầy đủ. Đồng thời, khuyến cáo người dân tuyệt đối không chăn thả gia súc sau 10 giờ sáng và trước 2 giờ chiều để tránh gia súc bị cảm, say nắng do nắng nóng”. Theo các chủ trang trại có thâm niên trong nuôi lợn, để đàn lợn luôn khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt vào những ngày nắng nóng, người nuôi nên giảm 5-10% lượng thức ăn so với những ngày bình thường. Chủ động cho đàn lợn ăn làm nhiều bữa trong ngày vào sáng sớm hoặc chiều mát để tăng khả năng hấp thụ thức ăn, hạn chế cho ăn buổi trưa khi trời đang nắng nóng gay gắt. Là hộ chăn nuôi lợn lâu năm, gia đình bác Phạm Văn Tiệp, thôn Tam Quang, xã Yên Thắng (Ý Yên) luôn chú ý đặt vấn đề bảo vệ an toàn đàn vật nuôi lên hàng đầu. Hiện nay, gia đình bác nuôi trên 100 con lợn thương phẩm. Bác Tiệp cho biết, để giữ cho chuồng nuôi luôn thoáng mát, sạch sẽ, mỗi ngày gia đình tắm cho lợn 2 lần, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, thường xuyên phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh. “Vào những ngày nắng nóng cao điểm, tôi cho lợn uống thêm chất điện giải và bổ sung rau xanh. Nhờ đó, đàn lợn của gia đình tôi chưa bao giờ bị bệnh, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng” - bác Tiệp chia sẻ. Tại xã Yên Lợi (Ý Yên), để chống nóng cho đàn lợn, các thành viên của hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi đã chú trọng đầu tư xây dựng chuồng trại với hệ thống làm mát, quạt thông gió, bể xử lý nước thải; hệ thống trần chống nóng, lưới lọc gió, máng ăn, các đường dẫn nước uống, nước thải đều được xây dựng riêng biệt, khép kín… Nhờ đó dù thời tiết bên ngoài nóng bức, nhưng nhiệt độ bên trong chuồng chỉ khoảng 27-28 độ C. Theo quan sát của chúng tôi, tại các chuồng nuôi hầu như không có mùi hôi như một số trại chăn nuôi nhỏ lẻ.
Bác Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi cho biết: Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên hợp tác xã đã thiết kế, xây dựng chuồng trại theo hướng đồng bộ, nền chuồng luôn bảo đảm cao ráo, mát mẻ, tránh được “mưa tạt, gió lùa”. Những ngày thời tiết nắng nóng, khâu quan trọng nhất là vệ sinh chuồng trại phải thường xuyên, phía cuối mỗi ô chuồng nên có bể nước cho lợn tắm nước và phải thay nước thường xuyên. Ngoài ra, phải định kỳ thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn, bảo đảm không phát sinh dịch bệnh.
Để ứng phó với nắng nóng, bảo vệ an toàn cho đàn gà, gia đình anh Phạm Văn Hiếu, thôn Trình Xuyên, xã Liên Bảo (Vụ Bản) đã đầu tư lắp đặt hệ thống làm mát bằng quạt hút gió và giàn phun nước mát tự động. Cùng với việc cung cấp đủ nước sạch cho gà uống cả ngày, anh còn bổ sung Vitamin C và các chất điện giải vào thức ăn, giúp đàn gà giải nhiệt, tăng sức đề kháng... Anh Hiếu cho biết, gia trại của anh đang nuôi 1.500 con gà thương phẩm. Ngay từ đầu mùa hè, anh đã giảm mật độ nuôi và làm sạch chuồng gà, tạo sự thoáng mát. Nhờ sử dụng nền đệm lót sinh học từ trấu giúp phân giải phân gà, khử mùi, giữ vệ sinh chuồng, tạo môi trường thông thoáng nên đàn gà của gia đình luôn khỏe mạnh, lớn nhanh.
Chi phí chăn nuôi tăng cao
Nắng nóng kéo dài không chỉ gây thiệt hại cho người chăn nuôi mà còn khiến chi phí chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi của các hộ nuôi tăng cao. Hầu hết các hộ nuôi thủy sản phải sử dụng máy sục oxy trong nhiều giờ liên tục để bảo vệ đàn cá, tôm. Việc bơm bổ sung nước hoặc thay nước cho ao cũng diễn ra với tần suất dày hơn. Những việc này khiến lượng điện tiêu thụ hàng tháng của các hộ nuôi tăng từ 50-70% so với các mùa khác trong năm. Ông Nguyễn Văn Quyết, thôn Lâm Hà, xã Giao Phong (Giao Thuỷ) cho biết: Tôi có 1,5ha đầm nuôi tôm, mỗi ngày phải dùng đến hàng chục máy sục mới cung cấp đủ lượng oxy cho tôm. Bước vào mùa nắng nóng, mỗi tháng tốn khoảng 3-3,5 triệu đồng tiền điện. Năm nay tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên diễn ra trên phạm vi rộng. Nhiều hộ đã phải mua thêm máy phát điện để phát điện chạy máy sục oxy cho tôm, cá khi mất điện. Những ngày cắt điện chi phí cho việc vận hành hệ thống máy phát điện mất từ 800 nghìn đến 1,3 triệu đồng/ngày, cao hơn nhiều so với sử dụng điện lưới. Mặt khác, do nhu cầu sử dụng máy phát tăng nên giá bán các loại máy phát điện cũng tăng từ 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Thời tiết oi nồng, nắng nóng gay gắt kéo dài nên tình trạng cá chết đã xảy ra lác đác ở một vài nơi khiến một số hộ nuôi không khỏi hoang mang. Nhu cầu của thị trường bắt đầu giảm khiến giá các loại thuỷ sản nước ngọt cũng giảm theo. Trong khi đó, giá thức ăn thuỷ sản vẫn giữ ở mức rất cao, từ 430-450 nghìn đồng/bao. Điều này đồng nghĩa với việc các hộ nuôi phải gánh thêm nhiều khoản chi phí phát sinh, làm ảnh hưởng lớn đến vốn đầu tư và lợi nhuận chăn nuôi.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, thời tiết nắng nóng, oi bức sẽ còn kéo dài, vì vậy các hộ chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp chống nắng nóng theo khuyến cáo của ngành chức năng góp phần bảo đảm an toàn đàn vật nuôi, hạn chế phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại cho người dân và ngành chăn nuôi./.
Bài và ảnh: Văn Đại
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.