Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 21/09/2023
Ngày cập nhật:
23/9/2023
Theo nhiều nông dân nuôi dê nhẹ công chăm sóc, ít tốn chi phí thức ăn so với một số loại gia súc khác. Thức ăn của dê rất đa dạng và có sẵn trong tự nhiên. Thị trường tiêu thụ thịt và dê giống khá tốt; giá bán đảm bảo hộ chăn nuôi có lợi nhuận sau xuất bán. Với đặc tính nêu trên nên dê của nhiều bà con nông dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã phát triển mô hình nuôi dê tại hộ.
Là hộ nuôi dê nhiều năm, ông Trần Văn Chía, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) chia sẻ: "Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã nuôi dê boer Úc được 8 năm, với tổng số 40 con, trong đó 10 con dê sinh sản, số còn lại để bán giống và thịt. Trước khi nuôi dê, gia đình tôi có nuôi heo thịt do gặp rủi ro nên dừng. Qua tìm hiểu thấy con dê là loại gia súc có chi phí đầu tư thấp, dễ thích ứng với điều kiện tự nhiên nơi đây nên tôi quyết định duy trì đàn cho đến bây giờ".
Cũng theo lời ông Chía, với 10 con dê sinh sản cứ 2 năm sinh 3 lứa, thu về từ 180 - 190 con dê con. Trung bình mỗi năm, ông Chía xuất bán ra thị trường trên 30 con dê, trong đó có từ 6 - 7 con dê thịt. Dê giống từ lúc sinh sản đến xuất bán được nuôi từ 5 - 6 tháng, với giá từ 3 - 4 triệu đồng/con. Dê thịt nuôi từ 7 - 12 tháng mới đạt trọng lượng để bán cho các quán ăn, nhà hàng (từ 28 - 70kg/con). Trung bình với 30 con dê xuất bán, trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng/năm. Dự định tới, ông Chía sẽ tăng đàn dê sinh sản lên 20 con, nhằm cung cấp nhiều hơn nữa số lượng dê giống và dê thịt ra thị trường.
“Để đảm bảo nguồn thức ăn tươi mới mỗi ngày cho đàn dê, tôi dành hẳn 2 công đất làm lúa chuyển sang trồng cỏ cho dê ăn. Ngoài cỏ thì tôi còn bổ sung thêm các loại lá cây có trong tự nhiên hay các loại rau củ quả nếu có. Riêng với dê sinh sản thì cho ăn thêm thức ăn gia súc, nhằm tăng thêm chất dinh dưỡng cho đàn dê. Chuồng trại chăn nuôi dê xây dựng thông thoáng. Dê sinh sản nuôi nhốt riêng nhằm thuận tiện cho việc quan sát và chăm sóc đàn dê con. Thời điểm dê mang bầu cần tiêm thuốc bồi dưỡng cho dê mẹ và dê con trong bụng. Dê con sau sinh 3 ngày nên tiêm chất sắt. Còn dê giống, dê thịt đã trưởng thành tiêm phòng các bệnh như: tụ huyết trùng, ký sinh trùng…”, ông Trần Văn Chía cho biết thêm.
Ông Trần Văn Chía, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) bên đàn dê sinh sản của gia đình. Ảnh: THÚY LIỄU
Giống như ông Chía, ông Trần Huệ Trí, xã Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã phát triển nuôi đàn dê sinh sản và dê thịt gần 8 năm qua. Ông Trí bộc bạch: "Thời gian đầu, tôi chỉ mua 2 con dê cái, giống dê boer lai để nuôi. Sau 1 năm nuôi, dê mới bắt đầu sinh sản và từ 2 con dê trên, số lượng đàn dê cứ tăng dần theo từng năm. Có lúc, gia đình tôi nuôi trên 60 - 70 con vừa dê sinh sản, vừa dê giống và dê thịt. Hiện tại, đàn dê của gia đình tôi là 20 con, trong đó có 12 dê sinh sản, còn lại là đàn dê tơ. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, tôi đã xuất bán 30 con dê giống, thịt, trừ chi phí lợi nhuận hơn 60 triệu đồng. Dự tính, tới đây tôi sẽ tăng số lượng đàn dê sinh sản lên 20 con".
Bí quyết của ông Trí, để đàn dê phát triển tốt thì ngoài khâu đảm bảo chuồng nuôi luôn sạch sẽ, thoáng mát, cho dê ăn đầy đủ thức ăn xanh là rau, cỏ các loại. Ngoài ra, bổ sung thêm từ 100 - 150 gram thức ăn/con dê trưởng thành/ngày; thường xuyên quan sát đàn dê để sớm phát hiện dê mắc bệnh, điều trị kịp thời.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh hơn 249.000 con, trong đó tính riêng đàn dê hơn 10.550 con. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, để nuôi dê đạt hiệu quả thì hộ nuôi cần lưu ý trong khâu chọn con giống, cần mua con giống có xuất xứ rõ ràng; dê mới mua về cần được cách ly từ 30 - 40 ngày trước khi nhốt chuồng. Giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát; định kỳ khử trùng cho chuồng nuôi bằng vôi hoặc axit phenic (theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì). Thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn dê, nhằm kịp thời phát hiện dê ốm yếu, bị bệnh để cách ly. Đồng thời phải tuân thủ nghiêm lịch tiêm phòng vắc xin cho đàn dê theo chỉ dẫn của các cơ quan thú y.
THÚY LIỄU
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.