Nguồn tin: Báo Bình Phước, 21/09/2023
Ngày cập nhật:
24/9/2023
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ và phục vụ xuất khẩu là hết sức cần thiết. Trong đó, hạt nhân trong việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chính là các cơ sở chăn nuôi.
Chủ động phòng bệnh
Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi gà và chăn nuôi theo kiểu “gối đầu” nên chuồng trại của gia đình ông Phạm Văn Hoành ở ấp Thanh Bình, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước) lúc nào cũng có hàng ngàn con gà. Hết lứa này ông lại chuẩn bị nuôi lứa khác. Vì vậy, việc phòng, chống dịch bệnh luôn được ông đặt lên hàng đầu và tuân thủ đúng quy trình. Vắc xin cúm gia cầm được ông trữ sẵn trong nhà để chủ động tiêm cho đàn gà khi đến thời điểm. “Đối với bệnh cúm H5N1 bắt buộc người chăn nuôi lúc nào cũng phải phòng. Tôi nuôi gà lâu rồi nên hiểu rõ, một khi đã xảy ra dịch bệnh thì thiệt hại vô cùng lớn. Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng số lượng đàn của gia đình mà còn có thể lây lan gây thiệt hại cho các hộ nuôi xung quanh” - ông Hoành chia sẻ.
Chủ động phòng dịch bệnh đã giúp gia đình anh Lê Xuân Thuận, phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành tăng hiệu quả trong chăn nuôi
Còn hộ anh Lê Xuân Thuận ở phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành, tiêm vắc xin đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ là những biện pháp hàng đầu được gia đình anh thường xuyên thực hiện và mang lại nhiều hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà. “Điều quan trọng nhất trong nuôi gà là phải tiêm vắc xin đầy đủ để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Đối với gà thịt, mình tuân thủ đúng quy trình, 3-7 ngày tuổi nhỏ vắc xin lasota và gumboro, 15 ngày tuổi tiêm vắc xin lần 1 phòng bệnh cúm gia cầm” - anh Thuận chia sẻ.
Chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh, tuân thủ quy trình tiêm vắc xin và vệ sinh chuồng trại sẽ giúp nông dân đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, giảm rủi ro trong chăn nuôi. Có thể thấy, trải qua nhiều thời điểm ứng phó với dịch bệnh, ý thức của người chăn nuôi đã ngày càng nâng cao hơn.
Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học
Đa phần nông dân trên địa bàn tỉnh chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp, mật độ vật nuôi trên một đơn vị diện tích rất lớn. Do đó, khi xảy ra dịch bệnh cũng dễ lây lan và khó khống chế. Chính vì vậy, phòng dịch bệnh vẫn là giải pháp hàng đầu. Hiện các cơ sở chăn nuôi cơ bản áp dụng quy trình kiểm soát dịch bệnh 3 lớp, gồm: tiêm đầy đủ vắc xin phòng dịch, vệ sinh chuồng trại định kỳ và kiểm soát nguồn gốc con giống. Trong điều kiện thị trường tiêu thụ, giá cả lên xuống bấp bênh như hiện nay, việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, quan tâm phòng bệnh trong chăn nuôi sẽ hạn chế các bệnh truyền nhiễm, tăng tỷ lệ sống của vật nuôi, giảm chi phí thú y, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng hướng dẫn ông Đặng Thanh Phong cách phòng bệnh cho đàn gà
Nhờ làm tốt công tác phòng dịch mà 2 năm liên tiếp (2022-2023), Bù Đăng đều đạt chứng nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện đối với bệnh cúm gia cầm. Đây là điều kiện để các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện tiếp tục cải tiến và nâng cao hiệu quả quản lý trang trại, giảm nguy cơ vật nuôi bị nhiễm bệnh, cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, nhất là đối với các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Theo thống kê từ đầu năm tới nay, tổng đàn gia cầm của huyện đạt 556.000 con, tăng 26.530 con so với cùng kỳ. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại bảo đảm an toàn sinh học.
Ông TRẦN MINH HIỂU, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng: Chúng tôi thường xuyên tổ chức tập huấn cho mạng lưới thú y cơ sở để giám sát tình hình dịch bệnh trên gia cầm, giúp các cơ quan chức năng xử lý nhanh dịch bệnh, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho vùng. Đồng thời vận động các hộ, trại chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Để tiếp tục duy trì vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm, ngành chức năng huyện Bù Đăng đã xây dựng các kế hoạch, chương trình, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh đến các xã một cách đồng bộ và liên tục.
Theo kế hoạch quốc gia Chính phủ vừa phê duyệt, đến năm 2030, Bình Phước là 1 trong 4 tỉnh sẽ trở thành trung tâm chăn nuôi an toàn dịch bệnh của cả nước. Vì thế, việc nâng cao ý thức người dân, xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh là bước đi đầu tiên thúc đẩy quá trình hình thành các vùng chăn nuôi chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn thế giới, tạo tiền đề quan trọng cho việc xuất khẩu sản phẩm gia súc, gia cầm sang các thị trường khó tính trên thế giới.
Thu Thảo
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.