Nguồn tin: Báo Kon Tum, 27/11/2023
Ngày cập nhật:
1/12/2023
Thời gian qua, huyện Kon Plông (Kon Tum) quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn vận động nhân dân tận dụng các nguồn vốn nhàn rỗi kết hợp với vốn vay ngân hàng để đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, góp phần tăng thêm thu nhập và nâng cao đời sống gia đình.
Theo số liệu thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Kon Plông, trong 2 năm 2019-2020, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò nên đàn gia súc trên địa bàn đã giảm mạnh; cụ thể đến năm 2021, đàn gia súc giảm còn 21.371 con, trong đó đàn trâu 8.163 con, đàn bò 2.114 con, đàn heo 5.110, đàn dê 5.984 con.
Nông dân xã Pờ Ê đầu tư nuôi giống heo đen cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: QĐ
Trước thực trạng trên, để khôi phục và phát triển chăn nuôi trên địa bàn thời gian qua, huyện vận động người dân trên địa bàn tận dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển chăn nuôi nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống; tích cực hướng dẫn người dân trồng cỏ voi, sử dụng rơm rạ làm thức ăn cho gia súc; gia cố chuồng trại đảm bảo che mưa, nắng, che gió, giữ ấm cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa lạnh, rét; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, xử lý chất thải trong chăn nuôi.
Đến nay, đã triển khai mô hình thí điểm phòng chống đói, rét cho 2 hộ A Nỷ (thôn Vi GLơng), A Dủi (thôn Đăk Lom), xã Hiếu; mô hình 8 hộ trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc với diện tích 1ha tại thôn Măng Bút (xã Măng Bút); trồng 2ha diện tích cỏ voi ở xã Pờ Ê; hướng dẫn người dân xã Hiếu làm được 26 cây rơm và 11 kho rơm dự trữ, xây dựng được 280 chuồng kiên cố và 130 chuồng bán kiên cố; hướng dẫn người dân xã Ngọk Tem làm được 24 chuồng kiên cố, 66 chuồng bán kiên cố; xã Măng Bút làm được 30 cây rơm, xây dựng được 280 chuồng có mái che và 61 chuồng nuôi nhốt gia súc.
Đáng chú ý, đa số các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Kon Plông đã thay đổi tập quán chăn nuôi. Hiện có khoảng 40% số hộ nuôi gia súc đã thực hiện che chắn chuồng trại để tránh gió lùa; khoảng 30% số hộ trồng cỏ voi, dự trữ rơm làm thức ăn cho trâu bò. Một số hộ dân ở các xã Măng Bút, Măng Cành tận dụng hàng rào trồng các loài cây lá xanh làm thức ăn cho cho trâu bò.
Ngành nông nghiệp huyện tập trung hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh; kiểm tra, giám sát, cảnh báo nguy cơ đối với những vùng có thể xảy ra dịch. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý đối với dịch tả lợn châu Phi; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng nơi nuôi nhốt gia súc bị bệnh và những vùng lân cận để hạn chế lây lan; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trong những vùng bị bệnh.
Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Kon Plông thực hiện các đợt tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh với tổng số lượng vắc xin 40.683 liều; cấp 100 lít hóa và vật tư trang thiết bị để chống dịch tả lợn châu Phi tại thôn Kon Leng 2 (thị trấn Măng Đen).
Với các giải pháp nêu trên, ngành chăn nuôi của huyện Kon Plông đã phục hồi và phát triển khá mạnh. Tổng đàn gia súc toàn huyện đến nay đạt 23.794 con; trong đó đàn trâu 8.875 con, đàn bò 2.709, đàn lợn 5.920, đàn dê 5.847; diện tích nuôi trồng thủy sản 72ha.
Trong thời gian tới, huyện Kon Plông quy hoạch các vùng chăn nuôi phù hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng của từng loại vật nuôi trong vùng sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững. Trong đó, phát triển chăn nuôi trâu tại các xã Pờ Ê, Măng Cành, Xã Hiếu, Măng Bút, Đăk Tăng và thị trấn Măng Đen; chăn nuôi bò tại các xã Pờ Ê, Ngọc Tem, Đăk Ring, Đăk Nên; chăn nuôi dê tại các xã Măng Cành, Ngọc Tem, Đăk Ring, Đăk Nên Đăk Tăng và phát triển chăn nuôi heo (heo đen, heo sọc dưa) tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Lựa chọn gia súc khỏe mạnh để phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; vận động nhân dân gia cố chuồng trại, đảm bảo yêu cầu che mưa, nắng, che gió, giữ ấm cho gia súc; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, xử lý chất thải; sử dụng thức ăn cỏ voi, rơm rạ, bổ sung bằng thức ăn công nghiệp, đảm bảo chất lượng cho vật nuôi; tiêm phòng cho gia súc nhằm khống chế một số bệnh thường xảy ra.
Quang Định
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.