• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thừa Thiên Huế: Phòng dịch bảo vệ đàn gia súc, gia cầm

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 06/12/2023
Ngày cập nhật: 8/12/2023

Ngành nông nghiệp cùng với các địa phương, hộ chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống không để xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi gia súc, gia cầm (GSGC) theo tinh thần không chủ quan, lơ là sau lũ.

Vệ sinh chuồng nuôi lợn

Đợt lũ vừa qua làm chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt của ông Nguyễn Lực ở xã Quảng Thái (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) bị ngập, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Ngay sau nước lũ rút, ông Lực tổ chức vệ sinh, xử lý rác, chất thải kết hợp với phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại và quanh khu vực trang trại, phòng tránh các bệnh đang tiềm ẩn nguy cơ cao trong môi trường, như: cúm gia cầm, lợn tai xanh, lở mồm long móng…

Ông Nguyễn Thuận, chủ trang trại GSGC ở vùng rú cát Quảng Vinh (Quảng Điền) chia sẻ, ở vùng rút cát tuy không bị ngập lụt nhưng cũng không thể chủ quan khi dịch bệnh GSGC ở những vùng ngập lụt có thể lây lan sang vùng rú cát. Vì vậy, ông Thuận cũng như các chủ trang trại vùng rú cát Quảng Điền chủ động, tích cực triển khai vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, tiêm vắc-xin đầy đủ để phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, trước và sau lũ lụt, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi không chủ quan, lơ là, tích cực và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ngành nông nghiệp cấp thuốc, vôi và các loại vật tư cho các địa phương tổ chức phòng, chống dịch bệnh GSGC. Đến thời điểm này, dịch bệnh cơ bản được khống chế, tuy nhiên nguy cơ tái bùng phát vẫn rất cao do ô nhiễm môi trường sau lũ.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của mưa lớn, lũ lụt trên diện rộng gây thiệt hại về chăn nuôi và ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là tình hình dịch bệnh GSGC ở trong nước diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ phát sinh và lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi tại địa bàn tỉnh là rất cao.

Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đang triển khai hướng dẫn người chăn nuôi thu gom, xử lý xác động vật chết, chất thải chăn nuôi, không để gây ô nhiễm môi trường. Sau khi nước rút thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng dụng cụ, khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng...

Các hộ chăn nuôi được hướng dẫn các biện pháp nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống phù hợp với từng đối tượng nuôi, tiêm vắc-xin kết hợp bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết cho đàn vật nuôi.

Ngành nông nghiệp tăng cường giám sát để sớm phát hiện, kịp thời xử lý trường hợp GSGC mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu, bò, dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, cúm gia cầm... Người dân tuyệt đối không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.

Các địa phương đang tham mưu tỉnh, các ban ngành có phương án hỗ trợ con giống cho người dân khôi phục sản xuất, hỗ trợ hóa chất xử lý môi trường, tiêu hủy động vật chết. Ngoài tích cực triển khai các biện pháp ứng phó dịch bệnh, các địa phương cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác thú y của địa phương. Đặc biệt, là khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, GSGC trên địa bàn, đề xuất UBND tỉnh có phương án hỗ trợ kịp thời.

Ngành chăn nuôi và thú y đang phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại các địa phương; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Lực lượng thú y tại cơ sở bám sát địa bàn, chủ động hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi vật nuôi, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất.

Ngoài chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau lũ, mới đây vào giữa tháng 11, UBND tỉnh ban hành Công văn số 12292/UBND-NN về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, triển khai các biện pháp, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia cầm, lợn, trâu, bò và các sản phẩm động vật. Các huyện, thị xã và thành phố Huế khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh theo định kỳ, tiêm bổ sung vắc-xin phòng các bệnh nguy hiểm trên đàn GSGC.

Bài, ảnh: Thế Quang

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang