Nguồn tin: Báo Ðắk Nông, 07/02/2023
Ngày cập nhật:
9/2/2023
Những ngày đầu tháng Giêng năm 2023, dưới những tán điều rộng lớn thuộc xã Đắk R’tíh (Tuy Đức, Ðắk Nông), nhiều người nuôi ong mang ong đến “đánh mật” vụ mới. Năm nay, nhờ những cơn mưa trái mùa, hoa điều và hoa cà phê nở sớm, thợ nuôi ong rất phấn khởi vì sản lượng mật được dự đoán sẽ nhiều hơn vụ mùa trước.
Nhẹ nhàng kiểm tra từng thùng ong, anh Phạm Duy Đông (quê Thanh Hóa) cho biết, hơn 1 tháng mang ong đến nuôi tại xã Đắk R’tíh, anh đã quay mật được 2 lần. Dự kiến, anh sẽ quay mật thêm một lần nữa vào khoảng 15 ngày tới, sau lứa hoa cà phê cuối cùng, trước khi di chuyển đàn ong của mình đi nơi khác.
Lần đầu tiên đưa ong đến Đắk Nông để khai thác mật hoa, anh Phạm Duy Đông đánh giá, điều kiện tự nhiên như khí hậu, nhiệt độ và diện tích cây công nghiệp lớn giúp Đắk Nông là “miền đất hứa” với những người nuôi ong.
Anh Phạm Duy Đông (quê Thanh Hóa) lần đầu tiên đưa đàn ong đến Đắk Nông để khai thác mật
“Tôi mang lên đây hơn 400 thùng ong từ trước Tết Nguyên đán. Thời điểm trước Tết, gió lớn và thời tiết lạnh nên lần "đánh mật" đầu tiên không được nhiều. Tuy nhiên, sau đó nhờ thời tiết thuận lợi, cây điều, cà phê gặp mưa trái vụ ra hoa sớm, nên lần đánh mật mới đây tốt hơn, với khoảng 1,4 tấn mật”, anh Đông thông tin.
Cách vườn điều của anh Đông nuôi ong không xa, vợ chồng chị Phan Thị Sương (Bình Dương) cũng đặt hơn 400 thùng ong mật. 6 năm theo chồng rong ruổi khắp các vùng quê để tìm mật ngọt cũng là 6 năm hai vợ chồng ăn, ngủ dưới tán cao su, hồ tiêu. Vất vả, gian nan thậm chí là nguy hiểm, thế nhưng khi cầm trên tay những cầu mật vàng óng, sóng sánh, niềm hạnh phúc lại hiện rõ trên khuôn mặt đôi vợ chồng trẻ.
Chị Sương tâm sự, đối với nghề nuôi ong lấy mật, thợ nuôi ong phải hiểu được tập tính của ong. Bên cạnh đó, việc chọn địa điểm đặt đàn ong cũng rất quan trọng. Ong cần nơi có nguồn mật dồi dào, xa khu dân cư, thời tiết thuận lợi nhưng nguồn mật phải an toàn, không ảnh hưởng đến chất lượng mật cũng như sức khỏe của ong thợ.
“Ở một số vùng, người dân có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ hoa và tăng tỷ lệ đậu trái. Do đó, chủ trại ong phải thường xuyên đi kiểm tra để bảo vệ đàn ong của mình. Dù cẩn thận đến đâu, nhưng đã có năm, đàn ong của gia đình tôi bị trúng độc, thiệt hại cả đàn, khiến cả gia đình trắng tay. Tôi theo chồng đi nuôi ong cũng nhiều nơi, nhưng ở Đắk Nông là thuận lợi nhất, ong phát triển và cho chất lượng mật, phấn hoa tương đối tốt”, chị Sương cho hay.
Theo các chủ trại ong, những năm qua nhu cầu sử dụng mật ong của người dân rất lớn, mật ong được quay ra đều được các thương lái đến tận vườn để thu mua. Hiện giá mật ong dao động khoảng trên, dưới 100.000 đồng/kg, được đánh giá là mức thu mua cao, giúp người nuôi ong lạc quan cho một vụ mùa thắng lợi.
Thanh Hằng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.