Nguồn tin: Báo Thái Bình, 12/12/2023
Ngày cập nhật:
16/12/2023
Đàn ong khỏe, sản lượng cao, chất lượng mật tốt, không tốn nhiều công lao động là những ưu điểm của phương pháp nuôi ong thùng kế đang được người nuôi ong áp dụng và nhân rộng tại Thái Bình. Đây là mục tiêu của dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển nghề nuôi ong ngoại (Apis mellifera) lấy mật trong thùng kế tại rừng ngập mặn tỉnh Thái Bình và chế biến các sản phẩm ngành ong theo hướng sản xuất hàng hóa” do Công ty TNHH Nông nghiệp Thái Việt thực hiện.
Mô hình nuôi ong ngoại trong thùng kế do Công ty TNHH Nông nghiệp Thái Việt thực hiện.
Dự án được triển khai từ tháng 11/2021 đến tháng 4/2024 với mục tiêu hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và tiếp nhận thành công các quy trình kỹ thuật nuôi ong ngoại lấy mật tại rừng ngập mặn và chế biến các sản phẩm từ ong tại tỉnh Thái Bình. Trong đó, xây dựng một mô hình nuôi ong ngoại Apis mellifera trong thùng kế theo hướng đa dạng hóa sản phẩm với quy mô 200 đàn ong, sản lượng mật 5 tấn/năm, chất lượng mật đạt tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12605:2018; sản lượng sữa ong chúa đạt 0,25 tấn/năm, đạt tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12606:2018, sản lượng phấn hoa đạt 1 tấn/năm. Sản xuất 5 tấn tầng chân và gia công 15 tấn tầng chân/năm.
Với kinh nghiệm trên 10 năm nuôi ong lấy mật, sau khi được hỗ trợ từ dự án, anh Vũ Trung Hiếu, xã Vũ Lễ (Kiến Xương) đã chuyển đổi từ nuôi ong thùng đơn truyền thống sang thùng kế với 35 đàn. Toàn bộ đàn ong được anh Hiếu đặt tại khu vực cồn Đen, xã Thái Đô (Thái Thụy) để tận dụng nguồn mật từ hoa sú, vẹt, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Anh Hiếu cho biết: Nếu như nuôi ong thùng đơn, tôi phải thu mật từ 4 - 6 lần/đợt hoa thì nuôi ong thùng kế chỉ thu 2 lần/năm, do đó giảm nhân công. Mật thu được từ thùng kế chín hoàn toàn nên giá bán cao hơn gấp 2 lần mật khai thác thùng đơn. Ngoài ra, tham gia dự án, chúng tôi được công ty thu mua sáp ong, được mua các loại vật tư đầu vào chất lượng tốt với giá cả hợp lý nên cải thiện rõ rệt hiệu quả nuôi ong. Đặc biệt, sử dụng tầng chân sáp nền do Công ty TNHH Nông nghiệp Thái Việt sản xuất giúp tạo ra kích thước ôlăng nhất quán, con ong tiếp thu nhanh hơn. Điều này có thể giúp người nuôi ong dễ dàng kiểm tra tổ của mình hơn và bảo đảm rằng đàn ong phát triển khỏe mạnh, ngăn ngừa dịch bệnh.
Tiến sĩ Trần Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - đơn vị chuyển giao công nghệ của dự án cho biết: Ở Việt Nam hiện nay, người dân chủ yếu nuôi và khai thác mật ong ở thùng đơn (loại thùng 1 tầng không có kế) với cả ong nội và ong ngoại. Thùng đơn có hạn chế là không gian cố định, vùng dự trữ mật và nuôi dưỡng ấu trùng trên cùng bánh tổ, vì vậy khi thu hoạch mật không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của đàn ong mà còn ảnh hưởng tới chất lượng mật. Trái lại, ở thùng kế có thể mở rộng không gian bằng cách đặt các tầng kế phía trên nên tận dụng tối đa sức phát triển của đàn ong và giảm thiểu ảnh hưởng hoạt động của đàn ong khi khai thác mật. Mật ong khi thu được ở thùng kế là mật đã chín, không lẫn ấu trùng nên chất lượng mật cao hơn. Thái Bình là tỉnh đồng bằng nhưng có thành phần cây nguồn mật tương đối đa dạng, đặc biệt với diện tích trên 4.000ha rừng ngập mặn với các cây trồng chủ lực sú, vẹt, bần cho thời gian thu mật kéo dài tạo thuận lợi cho việc nuôi ong ngoại lấy mật trong thùng kế. Các sản phẩm ong nói chung, mật ong thu được từ đàn ong nuôi thùng kế bảo đảm chất lượng, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường mật ong quốc tế. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người nuôi ong thay đổi phương thức nuôi từ thùng đơn sang thùng kế.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Thái Việt cho biết: Qua hơn 2 năm thực hiện, đến nay Công ty TNHH Nông nghiệp Thái Việt đã tiếp nhận 9 quy trình công nghệ phục vụ nuôi ong ngoại và khai thác mật ong ở thùng kế, xây dựng được 200 đàn ong đạt tiêu chuẩn kỹ thuật tại trại ong trung tâm của Công ty và 3 trại ong vệ tinh tại 3 cơ sở chăn nuôi ong. Nhờ sự hỗ trợ của dự án về máy móc và công nghệ, chúng tôi thu mua/đổi sáp ong, sản xuất các sản phẩm tầng chân phù hợp với mọi loài ong mật nuôi tại Việt Nam với chất lượng tốt và giá thành hợp lý nhất. Đến tháng 5/2023, chúng tôi sản xuất được 4 tấn tầng chân và gia công 10 tấn tầng chân phục vụ mô hình và người nuôi ong trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, việc tổ chức thu mua và đổi sáp ong lấy tầng chân còn giúp tăng thu nhập và giảm chi phí đầu vào cho các hộ nuôi ong do trước đây sáp không được thu mua, người nuôi thường bỏ đi gây lãng phí và giảm thiểu thu nhập. Đồng thời, công tác đào tạo kỹ thuật viên, tập huấn kỹ thuật nuôi ong trong thùng kế cho người dân bảo đảm yêu cầu dự án.
Tâm đắc với hiệu quả phương pháp nuôi ong trong thùng kế, ông Nguyễn Ngọc Khiếu, xã Phúc Thành (Vũ Thư) đã chuyển đổi 10/25 đàn ong của gia đình sang nuôi trong thùng kế. Ông Khiếu cho biết: Phương pháp này không chỉ nâng cao chất lượng mật ong mà còn giảm được công lao động do không phải quay mật nhiều lần. Màu sắc mật ong thùng kế trong, không vẩn đục, thời gian bảo quản sẽ được lâu hơn bởi mật ong đã chín có hàm lượng nước thấp. Với phương pháp này, chi phí để làm thêm thùng kế, cầu kế phải đầu tư cao hơn nhưng bù lại chất lượng, sản lượng, giá trị mật ong sẽ được nâng cao. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục học hỏi kỹ thuật để nhân rộng cho đàn ong của gia đình.
Hiệu quả bước đầu từ dự án được đông đảo người nuôi ong trong tỉnh ghi nhận và áp dụng, tạo tiền đề cho các cơ sở nuôi ong trong tỉnh phát triển mở rộng quy mô nuôi ong mật, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm từ ong mật qua đó nâng cao thu nhập.
Lưu Ngần
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.