Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 04/01/2023
Ngày cập nhật:
6/1/2023
Nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang áp dụng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi. Qua đó không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Người dân xã Tân Khánh (Phú Bình) sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót trong chăn nuôi gà.
Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh có bước phát triển cả về lượng và chất, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho nhiều bà con nông dân. Chăn nuôi quy mô trang trại phát triển nhanh, đang thay thế dần chăn nuôi nhỏ lẻ và việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Riêng năm 2022, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 6.818 tỷ đồng, tăng 5,44% so với năm 2021; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 212 nghìn tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ và vượt 34,7% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành chăn nuôi cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành chức năng đã khuyến khích bà con sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi.
Đơn cử như trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã triển khai mô hình chăn nuôi vỗ béo bò thịt, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học kết hợp trồng ngô sinh khối trên địa bàn xã Nga My (Phú Bình) với quy mô 155 con bò thịt. 22 hộ nông dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư trồng ngô, tiêm phòng, chế phẩm xử lý môi trường và hỗ trợ thức ăn vỗ béo bò...
Anh Dương Văn Hồng, một người dân ở xóm Phú Xuân, xã Nga My, chia sẻ: Trước đây gia đình tôi chủ yếu chăn nuôi theo kinh nghiệm nên đàn bò thường chậm lớn. Từ khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, gia đình tôi đã biết dùng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường; đồng thời chế biến thức ăn xanh, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò và tẩy kí sinh trùng cho đàn bò. Nhờ vậy, đàn bò sinh trưởng ổn định, nhanh lớn.
Đối với các thành viên Hợp tác xã Chăn nuôi xanh ở phường Lương Sơn (TP. Sông Công), thời gian qua, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong ngâm ủ thức ăn xanh, thức ăn thô cho đàn lợn cũng đã giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi xanh, cho biết: Trung bình mỗi năm Hợp tác xã xuất bán ra thị trường hơn 1.000 con lợn thương phẩm. Chúng tôi không sử dụng cám công nghiệp mà thay vào đó là các loại cám gạo, ngô, rau xanh, đậu tương… dùng men vi sinh và ủ chua tạo thành hỗn hợp giàu dinh dưỡng rồi mới cho lợn ăn. Quá trình lên men khiến thức ăn có mùi thơm đặc trưng, kích thích vị giác vật nuôi. Với hình thức chăn nuôi này, sản phẩm thịt lợn của Hợp tác xã đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và bước đầu hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ.
Còn với các hộ chăn nuôi gà, bà con cũng đã sử dụng chế phẩm sinh học kết hợp với chấu làm đệm lót chuồng trại. Theo đó, chế phẩm sinh học giúp khử mùi và phân hủy nhanh các chất hữu cơ trong chất thải chăn nuôi. Sau khi xuất chuồng, phân gà tơi xốp được nhiều hộ nông dân đặt mua để sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ.
Việc bà con sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi đã giảm được mùi hôi chuồng trại, tiết kiệm nước và công lao động, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, phương pháp này còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Với lợi ích thiết thực của việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, thời gian tới, ngành chức năng sẽ tiếp tục khuyến khích bà con áp dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, thân thiện với môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
Cùng với đó, các hộ chăn nuôi cũng cần chủ động trong việc đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại phù hợp với từng loại vật nuôi và loại hình chăn nuôi, đáp ứng yêu cầu sinh trưởng, phát triển vật nuôi và bảo vệ môi trường.
Khánh Thiện
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.